Kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời ở Haiti dường như đã “tan thành mây khói” khi nhiều đảng chính trị bác bỏ việc thành lập một hội đồng để quản lý quá trình chuyển đổi. Sự chia rẽ trên chính trường cùng với tình trạng bạo lực leo thang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở quốc gia Caribe, đe dọa sự ổn định của khu vực.
Lốp xe bốc cháy gần Nhà tù Quốc gia ở Port-au-Prince, Haiti, sau khi hàng nghìn tù nhân vượt ngục ngày 3/3. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo đề xuất của Cộng đồng Caribe (CARICOM), một Hội đồng chuyển tiếp sẽ chịu trách nhiệm bầu ra thủ tướng lâm thời và một hội đồng bộ trưởng nhằm cố gắng vạch ra một lộ trình mới cho Haiti, trong bối cảnh các băng nhóm vũ trang hoành hành, các trường học và doanh nghiệp đóng cửa, cuộc sống thường nhật bị đảo lộn hoàn toàn ở nước này.
Hội đồng chuyển tiếp gồm 9 thành viên, 7 người trong số này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên, trong khi 2 đại diện của khu vực tôn giáo và xã hội dân sự sẽ là quan sát viên. Yêu cầu để trở thành thành viên của Hội đồng chuyển tiếp là phải từ bỏ tư cách ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tiếp theo; không bị kết án, buộc tội về bất kỳ tội danh nào và ủng hộ Nghị quyết 2699 của Liên hợp quốc về việc triển khai Sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia tại Haiti.
Tuy nhiên, đề xuất nêu trên vấp phải sự phản đối của nhiều chính trị gia nổi tiếng. Cựu Thượng nghị sĩ và ứng cử viên tổng thống Mose Jean-Charles, người đã hợp tác với cựu thủ lĩnh phiến quân Guy Philippe, khẳng định sẽ không tham gia Hội đồng chuyển tiếp.
Cựu Thượng nghị sĩ Haiti Guy Philippe, nhân vật đối lập được đặt nhiều kỳ vọng, cũng phản đối thỏa thuận thành lập Hội đồng chuyển tiếp và nhấn mạnh rằng không người dân Haiti nào chấp nhận kế hoạch nêu trên. Cựu Đại tá Himmler Rebu, Chủ tịch đảng Đại đoàn kết vì sự phát triển của Haiti - một trong những tổ chức chính trị được đề nghị giữ một ghế trong Hội đồng chuyển tiếp gồm 9 thành viên, cũng không ủng hộ đề xuất này. Ông Rebu bày tỏ “xấu hổ và tức giận” trước kế hoạch “tìm kiếm các vị trí quyền lực mà không tính đến trách nhiệm”. Thủ tướng Haiti Ariel Henry tuyên bố sẽ từ chức sau khi hội đồng nêu trên được thành lập.
Haiti bên bờ vực sụp đổ trong bối cảnh nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế nghiêm trọng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi băng nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia ngày 3/3 và giải thoát gần 3.600 tù nhân. Số tù nhân vượt ngục tại Haiti đến nay đã vào khoảng 4.500 người. Bạo lực đường phố leo thang khiến người dân bị hạn chế di chuyển và khó có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Các băng nhóm tội phạm có vũ trang hiện kiểm soát khoảng 80% thủ đô Port-au-Prince của Haiti.
Chính phủ Haiti đã gia hạn thêm một tháng tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô từ ngày 7/3, do bạo lực leo thang. Cảng chính ở thủ đô Port-au-Prince hiện bị các nhóm vũ trang cướp phá, bao gồm cả hàng viện trợ do nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế gửi tới Haiti. Hơn 260 container của các tổ chức nhân đạo đang bị các nhóm vũ trang kiểm soát tại cảng.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các container chứa nhu yếu phẩm cho trẻ em và vật tư y tế, các vật dụng thiết yếu cho giáo dục mầm non và nhiều thiết bị khác bị cướp làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã sụp đổ ở Haiti. Đại diện UNICEF tại Haiti, ông Bruno Maes nhận định, nếu bạo lực không được chấm dứt và các kênh hậu cần thiết yếu không được mở lại, cuộc khủng hoảng y tế sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Ông Maes cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo và chỉ còn rất ít thời gian để đảo ngược tình hình”. UNICEF cũng cảnh báo nạn đói và suy dinh dưỡng trầm trọng đang ở mức kỷ lục trên khắp đất nước Caribe này, đặc biệt ở thủ đô Port-au-Prince, với gần 25% số trẻ em ở Haiti bị suy dinh dưỡng mãn tính.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính tỷ lệ người ở Haiti có mức tiêu thụ thực phẩm thấp đã tăng từ 32% lên 41%, khiến tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng. Số liệu mới nhất của WFP cho thấy, hơn 60% số hộ gia đình ở Haiti bị giảm thu nhập nghiêm trọng, trong khi giá thực phẩm lại tăng mạnh. Haiti được đánh giá là một trong những nơi phải đối mặt khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất thế giới. 4 triệu người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và khoảng 1,4 triệu người trong số đó đang ở sát ngưỡng lâm vào nạn đói.
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về xung đột vũ trang Virginia Gamba cảnh báo, hoạt động của các băng nhóm tội phạm đang gia tăng chưa từng có tại Haiti, buộc hàng nghìn gia đình phải di dời, trong khi một nửa dân số (khoảng 5,5 triệu người với 30% trong số này là trẻ em) cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Cộng đồng quốc tế, trong đó CARICOM cùng các đối tác, đã nỗ lực thúc đẩy một giải pháp giúp xử lý khủng hoảng chính trị ở Haiti. Tuy nhiên, việc Haiti không thể thành lập
Hội đồng chuyển tiếp gây lo ngại về một khoảng trống quyền lực tại quốc gia Caribe này, cản trở các nỗ lực triển khai lực lượng đa quốc gia nhằm giúp thiết lập lại an ninh, trật tự cho Haiti.
Theo ANH THƯ/Nhandan.vn