Khơi dòng nước mát

08:22, 12/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư tiền tỷ tưởng chừng phải “đắp chiếu”, nhưng đã được cựu chiến binh Trần Văn Bảnh (62 tuổi), ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) khơi thông. Nhờ vậy mà 350 hộ dân trên địa bàn xã thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Nhận việc khó về mình

“Sao nước chảy lúc yếu, lúc mạnh vậy ông Bảnh ơi?”, “Ông sang xem đường ống nước nhà tôi trục trặc gì không, chứ nước chảy yếu lắm”, rồi “Chú Bảnh ơi, đồng hồ nước nhà cháu không chạy, mà nước thì vẫn chảy”... Câu chuyện giữa tôi và ông Bảnh thường gián đoạn bởi những cuộc điện thoại không đầu không cuối như vậy. Dường như đã quen với chuyện này, nên ông Bảnh vui vẻ trả lời, giải thích tường tận để người dân hiểu.

Sự tận tâm của cựu chiến binh Trần Văn Bảnh giúp công trình nước sạch phát huy hiệu quả, mang lại niềm vui cho người dân khu tái định cư Làng Cá. Ảnh: Mỹ Hoa
Sự tận tâm của cựu chiến binh Trần Văn Bảnh giúp công trình nước sạch phát huy hiệu quả, mang lại niềm vui cho người dân khu tái định cư Làng Cá. Ảnh: Mỹ Hoa

Gác điện thoại, nhấp ngụm trà đặc, ông Bảnh bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng trầm ấm. Ông Bảnh nói, tôi đang quản lý và vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Đông Hòa (hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 5/2004) và công trình thôn Vĩnh Sơn - Đông Thuận (đưa vào sử dụng tháng 12/2012). Hai công trình trên có tổng công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.600 hộ. Từ năm 2020, cả 2 công trình trong tình trạng giếng khô, đường ống bị vỡ, máy bơm hư, đồng hồ và hố ga hỏng... nên không đảm bảo việc cấp nước cho người dân. Vào mùa nắng, người dân các thôn Đông Hòa và Đông Thuận (nay sáp nhập thành thôn Hòa Thuận) chật vật tìm nước, từ khoan giếng đến mua nước bình. Nhưng khổ nhất là hàng trăm hộ dân tại khu tái định cư Làng Cá, đến nước phục vụ tắm rửa và giặt giũ cũng không có, vì khu vực này khoan giếng sâu thì nước nhiễm mặn và phèn, mà khoan cạn hoặc làm giếng bổi thì không có nước.

Chính quyền địa phương cũng như người dân thôn Hòa Thuận rất cảm kích và trân quý tấm lòng, việc làm của cựu chiến binh Trần Văn Bảnh. Trong lúc công trình hư hỏng, ngân sách xã eo hẹp, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh từ chối thì ông Bảnh lại tiếp nhận. Nhờ sự đầu tư và tận tâm của ông Bảnh mà 2 công trình phát huy hiệu quả, mang lại niềm vui cho 350 hộ dân từ đầu năm 2021 đến nay. Điều chúng tôi băn khoăn là vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng quản lý và vận hành 2 công trình này. Vậy nên, rất mong cấp thẩm quyền tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc”.

 Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa NGUYỄN KHOA LAI

 

Thời điểm ấy, gia đình ông Bảnh cũng lao đao vì thiếu nước. Nhìn 2 công trình cấp nước tiền tỷ bị "đắp chiếu", ngày càng xuống cấp, ông Bảnh xót lòng. Bởi từ năm 2012 - 2019, khi còn là chủ tịch hội cựu chiến binh xã, ông Bảnh cùng với ban chấp hành hội nhận quản lý và vận hành 2 công trình tương đối ổn định, đảm bảo cấp nước cho người dân. Đến cuối năm 2019, ông Bảnh về hưu, công trình được bàn giao lại cho UBND xã. Sau thời gian không được quản lý, duy tu bảo dưỡng, công trình ngày càng xuống cấp, hư hỏng.

Gần cuối năm 2020, chính quyền xã Tịnh Hòa đặt vấn đề và mong ông Bảnh tiếp nhận, quản lý 2 công trình. Đề nghị này khiến ông Bảnh rơi vào cảnh “từ chối thì không đành, mà nhận thì biết tìm đâu ra nguồn nước?”. Nhưng vì “tiếc” công trình tiền tỷ, nên ông Bảnh nhận lời, rồi cất công tìm hiểu, liên hệ với nhiều đội thợ có kinh nghiệm trong tỉnh để khảo sát, tìm vị trí khoan giếng. Dù đã bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng vẫn không tìm ra nước ngọt. 

Không bỏ cuộc, ông Bảnh tiếp tục thuê đội khoan giếng ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) với số tiền 25 triệu đồng, đề ra quyết tâm khoan đến khi nào mũi khoan không chạy được nữa thì thôi. Khi mũi khoan chạm độ sâu 67m, nước phun trào, ông Bảnh mừng như bắt được vàng. Tiếp tục khoan thêm 4 giếng, với độ sâu từ 34 -67m, tất cả đều có nước. Chưa kịp vui vì đã tìm được nguồn nước, ông Bảnh lại đối mặt với chuyện đường ống, hố ga, đồng hồ hư hỏng. Vậy là ông Bảnh lại xắn tay sửa chữa hơn 100m đường ống và hố ga, thay mới hơn 100 đồng hồ nước. Tuy khó khăn, vất vả và tự bỏ tiền túi cho “tạm ứng” 250 triệu đồng để tìm nguồn nước, nhưng ông Bảnh lại bảo “có gì lớn đâu, chỉ là góp ít công sức giúp hàng xóm bớt khổ”.

Câu chuyện còn dang dở thì ông Bảnh nhận tin báo đường ống tại công trình bị vỡ, nên vội vã đi kiểm tra. Vị trí vỡ ống cách nhà gần 3,5km nhưng loáng cái, ông Bảnh đã đến nơi. Mở cốp xe lấy bộ đồ nghề lỉnh kỉnh các loại kìm, bấm, ông Bảnh một mình hì hục cắt, nối ống nhựa, rồi chạy tới chạy lui đóng, mở nguồn điện; bật, tắt mô tơ để kiểm tra. Khi đường ống được “vá” xong, cũng là lúc kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ trưa. Ngoài trời nóng như đổ lửa, mồ hôi chảy ròng, khuôn mặt ửng đỏ vì nắng, nhưng ông Bảnh vẫn cười xòa, rồi bảo: "Cũng may là sửa được". Lâu nay, chuyện vá đường ống, sửa đồng hồ hay hố ga đều do một tay ông Bảnh đảm nhận. Thiết bị nào hỏng thì ông mày mò sửa chữa, hỏng quá thì thay mới. Máy bơm nước thì ông Bảnh dự trữ sẵn 2 chiếc mới, loại 7kg, loại 2kg để dự phòng. 

Vui cùng miềm vui của dân

Sau khi “hồi sinh” 2 công trình nước, ông Trần Văn Bảnh được UBND xã Tịnh Hòa tin tưởng hợp đồng giao việc quản lý và vận hành, nhằm cung cấp nước cho 350 hộ dân ở thôn Hòa Thuận. Thu phí 8.000 đồng/m3 nước/tháng, nhưng chi phí vận hành cao, lượng nước thất thoát lớn, nên ông Bảnh rơi vào cảnh “thu không đủ chi”. Bởi công trình cũ không xây tháp, mà nước được bơm ngược lên bể xử lý trên Rẫy Động, cách 34m so với mực nước biển và dài gần 1.000m, sau đó chảy qua đường ống chính gần 3.500m trước khi qua đường ống nhánh về nhà dân. Hệ thống đường ống chính được đầu tư đến nay đã gần 20 năm, lại đặt ngầm dưới đường bê tông, nên không thể sửa chữa hay khắc phục những hư hỏng, lượng nước rò rỉ quá lớn. 

Ông Trần Văn Bảnh thường xuyên kiểm tra, sửa chữa máy bơm nước.      Ảnh: Mỹ Hoa
Ông Trần Văn Bảnh thường xuyên kiểm tra, sửa chữa máy bơm nước.      Ảnh: Mỹ Hoa

Theo tính toán, tổng công suất từ 5 máy bơm nước do ông Bảnh đầu tư và 2 máy do Tổ chức Madison Quakers Inc tài trợ vào tháng 6/2022 đạt mức 7.500 m3/ngày đêm. Nhưng lượng nước sử dụng thực tế qua đồng hồ chỉ đạt từ 3.500-4.000m3/ngày đêm. Dù không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nhưng điều ấy chẳng khiến người cựu binh già bận tâm, bởi ông đang mải mê tìm cách giúp khách hàng... giảm chi phí sử dụng nước.

Tại Trường Mầm non xã Tịnh Hòa, bình quân mỗi tháng tiêu thụ trên 300m3 nước, chi phí 2,5 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu nhu cầu và thực tế sử dụng, ông Bảnh đề xuất ban giám hiệu nhà trường xây dựng bể lọc thô, để tận dụng nguồn nước từ giếng khoan có sẵn phục vụ trong sinh hoạt. Chi phí xây dựng công trình bể lọc thô gần 6,5 triệu đồng, ông Bảnh ủng hộ ống bi và một số loại vật tư xây dựng trị giá gần 2,5 triệu đồng. 

Từ khi có bể chứa, nhà trường chỉ sử dụng nguồn nước máy từ công trình sau khi lọc qua máy RO để nấu ăn và uống, nên chi phí giảm chỉ còn 800 - 900 nghìn đồng/tháng. “Khách hàng dùng nước nhiều thì trả tiền nhiều, sao mình lại khuyên họ giảm?”, tôi hỏi. Ông Bảnh cười xòa bảo, nguồn nước có hạn, dùng mãi cũng hết. Mình không làm được gì nhiều thì tìm cách tiết kiệm và sử dụng nước tối ưu hơn, để có thêm nhiều người được dùng nước.

Chẳng biết vì cách sử dụng nước hiệu quả, hay bởi ông Bảnh “mát tay” trong quản lý mà từ đầu năm 2021 đến nay, cả 2 công trình hoạt động hiệu quả, đảm bảo cấp nước ổn định cho 350 hộ dân trên địa bàn xã. Đặc biệt, tại khu tái định cư Làng Cá, nơi cằn khô nắng cháy nhưng người dân thoát cảnh khát nước suốt 2 mùa khô năm 2021-2022. Bà Nguyễn Thị Rí, ở khu tái định cư Làng Cá cho biết, chẳng ai như ông Bảnh, đã tự bỏ tiền túi khoan giếng khôi phục công trình, tìm nguồn nước giúp dân, còn cật lực giúp người ta giảm chi phí sử dụng nước. Khi hay tin đường ống hay đồng hồ nhà ai trục trặc thì bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, ông Bảnh cũng cất công đến xem và sửa chữa sao cho nhanh nhất. Nếu không có ông Bảnh, người dân thôn Hòa Thuận rất chật vật, khổ sở với chuyện thiếu nước. Chúng tôi rất cảm động trước nghĩa cử và việc làm cao đẹp của ông Bảnh.

Hồi sinh và quản lý hiệu quả 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, nhưng ông Bảnh bộc bạch rằng: “Đây cũng chỉ là cách “chữa cháy”. Bởi theo thời gian, mạch nước ngầm sẽ cạn kiệt, công trình cũng xuống cấp theo thời gian, tình trạng thiếu nước cũng sẽ lại tái diễn. Điều mong mỏi của ông Bảnh là các cấp chính quyền cần quan tâm, tính toán phương án cấp nước căn cơ hơn. Đó không chỉ là đầu tư hệ thống cấp nước tập trung đồng bộ, nguồn nước được dẫn từ các sông lớn, mà còn xem xét giao cho đơn vị quản lý và vận hành bài bản. Có như vậy thì dòng nước mát lành mới chảy mãi vào từng nhà của người dân.

MỸ HOA

 



 


Ý kiến bạn đọc


.