Bà má An Mô

22:06, 30/06/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tôi được anh bạn thân, con trai của má đưa về nhà chơi. Má gốc gác là một nông dân chính hiệu. Làng má ở có tên làng An Mô, nằm gần cửa Lở thuộc sông Vệ ăn ra biển, một nhánh sông tách ra từ sông Vệ bao quanh tứ phía của làng. Chính vì thế, đất đai ở đây được hưởng phù sa từ con sông này, toàn những bờ xôi ruộng mật. Lúa đang lên xanh mươn mướt khắp cánh đồng. Bắp đang vào vụ thu hoạch, cây to mập, trái bự, hạt mẩy căng.

Cau giăng kín khắp làng, có nhà trồng thành vườn, có nhà trồng thành hàng rào bao quanh nhà. Ngùn ngụt những thân cau to, khỏe, vươn tít trời xanh, đeo trên mình buồng quả trĩu trịt. Sớm ra, cả làng thơm phức hương cau thanh mát. Ở Quảng Ngãi, thủ phủ cau phải là vùng đất huyện Sơn Tây, bạt ngàn cau, mênh mông bát ngát. Nhưng riêng ở làng An Mô này, cau cũng bát ngát mênh mông. Hỏi má xem cau mấy năm nay có được giá không, má cười móm mém: “Trước xuất khẩu sang Tàu, được giá lắm. Lúc đang được giá thì đột ngột họ không nhập khẩu nữa, thế là giá rớt cái rụp, có lúc chẳng ai mua”. Vâng, tôi nghĩ, dân mình làm ăn nhỏ lẻ với các lái buôn tự do người Trung Quốc đã không ít lần bị khốn đốn. Nào là vụ “đỉa” khô. Nào là vụ “chè bẩn”. Nào là vụ móng trâu, sừng trâu non… Một số kẻ xấu lợi dụng lòng tin dễ dãi của người dân với mục đích phá hoại nền kinh tế nước ta.

Má Lê Thị Gặp và tác giả bài viết.
Má Lê Thị Gặp và tác giả bài viết.

Trước đây, cư dân làng An Mô có hai nửa theo đuổi nghề khác nhau: Một nửa lớn ở sâu trong làng làm nghề trồng lúa, làm vườn; số còn lại là xóm Kỳ Tân, An Chuẩn làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản và chài lưới trên sông. Nhà má theo nghề trồng lúa, trồng rau. Má bảo, trước đây nhà má có ít ruộng, bới đất lật cỏ quanh năm mới có cái nuôi ba đứa con ăn học; ông nhà chẳng may mất sớm, má ở vậy nuôi con một mình, thành ra cũng vất lắm…

Hỏi ra mới biết má mất chồng từ năm 28 tuổi. Ông nhà lúc ấy là du kích tại địa phương. Làng An Mô là làng kháng chiến, cả làng đánh giặc. Ông hy sinh tại một làng ven biển cách An Mô chừng 8 - 9km, trong một trận càn của địch. Khi chúng rút đi, má cùng những người thân, đồng đội đi tìm, nhưng không tìm thấy xác của ông ấy nữa. Năm ấy là năm 1965, những năm địch đánh rát nhất. Bom đạn mù trời. Làng của má bị gọi là làng cộng sản toàn tòng, nên trở thành mục tiêu tàn sát, san phẳng của địch. Một mặt, chúng cho pháo kích nã đạn vào từ phía biển; mặt khác, thỉnh thoảng chúng lại tổ chức những trận càn lớn. Tuy ác liệt là vậy, dân làng vẫn bám trụ, vừa sản xuất, vừa nuôi giấu cán bộ, vừa tham gia đánh giặc. Thấy ngôi làng cộng sản “cứng đầu”, nên năm 1970, chúng ra lệnh tiến hành triệt hạ, san phẳng, nhà cửa tan hoang, cây cối đổ gẫy, tạo ra một vùng trắng hoàn toàn ngăn cách giữa đất liền và bờ biển… Một số người dân của làng trước đó đã kịp đi sơ tán lên “khu dồn” (tập trung dân) La Hà, Gò Sạn, huyện Tư Nghĩa, cách làng An Mô chừng 12-13km. Khi làng bị san phẳng, một số người dân còn lại cũng phải di chuyển theo làng. Sau 30/4/1975, đất nước bước vào thời bình, dân làng lục tục trở về, dựng nhà dựng cửa, xây lại cổng làng, xây trường học cho trẻ. Các thiết chế tâm linh như đình, chùa bị đạn bom san phẳng. Sau nhiều năm, hình hài của làng mới dần dần khôi phục.

Trong lúc chỉ có má và tôi ngồi uống trà, tôi hỏi vui: “Những ngày ở vậy nuôi con, má có bị ông nào tán tỉnh không?”. Má cười hóm hém: “Có chớ. Nhiều lắm. Nhưng suốt ngày làm lụng sấp mặt nuôi con nhỏ, đâu có để ý đến mấy chuyện đó”. Tôi lại hỏi: “Ngày giặc giã khốc liệt như thế, má làm những việc gì?”. Má kể, ngày đó ngoài làm ruộng, má theo chị em trong làng đi buôn rau. Cứ đi về các làng quê, mua các thứ nông sản rồi lại mang ra chợ bán lấy lãi. Con đường từ An Mô đến chợ Tư Duy, Thị xã xa lắm. Phải đến gần 20km, mà còn phải gánh gồng rau cải, bí bầu. Nhưng vì phải nuôi con, nên dường như ngày nào cũng gánh rau, gánh cải chạy bộ hằng 40km, lại phải đi đò qua sông Vệ chòng chềnh, có hôm trong mưa lũ. Rồi cũng có khi kết hợp công việc chợ búa, má còn tham gia tiếp tế cho cán bộ bên ta nằm vùng nữa chứ. Má kể: “Có hôm má gánh hàng đi qua bốt địch, dưới đáy thúng hàng là thức ăn mang cho cán bộ nằm hầm. Lính đồn hỏi đi đâu, má tỉnh bơ bảo chạy chợ kiếm ăn chớ còn đi đâu. Bọn lính mặt non choẹt, thấy mình hằng ngày vẫn đi chợ, nên để cho qua”…

Ngôi nhà nhỏ của má nằm lọt thỏm trong khuôn viên vườn cau ngút ngát. Một vuông sân nhỏ trồng nhiều loại hoa, đang mùa trổ bông rất đẹp. Sáng hôm ấy, lúc khoảng 9 giờ, tôi theo chân má mở cổng bước vào sân. Nghe thấy tiếng động, bầy chim kêu nháo nhác, chuyền cành ràn rạt trong vườn. Má bảo: “Nào im đi nào, lát nữa ta cho ăn”. Thấy tôi ngơ ngác, má giải thích: “Lũ chim nghe tiếng Má về, nó đòi ăn đấy”. Nói xong, má vào nhà xúc ít gạo vãi ra khắp vườn. Lũ chim sà xuống nhặt gạo siêng năng, một chốc hết sạch. Xong, chúng đồng thanh chíu chít hót một hồi như chào má rồi bay vút vào các tàng cây. Tôi kể chuyện này cho ông bạn tôi nghe, không hiểu sao anh ấy lại bảo: “Cái bọn bắt chim bán cho lũ phóng sinh là bậy nhất. Đi săn bắt, tận diệt, rồi lại bán để phóng sinh. Thật là cái vòng luẩn quẩn. Bên Phật giáo đâu có chuyện này. Nhà chùa cũng đã lên tiếng phản đối chuyện này rồi. Và cả các quán nhậu. Không hiểu sao họ còn ăn chim, đủ loại, kể cả loài chim sẻ bé tẹo. Cái giống chim nào có tội tình gì”. Tôi đoán chừng, thì ra anh đang lo đàn chim trong vườn nhà anh ngộ nhỡ có ngày cũng bị săn đuổi, biết đâu…

Quan sát trong ngôi nhà, tôi thấy rất nhiều các bức ảnh khổ to treo trên tường, trong hình toàn là các bà, các chị phụ nữ nhiều độ tuổi khác nhau. Tôi tò mò hỏi, được má cho hay, đó là một nhóm hội các mẹ, các chị phụ nữ trong làng cùng cảnh góa chồng chơi với nhau, năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mới năm lại gặp nhau tại nhà má để liên hoan vui vẻ. Những người phụ nữ đó góa chồng do nhiều nông nỗi. Phần lớn là các ông chồng bị mất trong chiến tranh, cả bên thắng và bên thua cuộc; cả từ thời chống Pháp, chống Mỹ đến chống Pôn Pốt... Có người chồng mất do bệnh tật, do đi biển, do tai nạn giao thông… Thôi thì trăm nỗi. Chả cái đau nào giống cái đau nào. Họ muốn gặp nhau để an ủi nhau, để động viên nhau làm ăn, vui sống, sống tốt đẹp ở đời… Tôi thầm nghĩ, thật kiên cường và thật nhân ái. Họ là những người phụ nữ chịu bao nỗi thiệt thòi, chấp nhận hy sinh, tất cả vì chồng, vì con. Nhưng họ cũng là những người biết nương tựa vào nhau để sống, để vượt lên, đi qua cuộc đời không ít dông bão này. Chỉ riêng điều này thôi, những bà mẹ góa của làng An Mô đã trở thành biểu tượng của lòng khát khao và yêu quý cuộc sống, từ tâm và can đảm. Đó chính là tính mẹ, tính mẫu của người phụ nữ Việt nói riêng và của nền văn hóa Việt nói chung.

Những phụ nữ góa bụa ở làng An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức).  
Những phụ nữ góa bụa ở làng An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức).  

Hiện giờ, nhóm những người đàn bà góa này gồm hơn 30 gương mặt. Má bảo: “Cứ mỗi năm lại vắng đi mất vài người. Tội lắm”… Có nơi đâu trên đất nước Việt Nam đau thương mà anh dũng này lại có hội của những bà mẹ góa như ở An Mô?...  Họ không đặt tên hội, không bầu trưởng, phó, không có nội quy nào cả. Tất cả tự nguyện, thương nhau mà đến với nhau, không vì lợi lộc nào, cốt ở cái nghĩa cái tình. Ai ốm đau thì họ rủ nhau đi thăm. Ai vướng chuyện buồn khổ, họ tìm đến chia sớt. Ai có chuyện vui, họ đến chúc mừng… Hễ mỗi khi Tết đến, họ lại chọn ngôi nhà của má làm nơi gặp gỡ. Rất hoan hỉ, mỗi người mang theo một chút gì đó như miếng thịt, con gà, mớ rau, quả bí… đến để góp nấu ăn cùng. Thật thân tình, ấm áp.

Má năm nay tuổi đã chạm vách 90. Má sống ở làng An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức). Tên má là Lê Thị Gặp, một cái tên như bao cái tên hạt lúa củ khoai bình dị, thân thương, như lẫn vào với đất đai xứ sở mà sao rất đỗi ân tình, can đảm và kiêu hãnh…

VĂN GIÁ

 

Xuất bản lúc: 22:06, 30/06/2023
TỪ KHÓA: Nga con trai nông dân

Ý kiến bạn đọc


.