Nỗi niềm ở thôn Tang

16:14, 23/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Tang, xã Trà Bùi (Trà Bồng) nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Cuộc sống của 66 hộ dân với 282 nhân khẩu là người dân tộc Cor ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

Tuyến đường chính dẫn vào thôn Tang dốc đứng và ngoằn ngoèo, lại thêm gần 7km cuối tuyến là đường đất xen đá cuội, nên rất khó đi. Thôn Tang cách trung tâm xã Trà Bùi gần 13km, nhưng chúng tôi phải mất cả tiếng rưỡi đồng hồ mới vào đến nơi, nhiều đoạn phải xuống xe dắt bộ.

Ở rẫy nhiều hơn ở nhà

Chúng tôi men theo lối mòn lởm chởm sỏi đá dưới chân núi Cà Đam, băng qua cánh rừng  để đến thôn Tang. Trên triền đồi thoai thoải, lác đác những lán trại được dựng tạm bằng ván vụn, lồ ô. Ngỡ đây là nơi dừng chân nghỉ tạm của những người đi làm rừng, nhưng đến gần tôi thấy 3 đứa trẻ mình trần chân đất, chạy lon ton chơi đùa dưới cái nắng gắt đầu hè. Thấy có người lạ đến nhà, chúng sợ hãi chạy nép vào phía sau lán trại, rồi đi gọi ba mẹ đến. Từ bìa rừng đối diện, một cặp vợ chồng tất tả chạy về phía chúng tôi với cái nhìn dè dặt. Chỉ khi tôi đề cập đến chuyện trồng keo dọn rẫy, họ mới bắt đầu niềm nở. Mời chúng tôi vào trong lán rộng chừng 4m2, bốn phía là quần áo và các vật dụng phục vụ cho việc đi rẫy làm rừng được treo lủng lẳng. Giục vợ nấu nước mời khách, người đàn ông tên Hồ Văn Đậu mở lời, vợ chồng tôi làm rẫy thuê, lên lán ở được 4 ngày rồi. Khoảng 3 ngày nữa xong việc thì về, nhà còn con bé lớn đang học lớp 4.

Khung cảnh làng quê ở thôn Tang, xã Trà Bùi (Trà Bồng).                          Ảnh: Mỹ Hoa
Khung cảnh làng quê ở thôn Tang, xã Trà Bùi (Trà Bồng).                          Ảnh: Mỹ Hoa

Nhấp ngụm chè xanh, ông Đậu chậm rãi kể về những khốn khó của cuộc sống “ở rẫy nhiều hơn ở nhà”. Đó không chỉ là cảnh nghèo túng, đói ăn thiếu mặc, mà còn là sự cô đơn, trống trải, nhất là khi mặt trời khuất sau núi. Giữa bốn bề rừng núi thâm u, ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn pin khiến chiếc lán của gia đình ông Đậu chẳng khác nào đom đóm giữa màn đêm. Ông Đậu bảo rằng, cuộc sống giữa rừng khổ cực, có gì ăn nấy, thiếu thốn riết rồi cũng quen. Lắm lúc ốm đau, tôi cũng tự kiếm lá cây rừng chữa trị, đến khi đau quá mới đến trạm y tế để xin thuốc. 

Con của anh Đậu là đứa trẻ mắc bệnh ghẻ nặng nhất thôn Tang.                   Ảnh: Mỹ Hoa
Con của anh Đậu là đứa trẻ mắc bệnh ghẻ nặng nhất thôn Tang.                   Ảnh: Mỹ Hoa

Chẳng hạn như ghẻ, cả nhà đều mắc bệnh này, nặng nhất là 4 đứa con nhỏ nhưng rồi cũng chỉ tắm lá cây rừng là nhiều. “Con bị bệnh sao không ở nhà xoa thuốc mà lại đưa lên rẫy”, tôi hỏi. Ông Đậu bảo, phải đi rẫy làm thuê thì mới có tiền đong gạo, 3 đứa nhỏ chưa đến tuổi ra lớp nên mình phải dắt theo. Đi rẫy mình hái lá chè, đẽo vỏ cây xà cừ tối về lán nấu nước tắm cho con, chứ xoa thuốc không “đuổi” được con ghẻ. Do chăm sóc, điều trị bệnh ghẻ không đúng cách nên con trai thứ 2 của ông Đậu bị nhiễm trùng da.

Cách lán trại ông Đậu khoảng 50m, ông Hồ Văn Xinh cũng đang lúi húi dọn bên trong lán, vì vật dụng sinh hoạt và quần áo vứt ngổn ngang. Dưới con suối đã cạn nước, 2 đứa con nhỏ nhà ông Xinh mình trần đùa nghịch. Hai con của ông Xinh cũng bị bệnh ghẻ ngứa. Khi tôi thắc mắc vì sao không dùng thuốc mà cán bộ y tế xã vừa cấp, ông Xinh xua tay bảo, ống thuốc cán bộ cấp dùng 2 - 3 ngày là hết. Mà mình đi rẫy từ 4 - 5 ngày, có khi 7 ngày mới về nhà nên thuốc không đủ. Người ta thuê mà mình không đi làm là họ thuê người khác. Không có việc làm thì lấy tiền đâu mà mua gạo.

Không chỉ gia đình ông Đậu, ông Xinh, mà thu nhập của nhiều hộ ở thôn Tang phụ thuộc vào việc đi làm keo, phát dọn rẫy thuê. Những đứa trẻ chưa đến tuổi ra lớp, theo ba mẹ lên rẫy và ở trong lán, trưa đói thì tự lấy cơm ăn, nắng nóng thì rủ nhau dầm mình dưới suối. Gần hai tháng nay, bệnh ghẻ hoành hành, những đứa trẻ ở đây hầu hết đều mắc bệnh. 

Mong ước nơi núi rừng  

Nhiều gia đình đã lên rẫy, nên càng vào sâu trong thôn Tang, khung cảnh càng vắng lặng đìu hiu. Những căn nhà nhỏ xập xệ nằm san sát nhau, cửa đóng then cài im ỉm giữa bốn bề vắng lặng. Gia đình nào không lên rẫy, thì tự cách ly vì sợ lây bệnh.  “Người dân trong thôn khổ vì bệnh ghẻ quá rồi, nên chẳng muốn gặp gỡ chuyện trò với ai cả. Người chưa mắc bệnh ghẻ thì sợ bị lây. Người bị ghẻ thì ngại nhốt mình trong nhà. Nhiều gia đình bị ghẻ nặng thì lên rẫy để vừa làm, vừa tránh né mọi người”, chị Đinh Thị Bình giải thích.

Người dân thôn Tang thường dùng nước suối để sinh hoạt và nấu ăn.       Ảnh: Mỹ Hoa
Người dân thôn Tang thường dùng nước suối để sinh hoạt và nấu ăn.       Ảnh: Mỹ Hoa

Theo người dân ở thôn Tang, cứ đến mùa nắng, bệnh ghẻ lại xuất hiện, nên nhiều năm nay họ cũng xem đây là chuyện thường. Có điều mọi năm, người bị ghẻ ít và chỉ cần xoa thuốc mỡ DEP, kết hợp tắm nước lá chè xanh, vỏ cây xà cừ là bớt bệnh, nhưng năm nay thì bệnh diễn biến nặng và lây lan. Do mắc bệnh ghẻ nên nhiều gia đình bỏ bê ruộng lúa, nương rẫy, trẻ con không ra lớp.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Bùi Đinh Văn Đông cho biết, bệnh ghẻ mà người dân thôn Tang mắc có dạng mụn nước to bằng đầu đinh kim, nhiều nhất là ở kẽ ngón tay, dưới cổ tay, nách và lòng bàn chân. Từ khi bệnh ghẻ xuất hiện và lây lan ở thôn Tang, chính quyền địa phương cùng với ngành y tế đã nỗ lực trong việc kiểm soát, điều trị và xác định nguyên nhân xảy ra bệnh. 

Ngoài vấn đề vệ sinh cá nhân chưa đảm bảo, điều kiện sống thiếu thốn, người dân ở thôn Tang sử dụng trực tiếp nước từ các con suối để nấu ăn, uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, theo lời người dân, từ đầu năm 2023, nước ở các con suối lúc trong, lúc đục, lại có mùi tanh nên phải để lắng, sau đó chắt lấy phần nước trong phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, những gia đình “ở rẫy nhiều hơn ở nhà” thường dựng lán trại cạnh các con suối để tiện trong việc sinh hoạt, tắm giặt, trong khi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, việc người dân dựng chuồng trại trâu bò, gà vịt ở sát vách nhà, dẫn đến nước thải, chất thải chảy lênh láng xung quanh...

Học sinh điểm trường mầm non thôn Tang được cô giáo hướng dẫn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn.                   ảnh: mỹ hoa
Học sinh điểm trường mầm non thôn Tang được cô giáo hướng dẫn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn. ảnh: mỹ hoa

Trong khi chờ đợi ngành chức năng xác định nguyên nhân, để có hướng điều trị dứt điểm bệnh ghẻ ở thôn Tang, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Trà Bùi cùng với các hội, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân và đồ dùng sinh hoạt sạch sẽ, sử dụng thuốc điều trị đúng cách và đúng liều... gắn với biện pháp chăm sóc người bệnh, không kỳ thị né tránh.

Cần được giúp đỡ 

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Bùi Đinh Văn Đông cho biết, cứ 2 -3 ngày, nhân viên y tế trạm vượt dốc về thôn Tang để phun thuốc khử trùng môi trường, cấp thuốc trị ghẻ cho người dân nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Đã có hơn 200 người dân ở thôn Tang mắc bệnh ghẻ, nhiều trường hợp nốt cũ vừa khô, nốt mới xuất hiện. Tuy chỉ là bệnh ngoài da, nhưng nếu không điều trị nhanh và dứt điểm, chúng tôi lo bệnh ghẻ sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, nhất là viêm da và nhiễm trùng da.

 


 
MỸ HOA



 


 


Ý kiến bạn đọc


.