(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi lần thấy cha chuẩn bị đi cứu người, những đứa con của ông vừa khóc vừa chạy theo để khuyên can. Nhưng "cứu người đâu thể chần chừ", ông vỗ về con mình như vậy, rồi lao vội xuống nước, bơi ra phía những người đang cầu cứu. Người đàn ông ấy là ngư dân Võ Thu Anh (60 tuổi), ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Hơn 20 năm qua, ông đã cứu được 7 người gặp nạn trên sông, trên biển và hỗ trợ ngư dân trục vớt nhiều tàu bị chìm...
Tình người thôi thúc
Một ngày đầu tháng Tư, khi trời còn chưa sáng rõ, ông Võ Thu Anh đưa tàu về neo tại sông Phú Thọ sau 2 ngày vươn khơi. Chưa kịp nghỉ ngơi, ông Anh nghe tin có chiếc ghe đánh bắt hải sản bị phá nước rồi chìm trên sông Phú Thọ, ngay phía trước nhà mình. Quơ vội mớ dây thừng, cùng dăm chiếc thùng phuy nhựa, ông bảo vợ cứ ăn sáng trước, rồi chạy vội ra sông.
Ngư dân Võ Thu Anh, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) luôn tích cực cứu giúp, tìm kiếm người gặp nạn trên sông, trên biển. Ảnh: Ý Thu |
Là người có kinh nghiệm cứu giúp tàu chìm, ông Anh bảo mọi người cùng mình lặn xuống nước, ra sức lấy dây thừng cột chặt các thùng phuy nhựa được bơm đầy hơi xuống đáy tàu. Khi xong việc, ông trở lên bờ và cười bảo: "Thùng phuy lúc này giữ vai trò như hệ thống phao nổi, sẽ kích nâng tàu lên khỏi mặt nước, chứ trông chờ vào sức người để lôi tàu lên thì biết mấy mươi người cho xuể".
“Nhiều năm qua, ngư dân Võ Thu Anh là cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương. Tuổi đã cao nhưng sự nhiệt thành vì việc chung của ông là rất đáng quý, cần được nhân rộng" Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An |
Đúng như lời ông Anh, chiếc tàu nổi lên khỏi mặt nước trong niềm reo vui của nhiều người. Chủ tàu cá Võ Tình, ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) cảm kích và xin được hậu tạ, nhưng ông Anh khoát tay từ chối.
Ông Anh không nhớ nổi mình đã giúp đỡ trục vớt bao nhiêu trường hợp tàu bị chìm như thế. Hơn 20 năm qua, khi tàu thuyền bị chìm tại khu vực Cửa Đại và sông Phú Thọ, các chủ tàu đều tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Từ những người mà ông biết mặt, biết tên vì ở cùng xã như chủ tàu Võ Văn Trúc, Lê Tấn Thành, Nguyễn Ty... cho đến nhiều chủ tàu ở địa phương khác, neo đậu tàu về đây, ông đều lăn xả giúp đỡ. "Giúp người, tôi không màng hiểm nguy. Sợ tôi gặp chuyện chẳng lành, nên mỗi lần tôi chuẩn bị ra sông, ra biển cứu người, cứu tàu là chúng chạy theo ôm chân rồi khóc nức nở. Nhưng lương tâm thôi thúc mình phải đi", ông Anh trầm ngâm.
Năm 2001, tàu cá của ông Lê Thắng Nở, ở xã Nghĩa An, vừa vào đến Cửa Đại thì bị sóng đánh chìm. Theo lời kể của các ngư dân, sóng dữ bủa vây, các thuyền viên trên tàu lúc đó cố bám vào mũi tàu trong tình trạng kiệt sức. Thấy mọi người đang gặp nguy hiểm, ông Anh vội cầm dây thừng lao ra cửa biển. "Thời tiết xấu, sóng lúc ấy rất lớn nên tôi phải cột một đầu dây thừng vào gốc dừa, rồi cầm đầu dây kia lội ra ứng cứu. Chỉ cách những người gặp nạn chừng 150m, nhưng do sóng lớn nên khó khăn lắm tôi mới ra được đến nơi. Đưa xong 6 người vào bờ, tôi ngã khuỵu vì kiệt sức", ông Anh nhớ lại.
Chuyện đã qua hơn 20 năm, nhưng ngư dân Lê Thắng Nở vẫn vẹn nguyên lòng cảm kích khi nhớ lại. "Chúng tôi vừa vào đến cửa biển thì tàu mắc cạn, bị sóng đánh chìm. Là ngư dân dày dạn biển khơi, nhưng sóng lúc ấy bủa mạnh đến mức chúng tôi không thể bơi được vào bờ. May mà có anh Võ Thu Anh không màng nguy hiểm, chạy ra cứu giúp, chứ nếu không...", ông Nở bỏ lửng câu nói.
Ngư dân Võ Thu Anh bên những thùng phuy nhựa - dụng cụ không thể thiếu mỗi khi ông trục vớt các tàu chìm. Ảnh: Ý Thu |
"Cứu người đâu thể chần chừ", cũng bởi luôn tâm niệm như vậy nên ông Anh chẳng ngại hiểm nguy, lao xuống dòng nước chảy xiết để cứu người tự tử. "Tôi với ông Anh đang đi trên cầu thì thấy một bóng người lao xuống nước tự tử ngay trước mắt chúng tôi. Tôi chưa kịp định thần, đã thấy ông nhảy ùm xuống nước. Trời tối đen như mực, ông dựa vào tiếng vùng vẫy trong nước để bơi đến cứu người. Đưa được người vào bờ, chúng tôi mới biết đó là một cô gái trẻ, quê ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), vì buồn chuyện tình cảm nên gieo mình xuống dòng nước. Sau khi người thân đến đón cô gái về nhà, tôi mới bắt đầu khóc. Tôi khóc vì lo lắng lẫn mừng vui khi chồng mình được an toàn", bà Nguyễn Thị Bông, vợ ông Anh tâm sự.
Cứu người đâu mong được trả ơn
Gắn bó với nghề biển đã hơn 40 năm, thời gian ông Anh lênh đênh trên biển nhiều hơn ở bờ. Thời còn trẻ, ông đi làm thuê cho những chủ tàu làm nghề lưới chuồn. Khi về già, sức khỏe giảm sút, không còn đủ sức kéo những mẻ lưới chuồn nặng hàng tạ, hàng tấn, ông ngày qua ngày đưa ghe đi đánh bắt ở vùng biển ven bờ.
Sau mỗi chuyến biến, ngư dân Võ Thu Anh lại bận rộn đan, vá lưới để mưu sinh. Ảnh: Ý Thu |
Ở tuổi 60, ông Anh vẫn phải làm việc luôn tay luôn chân, thời gian về bờ để nghỉ ngơi luôn ngắn ngủi. Vậy mà, hễ ai cần giúp đỡ là ông Anh lại vui vẻ làm ngay. Ông thấy vui khi mình có ích cho đời. "Ở cái xóm cạnh sông, gần biển này, cứ gần đến mùa mưa là nhà nhà lo chằng chống nhà cửa. Vậy mà khi mưa bão qua đi, mái nhà ai cũng sứt mẻ ít nhiều. Thành thử, tới mùa mưa là xóm này đủ việc. Mỗi lần như vậy, ông Anh chạy tới chạy lui phụ giúp người này, người kia. Ông ấy nhanh nhẹn, lại cao lớn nên ổng lợp mái tôn, cột dây thừng khéo léo, mau lẹ", ông Hồ Văn Sơn, ở xóm 1, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An kể.
Nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa khí. Dẫu cuộc sống còn bộn bề lo toan, lão ngư Võ Thu Anh cũng từng từ chối thẳng thừng những món quà trả ơn lên đến hơn nửa cây vàng. "Sau khi được anh Võ Thu Anh cứu, tôi đã đại diện cho 6 anh em trên tàu tìm đến tận nhà để cảm ơn anh. Tôi mang đến tặng anh 2 con vịt cùng 3 triệu đồng, nhưng anh trả lại hết. Tôi nài nỉ lắm, anh mới nhận giúp 1 con vịt. Anh đã cứu sống 6 anh em chúng tôi nhưng không mong đền đáp", ông Nở cảm kích. Ông Anh cười bảo, năm 2001, 3 triệu đồng của anh Nở trị giá hơn 6 chỉ vàng. Số tiền trên đủ để tôi sửa sang lại nhà cửa, ngôi nhà của tôi lúc đó vẫn đang lợp lá dừa nước chứ chưa xây thành nhà cấp 4 như bây giờ, nhưng tôi không lấy. Tôi nghèo nhưng cứu người đâu để mong được trả ơn. Giúp người ta thoát khỏi hiểm nguy là tôi hạnh phúc rồi...
Nhân lên việc nghĩa Ngư dân Lê Thắng Bức (con trai ngư dân Lê Thắng Nở) chia sẻ, khi cha tôi cùng 5 thuyền viên khác gặp nạn tại khu vực cửa biển Cửa Đại và được chú Võ Thu Anh cứu giúp, tôi còn nhỏ lắm. Sự quả cảm, tấm lòng nghĩa hiệp của chú Anh đã để lại hình ảnh đẹp trong tôi. Cha tôi và chú Anh không máu mủ ruột rà, nhưng chú vẫn sẵn lòng xả thân cứu giúp và không hề đòi hỏi phải trả ơn. Bởi vậy, về sau, khi thay cha lái tàu đánh bắt ở khơi xa, tôi cũng luôn dặn lòng rằng, phải noi theo cách sống nghĩa tình của chú Anh, như một cách để trả ơn chú và trả ơn cuộc đời. Trong gần 20 năm làm nghề biển, tôi đã ứng cứu nhiều trường hợp tàu cá không may gặp sự cố trên biển. Lần gần đây nhất là tàu của ông Cao Tận, một ngư dân cùng địa phương. Tôi cùng anh em thuyền viên trên tàu đã chấp nhận bỏ dở chuyến biển, để lai dắt tàu ông Tận vào bờ. |
Ý THU