Giữ hương chè cổ trăm năm

12:14, 28/05/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Người dân thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh (Bình Sơn) có niềm tự hào riêng khi đây là một trong những vùng đất hiếm hoi “gìn giữ” được hàng trăm gốc chè cổ với tuổi đời hơn trăm năm. 
 
[links()]
 
 
Những ngày đầu tháng 5 nắng như đổ lửa, khác với không khí oi bức của phố thị, về vùng đất Lộc Thanh, xã Bình Minh (Bình Sơn) chúng tôi cảm nhận rõ sự mát mẻ, trong lành và mùi thơm đặc trưng của vùng chè cổ thụ đang vào mùa cho hoa. 
 
Dẫn chúng tôi lên thăm rẫy chè của gia đình, ông Trần Văn Thống (49 tuổi), thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh cho biết, không biết vườn chè có từ bao giờ, chỉ biết từ thuở bé ông đã theo ông nội lên rẫy hái chè. Trải qua hàng trăm năm trên vùng đất khô cằn cùng nắng mưa khắc nghiệt, vườn chè vẫn bám rễ, cần mẫn tìm nhựa sống và xanh tốt mượt mà. 
 
 
Hiện tại, gia đình ông Thống có gần 1ha rẫy chè truyền thống từ đời ông bà để lại. Trong đó, có khoảng 200 gốc chè cổ có trên 100 năm tuổi và hàng trăm gốc chè có tuổi hàng chục năm. Mỗi năm, rẫy chè mang về cho gia đình anh khoảng 50 triệu đồng. 
 

Trải qua thời gian, giống cây chè cổ như chỉ được sinh ra để dành cho mảnh đất này. Ông Thống cho hay, đã có nhiều nơi đem giống về thử trồng nhưng không thành công. Ấy vậy, nơi mảnh đất cằn cỗi này, người dân hầu như không phải chăm bón, tưới tiêu gì, nó vẫn cứ vững chãi, đầy sức sống từ đời này đến đời khác vươn lên xanh tốt, cho lá xanh non. 

Nhìn những thân chè cổ thụ gân guốc, khoác lên mình bộ áo rêu phong, nhưng chiều cao không quá đầu người. Hỏi ra mới biết, nếu như để phát triển bình thường, mỗi cây chè cổ nơi đây có thể cao từ 2 - 5m, không khác gì những rừng chè cổ thụ nức tiếng ở vùng cao Tây Bắc. Tuy nhiên, để tiện cho việc chăm sóc và thu hái nên người dân thường cắt tỉa bớt cành, để cành khỏi gãy đổ vào mùa mưa và tạo tán cho những lần thu hoạch kế tiếp.

 

 
Những năm gần đây, chè hái được mùa, bán được giá, khách hàng càng ưa chuộng nên dân trong làng ai nấy cũng phấn khởi sản xuất. Như nhà anh Phan Văn Hội, ở xóm 6, thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh cũng có một rẫy chè truyền thống và trồng mới, diện tích trên 1ha. Rẫy chè 1ha đó vừa là kỷ niệm, vừa giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. 
 
 
Theo các cụ cao niên, ngày xưa, người dân Lộc Thanh chỉ trồng chè để làm thức uống hằng ngày; làm quà biếu họ hàng, người thân mỗi khi về thăm quê cũ. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng chè của thị trường ngày một tăng, trong đó giá trị của lá chè từ những vườn chè cổ thụ lại hấp dẫn khách hàng. Nên những vườn chè xanh ở vùng đất Lộc Thanh cũng vì thế mà càng được nhiều người biết đến. 
 
Ngoài ra, sở dĩ chè Lộc Thanh càng được ưa chuộng, bởi chè ở đây có vị đặc trưng riêng. Khi mới uống vào thường có vị đắng, chát nhưng khi nuốt xong thì lưu lại vị ngòn ngọt, thơm trên đầu lưỡi. Nước chè có màu vàng sóng sánh, pha đến nước thứ 2, thứ 3 vẫn còn đậm vị.
 
 
Và rồi, chút hương thơm quyện trong làn hơi nóng bốc từ ấm chè xanh mà bà Nguyễn Thị Hương- vợ ông Thống mang lên từ dưới nhà làm chúng tôi không khỏi suýt xoa. Bà Hương chia sẻ, để có bát nước chè xanh ngon đúng vị mới khách, người dân địa phương thường lấy nước ở giếng sỏi không bị váng phèn để giữ cho màu nước không bị đỏ bầm. Khi chọn chè cũng không được chọn quá già hay quá non. Nếu lá chè non nước sẽ nhạt màu, vị không đậm đà, lá già nước không còn vị ngọt chát; lá chè cũng không nên vò quá nát...Chè xanh ở đây muốn thơm và đậm cứ phải nấu cả lá lẫn cành. 
 

Thong thả ngồi nhấp từng ngụm chè xanh ngay trên xứ sở chè cổ Lộc Thanh, nhìn về phía những vườn chè mới được người dân chiết cành, gieo hạt bừng bừng sức sống giữa cái nắng, gió và đất núi cằn cỗi mọc trải dài trên những triền đồi. Bên những vườn chè cổ thụ vững chãi, những vườn chè mới vẫn đang cần mẫn sinh sôi nảy lộc. Hỏi ra mới biết, người dân nơi đây đang ra sức gìn giữ, chăm sóc và bảo tồn những vườn chè cổ thụ- một sản vật đặc trưng mà người dân nơi đây rất đỗi tự hào.

Ông Trần Ngọc Giàu (79 tuổi), ba chồng bà Hương nhấp ngụm chè, chép miệng nối tiếp lời, có lẽ khắp tỉnh Quảng Ngãi, ít nơi nào còn nhiều vườn chè trăm tuổi như ở Lộc Thanh. Người dân địa phương chúng tôi luôn mơ về một vùng chè cổ thụ mênh mông, nơi mà những du khách thập phương sẽ ngỡ ngàng chiêm ngưỡng trước vẻ đẹp bạt ngàn của những đồi chè lâu đời.

Hiện đã gần 80 tuổi, nhưng trừ khi ốm đau, mưa gió ông Giàu, mới ở nhà, còn lại ngày nào ông cũng lặn lội lên đồi để hái chè. Bên cạnh những gốc chè tuổi đời gấp đôi, gấp ba tuổi ông Giàu là những cây chè con cháu ông mới trồng, đang bắt đầu cho thu hoạch…
 
Nếu thời gian tới được chính quyền các cấp ủng hộ đầu tư sẽ có nhiều gia đình trên vùng chè cùng chung tay khởi xướng xây dựng vùng kinh tế xanh. Mong rằng, ước mơ của người dân vùng chè cổ Lộc Thanh chúng tôi sẽ sớm thành hiện thực, ông Giàu bộc bạch.

 

Với những giá trị mà nó mang lại, địa phương quyết định đưa loại cây này vào đề án Mỗi xã một sản phẩm và khuyến khích người dân tăng diện tích. Vừa qua, địa phương đã có đặt vấn đề với UBND huyện Bình Sơn nghiên cứu để mở rộng thêm diện tích bằng việc khuyến khích người dân đầu tư chăm bón, thu hút cơ sở chế biến...với mong muốn xây dựng thương hiệu cho chè cổ Lộc Thanh. Điều này không chỉ giúp ổn định thu nhập cho người nông dân, mà còn là cách để hương chè xanh Lộc Thanh bay xa hơn.

Bài, ảnh: THỦY TIÊN - THANH NHÀN



 
 
.  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.