Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Vẫn khó phát triển

08:10, 25/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, thời gian chuyển đổi dài, trong khi công tác quản lý, giám sát hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa chặt chẽ. Điều này dẫn đến tình trạng lấp lửng giữa sản phẩm được chứng nhận hữu cơ và sản phẩm được canh tác theo hướng hữu cơ.  

Chưa đạt chuẩn hữu cơ

Thời gian qua, phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ thu hút sự quan tâm của nông dân, các hợp tác xã (HTX) cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại chưa có vùng sản xuất nào của tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, mà chỉ dừng ở VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Như Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (TP.Quảng Ngãi), đơn vị tiên phong triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017 với diện tích 40ha. Sau 6 năm, đến nay diện tích được mở rộng lên 80ha, tập trung tại cánh đồng thôn Phước Thuận, Phước Hòa,  xã Đức Phú và thôn Năng An, xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Thành quả mà công ty đạt được không chỉ là sản phẩm gạo Ấn Trà đạt tiêu chuẩn VietGAP an toàn, chất lượng, mà còn là tiền đề để công ty hướng đến sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu quy trình sản xuất phải đạt chứng nhận hữu cơ, trong đó đất và nước vùng sản xuất không bị ô nhiễm. 
Trong ảnh:  Vùng lúa được canh tác thuần tự nhiên ở thôn Làng Ren, xã Long Môn (Minh Long).
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu quy trình sản xuất phải đạt chứng nhận hữu cơ, trong đó đất và nước vùng sản xuất không bị ô nhiễm. Trong ảnh: Vùng lúa được canh tác thuần tự nhiên ở thôn Làng Ren, xã Long Môn (Minh Long).

Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân chia sẻ, tiêu chuẩn VietGAP yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, quá trình sản xuất không sử dụng các hóa chất hay chất độc hại với cơ thể con người và môi trường, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng cho sản phẩm. Tuy nhiên, sản xuất hữu cơ yêu cầu khắt khe từ điều kiện canh tác đến chất lượng sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn “6 không”, gồm: Không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, không canh tác trên đất và nước ô nhiễm hóa chất nông nghiệp, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen, không sử dụng chất bảo quản. Vì vậy, trong số 80ha lúa canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP tại các cánh đồng ở xã Đức Phú và Đức Nhuận, nhưng công ty chỉ chọn được cánh đồng ở thôn Phước Hòa (Đức Phú) là khu vực đầu nguồn nước, dưới chân hồ chứa nước Hóc Sằm để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu về đất, nước trước khi triển khai thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ. 

Chuyên gia Công nghệ sinh học Võ Màu, nguyên Trưởng Khoa Vi sinh, thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hầu hết nông dân, HTX, kể cả doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là toàn bộ chu trình phải đảm bảo chứng nhận hữu cơ, từ khâu giống, vật tư, quy trình đến thu hoạch, chế biến, bảo quản. Vấn đề là rất ít cơ sở sản xuất cung ứng đầu vào như con giống, vật tư... đạt chứng nhận hữu cơ. Vậy mới có tình trạng sản xuất nông nghiệp “nửa” hữu cơ, tức là chỉ đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ từ khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Do đó sản phẩm na ná hữu cơ thì nhiều, chứ đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì rất hiếm.  

Quản lý vùng trồng, giám sát chứng nhận

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chi phí đầu vào rất cao, từ sản xuất đến tư vấn vận hành, phân tích, chứng nhận và duy trì chứng nhận hữu cơ. Chính vì vậy, vấn đề nan giải nhất của sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay chính là cân đối giữa chất lượng và giá bán sản phẩm. Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đức Bình cho rằng, sản phẩm tốt thì người sản xuất luôn muốn bán với giá cao, để có lợi nhuận tái đầu tư. Người tiêu dùng thì chưa hiểu đúng và đủ giá trị của sản phẩm hữu cơ nên muốn dùng hàng chất lượng cao với giá thấp. Thực tế, sản phẩm hữu cơ hiện nay có giá cao là bởi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ trong khi chi phí đầu tư quá lớn, rủi ro cao, thời gian chuyển đổi cải tạo đất dài và tốn nhiều chi phí. Để hạ giá thành sản phẩm thì nhất thiết phải tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, đủ sản lượng cung ứng cho thị trường.

Các doanh nghiệp cho rằng, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết cần chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực để thu hút nông dân có điều kiện tham gia, chuyển đổi hướng sản xuất. Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân đề xuất, cần quản lý chặt chẽ vùng sản xuất, giám sát việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ đảm bảo độ tin cậy, góp phần cắt giảm chi phí giám định và chứng nhận, tạo điều kiện để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hữu cơ với giá cả hợp lý. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ.                 

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:10, 25/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.