Phân tích, kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp: Cần xã hội hóa

18:14, 12/09/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực trạng buôn bán, vận chuyển vật tư nông nghiệp (VTNN) như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân một phần do các chế tài xử lý chưa đủ mạnh, phần vì thời gian phân tích và kiểm nghiệm chất lượng mẫu kéo dài...
 
Nhiều bất cập
Mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT đã lấy mẫu phân NPK 15-5-5+5S+TE tại Đại lý phân bón Khôi Quýt, xã Phổ An (TX.Đức Phổ), do Công ty CP Nicotex (Hà Nội) sản xuất và cung ứng. Kết quả phân tích hàm lượng ni tơ tổng số (Nts) chỉ đạt 13,4%, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Điều đáng nói là khi mẫu có kết quả kiểm nghiệm, thì toàn bộ 1.400kg phân bón đã tiêu thụ hết; còn chủ cơ sở buôn bán chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 19,8 triệu đồng.
 
Kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật vừa nâng cao hiệu quả phòng trừ dịch bệnh, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường nước và đất.
Trong ảnh: Người dân xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) phun thuốc diệt cỏ quanh ruộng.

Kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật vừa nâng cao hiệu quả phòng trừ dịch bệnh, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường nước và đất.  Trong ảnh: Người dân xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) phun thuốc diệt cỏ quanh ruộng.

Hay như mẫu phân NPK 20-20-15 được lấy tại cửa hàng Tuyết Nhung, phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Bình Minh (TP.Hồ Chí Minh) cung ứng. Kết quả phân tích hàm lượng Nts cũng chỉ đạt 17,2%, trong khi công bố quy chuẩn là 20%. Khi có kết quả thì cơ sở này cũng đã bán ra thị trường 50kg phân bón và chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 2,8 triệu đồng.  

Việc kiểm soát chất lượng liên quan đến thức ăn chăn nuôi cũng gặp tình trạng tương tự. Hạn sử dụng cho thức ăn chăn nuôi chỉ khoảng 2 tháng kể từ khi sản xuất, nên khi có kết quả mẫu, hàng hóa cũng... hết hạn! Còn với thuốc BVTV, tình trạng buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ hay ghi nhãn không đúng quy định cũng thường xảy ra. Mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện 800 chai (100ml/chai) thuốc trừ sâu Bạch Tượng tại cửa hàng xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), do Công ty CP Vanotec (TP.Đà Nẵng) sản xuất ghi nhãn không đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ. Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng, lực lượng chức năng buộc chủ hộ hoàn trả lại toàn bộ 800 chai thuốc trừ sâu Bạch Tượng cho đơn vị sản xuất.

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT, trở ngại lớn nhất trong kiểm tra chất lượng VTNN là thời gian phân tích, kiểm nghiệm mẫu kéo dài, trong khi lực lượng chức năng không thể niêm phong toàn bộ các lô hàng. Vì nếu mẫu kiểm nghiệm hàng hóa không vi phạm thì sẽ gây thiệt hại cho chủ các cửa hàng, nhà phân phối trong thời gian niêm phong đợi kiểm tra. Vậy nên mới xảy ra trường hợp khi kiểm tra có kết quả đánh giá từng chỉ tiêu của phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, thì không ít hàng hóa đã được bán ra thị trường, đến tay người nông dân khá nhiều.

Cần xã hội hóa phân tích, kiểm nghiệm mẫu

Không chỉ ngành chuyên môn, mà các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh cũng có nhu cầu phân tích, kiểm nghiệm mẫu nhằm thực hiện các thủ tục liên quan đến công bố chất lượng sản phẩm của DN. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ điều kiện để Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện nội dung này, nên phải gửi mẫu đến Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia; Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc (TP.Hà Nội) dẫn đến thời gian kéo dài, chi phí gia tăng. Chính vì vậy, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, VTNN kiến nghị cơ quan chức năng cho phép, khuyến khích việc xã hội hóa công tác kiểm nghiệm, phân tích mẫu phân bón, thuốc BVTV. Qua đó rút ngắn thời gian phân tích mẫu, tạo sự cạnh tranh, tự chịu trách nhiệm giữa các cơ sở.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN có hành vi vi phạm. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) Phạm Bá cho rằng, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho nông dân mà còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là ảnh hưởng lớn đến đất đai, nguồn nước bởi các chất độc hại, kim loại nặng có chứa trong phân bón. Vì vậy, song song với nỗ lực của lực lượng chức năng, nông dân cần chọn mua phân bón, thuốc BVTV và các loại VTNN tại những DN, cửa hàng, đại lý sản xuất và kinh doanh có thương hiệu, uy tín.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:14, 12/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.