(Báo Quảng Ngãi)- Để nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây đã triển khai mô hình trồng bưởi da xanh và chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua mô hình giúp người dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai tại 2 xã Sơn Bua và Sơn Liên (Sơn Tây), với 5 hộ dân tham gia. Sau 42 tháng trồng, cây bưởi da xanh tại các vườn tham gia mô hình đều có tỷ lệ sống cao (từ 87,9 - 98,8%). Cây sinh trưởng, phát triển khá tốt. Chiều cao cây từ 2,59 - 3,61m, trung bình đạt 3,11m; đường kính trung bình đạt 3,15m và đường kính gốc trung bình đạt 8,49cm. Một số cây bưởi tại các vườn sau 27 tháng trồng đã bắt đầu ra hoa, với tỷ lệ trung bình 2,88%; sau 39 tháng trồng, tỷ lệ cây ra hoa đạt 44,08%, dự kiến năng suất đạt hơn 2 tấn/ha.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chuối mốc và bưởi da xanh của huyện Sơn Tây, tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, biểu dương nông dân giỏi tiêu biểu, giai đoạn 2017 - 2022, vào tháng 10/2022. Ảnh: PHƯƠNG DUNG |
Mô hình thâm canh bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai tại xã Sơn Bua với quy mô 3ha, gồm 7 hộ dân tham gia. Các vườn bưởi được chọn tham gia mô hình có độ tuổi từ 4 - 8 năm tuổi. Sau khi hoàn thành công tác chọn điểm, chọn hộ, dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thâm canh cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP cho 7 hộ dân trực tiếp tham gia mô hình và 43 người dân trong vùng dự án. Mô hình triển khai các biện pháp kỹ thuật như: Vệ sinh vườn; cắt tạo tán; chặt tỉa bớt một số cây ở những vị trí quá dày, để cây được chiếu sáng tối đa. Mật độ cây trong vườn sau chặt tỉa bình quân đạt 360 cây/ha.
Công tác phòng trừ sâu, bệnh, bón phân, chăm sóc bưởi da xanh theo quy trình kỹ thuật VietGAP. Sau 3 năm chăm sóc, cây bưởi da xanh thuộc các vườn mô hình đã sinh trưởng phát triển tốt. Năng suất thực thu của các vườn bưởi từ năm 2021 - 2023 tăng 4,31%. Cụ thể, năm 2021 đạt 7.749kg/ha, năm 2022 đạt 8.083kg/ha và năm 2023 ước đạt 9.103kg/ha. Bình quân mỗi héc ta bưởi trong thời kỳ kinh doanh cho thu nhập bình quân hơn 82 triệu đồng/ha/năm, cao hơn bưởi trồng ngoài mô hình là 36,7 triệu đồng/ha/năm.
Ông Đinh Văn Uông, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên chia sẻ, gia đình tôi tham gia mô hình trồng mới 1ha cây bưởi da xanh từ tháng 12/2019. Trong quá trình xây dựng mô hình, tôi và các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của dự án hướng dẫn tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến tháng 3/2023, cây bưởi da xanh trong mô hình đã ra hoa, đậu quả (trung bình 15 quả/cây), trọng lượng bình quân đạt 1,32kg/quả; năng suất ước đạt 3.466kg/ha.
Nông dân thu hoạch và bán sản phẩm bưởi da xanh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Cán bộ kỹ thuật của mô hình Đinh Công Lập cho biết, quá trình thực hiện mô hình trồng, chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap tại 2 xã Sơn Bua và Sơn Liên cho thấy, cây bưởi da xanh khá phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của nông dân huyện Sơn Tây. Các kỹ thuật được chuyển giao, người dân trực tiếp tham gia mô hình đã ứng dụng thuần thục. Sau hơn 3 năm, cây bưởi da xanh thuộc các vườn mô hình đã sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất khá, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
“Việc ứng dụng có hiệu quả các giải pháp về khoa học công nghệ sản xuất chuối mốc và bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp thay đổi nhận thức của nông dân huyện Sơn Tây trong canh tác, chuyển tư duy từ làm nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định. Từ đó, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Tây". Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây PHẠM HỒNG KHUYẾN |
Mô hình thâm canh chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên diện tích 5ha tại xã Sơn Liên, với 3 hộ dân tham gia. Loại giống được sử dụng là giống chuối mốc nuôi cấy mô. Đây là lần đầu tiên, nông dân của huyện Sơn Tây được tiếp cận với loại giống này, nên còn nhiều nghi ngại khi quyết định tham gia mô hình. Hiểu được tâm lý đó, các cán bộ kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây và cán bộ khuyến nông xã đã tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện đúng các kỹ thuật canh tác.
Năm thứ nhất, cây chuối sinh trưởng và phát triển khá nhanh. Sau 14 - 15 tháng trồng, các vườn chuối của mô hình đều đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Năng suất trung bình của chuối trong mô hình cao hơn so với các vườn ngoài mô hình 9,51 tấn/ha. Đến năm thứ 2, thứ 3, năng suất trong mô hình tăng từ 30,11 - 32,76% so với năm thứ nhất, cao hơn so với ngoài mô hình từ 15,35 - 17,06 tấn/ha. Tổng giá trị kinh tế gia tăng trong chu kỳ (3 năm) mỗi héc ta mô hình thâm canh cây chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP cho lợi nhuận bình quân gần 195 triệu đồng/ha, cao hơn trồng chuối mốc ngoài mô hình xấp xỉ 100 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình đã thu hút được sự quan tâm của người dân trong vùng dự án và một số địa phương lân cận. Từ năm thứ 2, mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn các xã Sơn Liên, Sơn Mùa, Sơn Bua và Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum), với tổng diện tích trên 30ha.
Ngoài ra, dự án còn đầu tư 1 máy sấy chuối dẻo (công suất 200kg/mẻ sấy) và đã chuyển giao quy trình sấy chuối dẻo cho Tổ hợp tác sản xuất chuối mốc Sơn Liên, giúp nông dân chủ động tiêu thụ và chế biến các sản phẩm từ chuối, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập. Theo đó, mỗi mẻ chuối tươi 200kg, qua thời gian sấy 24,07 giờ, tỷ lệ thành phẩm đem lại là 28,97% nguyên liệu, với giá bán 48 nghìn đồng/kg thành phẩm. Hiện tổ hợp tác đã ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối sấy dẻo.
Để tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, các mô hình đã thành lập 3 tổ hợp tác gồm: Sản xuất chuối mốc xã Sơn Liên; sản xuất bưởi da xanh xã Sơn Liên và sản xuất bưởi da xanh xã Sơn Bua.
Chuối mốc được trồng tại xã Sơn Liên (Sơn Tây). |
Ông Phạm Ngọc Hải, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên cho biết, hơn 3 năm thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm chuối mốc và bưởi da xanh đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Người dân được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ đó sự gắn kết giữa nông dân với nhau ngày càng bền chặt. Thông qua chuỗi liên kết, phân công công việc phù hợp với từng đối tượng sản xuất, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện nay, các sản phẩm chuối mốc của Tổ hợp tác sản xuất đã được Công ty TNHH Tư vấn chứng nhận và Công bố chất lượng VITEST tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, được doanh nghiệp tư nhân Tài Nguyên thu mua, phân phối theo cam kết tại hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nhờ đó thành viên của các tổ hợp tác có thu nhập ổn định.
Thời gian qua, Tổ sản xuất chuối mốc Sơn Liên và Tổ sản xuất bưởi da xanh Sơn Liên đã tham gia cùng HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên quảng bá sản phẩm chuối mốc và bưởi da xanh tại 2 hội chợ giới thiệu hàng nông sản. Đồng thời, giới thiệu và bán hàng qua kênh thương mại điện tử như Facebook... giúp sản phẩm chuối mốc và bưởi da xanh nhanh chóng tiếp cận khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: