Tháo gỡ ba khuyến nghị của EC

10:23, 05/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định dời lịch sang Việt Nam thanh tra đợt 5 về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào tháng 10/2024. EC đã chỉ ra 3 vấn đề tồn tại mà Việt Nam cần phải dứt khoát tháo gỡ. Đó là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình và tàu không đăng ký.

Chưa xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm

Sau các đợt thanh tra, EC cho rằng, tất cả những khuyến cáo của EC, những điều cấm trong khai thác IUU đều đã có trong Luật Thủy sản 2017, nhưng cấp độ thực thi ở các địa phương còn hạn chế. EC chỉ rõ, từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 tính đến ngày 30/4/2024, Việt Nam chỉ mới xử phạt 14/144 (9,7%) lượt tàu có chiều dài từ 24m trở lên vi phạm mất kết nối trên 10 ngày không quay về bờ. Riêng tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m do địa phương quản lý, số lượng vi phạm còn rất lớn, nhưng tỷ lệ xử phạt đạt rất thấp.

 Mua bán cá tại cảng cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ).
Mua bán cá tại cảng cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ).

Trong số các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước, hiện Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu cá vi phạm lớn nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, tính đến tháng 5/2024, tổng số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch là 3.665 tàu cá, đạt 86,62%. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 2.921 chiếc, đạt 94,41%. Đến nay, toàn tỉnh có 2.952 tàu đã lắp thiết bị giám sát VMS, đạt gần 99,5% trên tổng số tàu đang hoạt động (không tính 126 tàu nằm bờ trong và ngoài tỉnh).

Hiện còn 16 tàu hoạt động trong và ngoài tỉnh chưa lắp đặt thiết bị giám sát VMS. Đối với tàu cá từ 15m trở lên (do địa phương quản lý), lũy kế đến tháng 5/2024, có 558 tàu cá vi phạm mất kết nối trên biển trên 10 ngày, nhưng mới xử lý được 256 tàu, còn 302 tàu cá (còn thời hạn, thời hiệu) chưa xử lý. Qua hệ thống giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện 250 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, đã xử lý 34 trường hợp, còn 216 tàu cá chưa xử lý. Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên theo thông báo của Cục Thủy sản, lũy kế đến tháng 5/2024, có 59 tàu cá mất kết nối, đã xử lý 8 tàu, còn 51 tàu cá vi phạm (còn thời hạn, thời hiệu) chưa xử lý...

Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Bình Thanh (Bình Sơn) phát tờ rơi,
 tuyên truyền cho ngư dân các quy định chống khai thác IUU.
Cán bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Bình Thanh (Bình Sơn) phát tờ rơi, tuyên truyền cho ngư dân các quy định chống khai thác IUU.

Toàn tỉnh hiện có 11 trạm kiểm soát biên phòng, 5 cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản, gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Có 4 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng chỉ định nói trên để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và tàu cá ra, vào cảng. Song, công tác kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản tại cảng cá và truy xuất nguồn gốc chưa chặt chẽ. Việc ghi, nộp và thu nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản đối với tàu có chiều dài dưới 15m đạt thấp...

Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân xử lý tàu cá mất kết nối, tàu cá vi phạm vùng biển qua VMS còn thấp là vì các tàu cá thường xuyên hoạt động trên biển và neo đậu tại các tỉnh khác nên chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá ít có mặt tại địa phương, dẫn đến cơ quan chức năng gặp khó trong xử lý vi phạm.

Tập trung tháo gỡ các tồn tại

Trước những khuyến nghị của EC, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản, trong đó nhấn mạnh các giải pháp để thực hiện tốt nhất 3 vấn đề tồn tại khiến việc gỡ "thẻ vàng" IUU còn khó khăn. Đó là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình và tàu không đăng ký.

Thu mua cá tại cảng cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ).
Thu mua cá tại cảng cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ).

Một trong những lý do phía EC lùi thời hạn kiểm tra, gỡ “thẻ vàng” IUU từ tháng 5/2024 sang tháng 10/2024, đó là Việt Nam mới ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Phía EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam đối với 2 nghị định có hiệu lực thi hành trong tháng 5/2024 này. 

Đợt kiểm tra lần thứ 5 của EC sắp tới đây được xem là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến tháng 10/2024 để gỡ “thẻ vàng”. Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác chống khai thác IUU tại Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với lực lượng cảnh sát biển, BĐBP và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU. UBND tỉnh đã có các đợt kiểm tra, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, hiện công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo Nghị định số 38 của Chính phủ, đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt từ 500 - 700 triệu đồng. Đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản sẽ bị phạt tiền mức tối đa 1 tỷ đồng. Mức phạt này nhằm tăng tính răn đe, để không còn tình trạng tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, để tháo gỡ những tồn tại theo khuyến nghị của EC, cũng như các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngư dân để nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm về hệ thống VMS... nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Quảng Ngãi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, tăng cường thực thi pháp luật, đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm khai thác IUU. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 38 của Chính phủ. Đảm bảo 100% tàu cá có giấy phép khi hoạt động thủy sản trên biển. Kiểm tra tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản tại cảng, thu nhật ký khai thác thủy sản và xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác...

Gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì thị trường EU nằm trong tốp 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc gỡ “thẻ vàng” không phải để đối phó, không phải để đáp ứng các yêu cầu của EC, mà mục đích lớn hơn là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, hướng ngư dân, doanh nghiệp có ý thức, trách nhiệm trong khai thác và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến tới phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:23, 05/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.