(Báo Quảng Ngãi)- Việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn lợi thủy sản (NLTS) cạn kiệt, nhất là vùng biển ven bờ và vùng lộng. Để bảo vệ đa dạng sinh học, NLTS gắn với phát triển nghề cá bền vững, ngành nông nghiệp đã đề xuất và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc cấm biển và cấm khai thác có thời hạn.
Ông Nguyễn Tấn An, ở xã Đức Minh (Mộ Đức) cho biết, những năm gần đây, hải sản ven bờ không còn dồi dào như trước, cộng với lượng cá nổi nhỏ quá nhiều nên giá bán thấp. Vừa qua, tàu của tôi trúng nhiều luồng cá sòng, có mẻ lưới thu được gần 1 tạ cá. Nhưng lượng cá sòng có kích thước nhỏ (15 - 20 con/kg) chiếm từ 80 - 90%, nên giá bán chỉ từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Trong khi cá sòng loại 5 - 6 con/kg được thương lái thu mua với giá 65 - 70 nghìn đồng/kg. Lượng cá nổi nhỏ nhiều, trong khi các loại cá có kích thước lớn hoặc giá trị cao như mực ống, cá hố, cá trích thì ngày càng ít.
Ngư dân Nguyễn Tuấn, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ) thì cho biết, tàu của tôi hành nghề lưới vây, chủ yếu khai thác cá ngừ ở vùng biển Hoàng Sa. Những năm qua, số cá ngừ nhỏ (dưới 0,3kg/con) mắc lưới rất nhiều, có lúc chiếm từ 60 - 70% tổng lượng cá khai thác được. Trong khi đó, giá bán cá ngừ phụ thuộc vào kích thước, loại trên 0,3kg/con thì có giá từ 31 nghìn đồng/kg, nhưng dưới 0,3kg/con thì chỉ còn 15 nghìn đồng/kg.
Cơ cấu lại ngành nghề khai thác theo hướng giảm tỷ lệ tàu hành nghề lưới kéo đơn, lưới kéo đôi là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh. |
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, NLTS ở vùng biển của tỉnh đang chịu áp lực khai thác cao, sản lượng khai thác vượt quá mức khiến nguồn lợi suy giảm nhanh, đặc biệt là các nhóm có giá trị kinh tế cao. Kết quả đánh giá 20 loài hải sản kinh tế thì có đến 55% đối tượng chịu áp lực khai thác ở mức rất cao và cao.
Hơn nữa, với đặc trưng phân bổ của NLTS ở vùng biển của tỉnh là cá nổi nhỏ tập trung vùng nông ven bờ, nên các đội tàu thường di chuyển vào vùng bờ, vùng lộng dẫn đến cường độ khai thác vượt quá mức. Bởi khả năng khai thác bền vững NLTS ở vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh chỉ gần 83,7 nghìn tấn (ven bờ gần 28,1 nghìn tấn và vùng lộng gần 55,6 nghìn tấn). Tuy nhiên, sản lượng thực tế khai thác gần 91,3 nghìn tấn (vùng ven bờ gần 48,4 nghìn tấn, vùng lộng trên 44,9 nghìn tấn).
Ngoài ra, tình trạng ngư dân sử dụng phương tiện và ngư cụ khai thác theo kiểu tận diệt; tàu cá khai thác sai vùng, tuyến đã xâm hại nghiêm trọng đến sự đa dạng của NLTS cũng như thành phần loài. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mức độ xâm hại NLTS đối với 12 loài có giá trị kinh tế cao ở vùng lộng và ven bờ cao nhất lên đến 97%/tháng.
Đặc biệt, sau mùa sinh sản thì mức độ xâm hại NLTS ở mức 100% đối với vùng ven bờ và 90% ở vùng lộng, hầu hết cá thể bị khai thác đều nhỏ hơn kích thước cá sinh sản lần đầu, nhất là các loài cá nổi. Trong đó, nghề lưới kéo đơn và lưới kéo đôi chính là “thủ phạm” gây suy kiệt nhanh sản lượng và chất lượng NLTS khi xâm hại từ 12 - 18 loài hải sản có giá trị kinh tế, tiếp đến là nghề lưới rê và lưới vây... Ngoài ra, có 53 loài động vật quý hiếm ở vùng biển của tỉnh đang ở diện nguy cấp.
Một trong những thách thức của nghề cá tỉnh chính là số lượng tàu nhiều (4.285 chiếc), cường độ khai thác lớn, thời gian đánh bắt diễn ra cả trong mùa sinh sản chính và phụ (từ tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hằng năm).
Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT đã đề xuất tỉnh thí điểm cấm biển 1 tháng ở vùng biển ven bờ và 3 tháng đối với các loại nghề có mức xâm hại cao. Đồng thời, cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại 5 khu vực, gồm: Vùng ven bờ các xã Bình Phú - Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Khê - Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi); Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu (TX.Đức Phổ); vùng biển phía nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven TX.Đức Phổ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, chính quyền và người dân địa phương đồng tình, ủng hộ đề xuất của Sở NN&PTNT là quy hoạch, hình thành khu bảo vệ NLTS Gành Yến theo mô hình đồng quản lý kết hợp với du lịch sinh thái. Bởi Gành Yến sở hữu hệ sinh thái rạn san hô nguyên sơ với tỷ lệ phủ từ 20 - 30%, phong phú về chủng loại (101 loài), trong đó có 40 loài quý hiếm đang nguy cấp, nhiều loại bị suy thoái nên cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Tại khu vực biển ven bờ xã Đức Minh (Mộ Đức), lượng hải sản khai thác có giá trị cao ngày càng giảm. |
Song song với các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học và NLTS, ngành nông nghiệp tập trung cơ cấu lại các loại nghề theo hướng giảm tỷ trọng nghề lưới kéo còn 14 - 15%; đồng thời kiểm soát phạm vi ngư trường hoạt động của đội tàu từ 12m trở lên, nhằm hạn chế tình trạng tàu cá vi phạm vùng, tuyến trong quá trình khai thác hải sản.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, cộng đồng người dân ven biển; huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm thiết lập, vận hành và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ NLTS, góp phần cải thiện hệ sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của ngành nông nghiệp, cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và chính quyền các địa phương ven biển. Nhất là việc xây dựng và thực hiện lộ trình điều chỉnh, sắp xếp cơ cấu nghề khai thác và chuyển đổi nghề khai thác phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo an sinh xã hội cộng đồng ngư dân ven biển.
Đa dạng sinh học cao
Sở NN&PTNT vừa công bố Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nghề cá thương phẩm của tỉnh. Theo đó, vùng biển của tỉnh có đa dạng sinh học cao với gần 1.300 loài thủy sản, gồm: Hơn 1.000 loài động vật thủy sản, 125 loài rong biển, 87 loài san hô; còn lại là các loài cỏ biển, sao biển, cầu gai... Vùng ven bờ có đa dạng loài thủy sản nhất với 1.140 loài, tiếp đó là vùng lộng có 392 loài và thấp nhất là vùng khơi với 62 loài. Tổng trữ lượng tức thời của NLTS ở vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh trên 123 nghìn tấn, trong đó vùng ven bờ có trên 41,2 nghìn tấn, vùng lộng gần 82 nghìn tấn. |
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: