Liên kết sản xuất để thoát nghèo

14:03, 02/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên kết thực hiện các mô hình kinh tế nhằm mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương là cách làm mới của đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Liên (Sơn Tây). Qua đó, giúp các hộ dân cùng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trên ngọn đồi bạt ngàn chuối mốc tại thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, Tổ trưởng tổ sản xuất chuối mốc xã Sơn Liên Đinh Văn Trị thông tin, tổ vừa trồng thêm 3ha chuối mốc. Diện tích vùng trồng chuối mốc của tổ từ 7,5ha, giờ đã lên 10,5ha, nhưng vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường.

Thành viên nhóm trồng ổi ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây) trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại vườn ổi của anh Đinh Văn Thiếu. 
Thành viên nhóm trồng ổi ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên (Sơn Tây) trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại vườn ổi của anh Đinh Văn Thiếu. 

Trước khi tham gia vào tổ sản xuất, anh Trị trồng hơn 50 cây chuối mốc trong vườn nhà. Mỗi lần thu hoạch, anh phải tự chở chuối từ xã Sơn Liên về trung tâm huyện Sơn Tây để bán cho các cửa hàng tạp hóa. “Thương lái đâu thể tốn chi phí xăng xe chạy gần 10km từ trung tâm huyện tới tận nhà mình chỉ để mua vài buồng chuối. Bởi vậy, nếu mình làm mô hình nhỏ lẻ thì đầu ra của sản phẩm sẽ khó khăn. Vậy nên, muốn việc mua bán thuận lợi, phải phát triển được vùng trồng với diện tích lớn”, anh Trị chia sẻ kinh nghiệm.

Cuối năm 2019, từ quyết tâm của bản thân, cộng với sự định hướng, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, anh Trị cùng với anh Đinh Văn Trà và Đinh Văn Lai, cùng ở thôn Nước Vương đã lập nên Tổ sản xuất và phát triển vùng trồng chuối tập trung tại địa phương 7,5ha. Sau khi gầy dựng được vùng trồng chuối tập trung, việc tiêu thụ nông sản trở nên thuận lợi hơn. “Khi chúng tôi cung ứng được sản phẩm với số lượng lớn, các hợp tác xã tại địa phương và thương lái cho xe tải đến tận vườn để thu mua. Chúng tôi không còn phải đi bán nhỏ lẻ từng buồng chuối như trước”, anh Trị vui mừng cho biết.

Có đầu ra ổn định, các thành viên của tổ hợp tác bắt đầu vận động người dân địa phương cùng tham gia. Năm 2023, sau gần 4 năm thành lập, tổ hợp tác từ 3 thành viên, giờ đã lên 15 thành viên. “Thấy tổ trồng chuối làm ăn hiệu quả, thu nhập từ tiền bán chuối lên đến 70 - 80 triệu đồng/năm, nên khi nghe mọi người vận động tham gia vào tổ, tôi đồng ý ngay”, anh Đinh Văn Đuông, ở thôn Nước Vương bày tỏ.

Tại thôn Tang Tong, xã Sơn Liên, từ năm 2020 đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (HTX) đã liên kết với người dân địa phương thành lập nhóm trồng ổi thôn Tang Tong. Được HTX bao tiêu sản phẩm, các thành viên tham gia nhóm sản xuất đã mạnh dạn phát triển vùng chuyên canh ổi sạch 4ha, cung ứng cho HTX khoảng 40 tấn ổi/năm.

Tham gia vào nhóm, anh Đinh Văn Thiếu, ở thôn Tang Tong chuyển đổi 2ha đất trồng mì sang trồng ổi. Bình quân mỗi năm, anh Thiếu có thu nhập từ 160 - 200 triệu đồng. Theo anh Thiếu, kể từ khi tham gia vào nhóm trồng ổi, thu nhập của gia đình anh tăng gấp nhiều lần so với trồng mì. Ngoài ra, anh còn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng các thành viên khác trong tổ và được HTX hỗ trợ kỹ thuật, con giống và bao tiêu đầu ra cho nông sản. “Từ khi tham gia vào tổ, tôi chẳng những thoát nghèo, thay đổi cuộc sống của gia đình mình, mà tôi còn tạo được việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Khi vào mùa làm cỏ, thu hoạch ổi, tôi thuê từ 5 - 6 lao động, với mức 150 nghìn đồng/người/ngày”, anh Thiếu chia sẻ.

Từ hiệu quả hoạt động của tổ sản xuất chuối mốc Sơn Liên và nhóm trồng ổi thôn Tang Tong, xã Sơn Liên đang tiếp tục phát triển các nhóm liên kết sản xuất như: Tổ sản xuất bưởi da xanh xã Sơn Liên, nhóm trồng bưởi VietGap, nhóm nuôi heo rừng lai, nhóm nuôi bò... “Ngày trước, khi nói đến việc tham gia sản xuất theo tổ, nhóm, tôi không mấy mặn mà. Nhưng từ khi chứng kiến mọi người tham gia trồng chuối, trồng ổi quy mô lớn, đầu ra ổn định hơn, tôi đã thay đổi cách nghĩ và đăng ký tham gia tổ sản xuất bưởi. Hiện nay, 1ha bưởi da xanh của nhà tôi đã bước vào năm thứ 2, chuẩn bị ra quả bói”, anh Đinh Văn Uông, ở thôn Tang Tong bộc bạch.

Hình thành vùng sản xuất chuyên canh 

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Liên Đinh Văn Trí cho biết, Sơn Liên là xã vùng cao, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân địa phương chủ yếu phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, chưa chủ động được đầu ra cho sản phẩm.

Trước thực tế trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Sơn Liên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết. Qua đó, đã tạo được nhiều chuyển biến trong phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:03, 02/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.