Để nông sản Quảng Ngãi chinh phục thị trường

15:26, 17/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặt hàng nông sản, thực phẩm của Quảng Ngãi từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, nhờ chất lượng, mẫu mã sản phẩm được nâng lên. Tuy nhiên, để các sản phẩm này vươn xa, tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế, người dân và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu.

 
Hiện thực hóa giấc mơ xuất ngoại

Sau khi được chứng nhận sao của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào tháng 9/2020, nước mắm Đức Hải, xã Đức Lợi (Mộ Đức) được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, sản lượng tiêu thụ tăng từ 30 - 45% so với trước. Đã có nhiều nhà phân phối các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch chú ý đến sản phẩm nước mắm được sản xuất hoàn toàn theo phương thức truyền thống này, trong đó có LeKha Mart, thành viên Công ty TNHH LeKha Distributor (TP.Hồ Chí Minh). 

Chủ cơ sở nước mắm Đức Hải Phạm Thị Thúy Vân cho biết, dù đã được chứng nhận 3 sao OCOP nhưng để được có mặt trên hệ thống của LeKha Mart, sản phẩm phải đáp ứng nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn riêng của nhà phân phối. Đích thân Giám đốc Công ty TNHH LeKha Distributor Lê Trọng Kha đã về cơ sở sản xuất ở xã Đức Lợi, để “mục sở thị” toàn bộ quy trình chế biến nước mắm. Từ nguồn gốc, chủng loại và thời gian nhập nguyên liệu, dụng cụ ủ chượp, kỹ thuật chế biến và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nước mắm Đức Hải, xã Đức Lợi (Mộ Đức) được quảng bá tại thị trường Nhật Bản.    ẢNH: CTV
Nước mắm Đức Hải, xã Đức Lợi (Mộ Đức) được quảng bá tại thị trường Nhật Bản.    ẢNH: CTV

Sau khi được lên kệ LeKha Mart, nước mắm Đức Hải tiếp tục được đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, quy trình sản xuất chỉ được bà Vân đầu tư công nghệ ở khâu lắp đặt hệ thống khuấy đảo và chiết mắm tự động, để tiết kiệm công sức lại hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo an toàn vệ sinh. Các khâu còn lại, bà Vân vẫn thực hiện theo cách truyền thống, trong đó có nguyên tắc chỉ thu mua nguyên liệu nội tỉnh, muối chượp trong thùng gỗ và tận dụng ánh nắng mặt trời để cho ra đời những giọt nước mắm sóng sánh ánh vàng, thơm ngon, thuần khiết chuẩn vị. "Bí quyết" này đã thành công khi thu hút được các nhà phân phối mang sản phẩm giới thiệu tại thị trường Malaysia và Nhật Bản. “Khách hàng, các đơn vị bán lẻ tại Malaysia và Nhật Bản đánh giá cao chất lượng, hương vị của nước mắm Đức Hải. Đây không chỉ là cơ hội để sản phẩm bay xa, mà còn giúp nhiều người biết đến quê hương Đức Lợi - nơi có nghề sản xuất nước mắm truyền thống hơn 200 năm”, bà Vân bộc bạch.

Trong khi đó, giấc mơ “xuất ngoại” của tỏi Lý Sơn cũng dần hiện hữu theo hướng “giá trị hơn, lan tỏa hơn”. Với diện tích hơn 300ha, sản lượng tỏi (khô) bình quân 2.000 tấn/năm, tỏi Lý Sơn là cái tên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm phần lớn ở dạng thô, chưa phải hàng hóa chế biến sâu nên tỏi Lý Sơn vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn được mùa mất giá. Nhưng từ khi Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dùng tỏi Lý Sơn để làm nguyên liệu chính trong chế biến nhiều mặt hàng thực phẩm thì loại nông sản này đã có bước phát triển mới. 

Theo Giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer Đinh Hồng Vân, nhiều người biết tỏi Lý Sơn qua tên gọi, hình ảnh chứ chưa có cơ hội thưởng thức hương vị của loại đặc sản này. Masan Consumer lựa chọn tỏi Lý Sơn để chế biến các sản phẩm nước chấm vừa giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng thức đặc sản của quê hương Hùng binh Hoàng Sa, vừa góp phần quảng bá thương hiệu đảo tiền tiêu.

Sự lựa chọn của Masan Consumer đã mang lại niềm vui và kỳ vọng cho người trồng tỏi. Bà Mai Thị Giàu, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn) cho biết, từ khi có doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, giá tỏi luôn ở mức 110- 120 nghìn đồng/kg, nên cuộc sống của gia đình tôi cũng ổn định hơn. Vụ tỏi vừa rồi, tôi chỉ sử dụng phân bón và thuốc vi sinh, không dùng các loại thuốc diệt cỏ hoặc thuốc trừ sâu hóa học. Cách làm này vừa giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, không gây ô nhiễm môi trường, mà năng suất tỏi cũng tăng.

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Điểm yếu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh chính là “chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu theo từng thị trường”, sản phẩm có nhãn hiệu nhưng chất lượng và giá trị cạnh tranh thấp vì phương thức sản xuất chưa phù hợp. Như tỏi Lý Sơn, dù có nhiều cơ hội vươn xa nhưng rồi lại lỡ hẹn, có lúc đầu ra bấp bênh, thậm chí bị người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng sản phẩm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là tình trạng lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất khiến môi trường vùng trồng bị ô nhiễm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép, dẫn đến sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer Đinh Hồng Vân bày tỏ, thị trường xuất khẩu yêu cầu khắt khe về chế tài an toàn thực phẩm, nhất là các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng chất gây ô nhiễm... Nếu hàng hóa không đáp ứng thì có nguy cơ bị trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ, thiệt hại không chỉ là kinh tế, mà hơn hết là uy tín.  

uy được đánh giá cao về chất lượng, nhưng tỏi Lý Sơn vẫn tiêu thụ ở dạng thô, làm quà tặng nên giá trị kinh tế chưa cao.
uy được đánh giá cao về chất lượng, nhưng tỏi Lý Sơn vẫn tiêu thụ ở dạng thô, làm quà tặng nên giá trị kinh tế chưa cao.

Nếu muốn tỏi Lý Sơn ổn định và vươn xa ra thị trường thế giới, thì ngoài chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu bài bản, cần phải thay đổi khâu sản xuất theo quy trình sạch và an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP, HACCP... Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng, giải quyết bài toán trên, việc đầu tiên, cần làm ngay là nông dân phải thay đổi thói quen sản xuất, chính quyền địa phương gấp rút quy hoạch vùng trồng đủ điều kiện để được cấp mã số, nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên nguồn lực và thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh tỏi sạch, thân thiện với môi trường gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng.

Ngoài ra, “nút thắt” đối với nông sản địa phương chính là chủ thể chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Như nước mắm Đức Hải, dù đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhưng chủ thể lại chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nên có tình trạng sản phẩm bị nhái. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như con đường xuất ngoại của sản phẩm chính chủ, mà còn tác động đến uy tín của sao OCOP. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà Vân thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Nước mắm OBO”. Ngay khi nước mắm Đức Hải hết thời hạn sao OCOP (tháng 9/2023), sản phẩm này sẽ được chủ thể đổi sang “Nước mắm OBO” để dự thi và nâng hạng sao OCOP năm 2023.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh có tiềm năng và thế mạnh tiêu thụ không chỉ trong nước, mà còn xuất khẩu. Nhưng vì việc sản xuất bởi hộ gia đình, hoặc trang trại nhỏ nên quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản còn mang tính truyền thống; mẫu mã, hình thức, chủng loại cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm chưa được chú trọng. Việc huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách tín chấp bấp bênh nên việc chế biến sâu chưa được chú trọng đầu tư. Vậy nên chất lượng và giá trị sản phẩm thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn.

Tháo gỡ nút thắt này, ngành nông nghiệp nỗ lực tái cấu trúc theo hướng gắn sản xuất hàng hóa lớn với thị trường trong nước cũng như khu vực và thế giới, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, địa phương. Thực thi hiệu quả các chính sách của trung ương, cũng như tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích riêng, đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp làm “đầu tàu” trong việc cung cấp quy trình sản xuất gắn với đào tạo tay nghề, chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân. Qua đó, doanh nghiệp chủ động tổ chức vùng nguyên liệu, đặt hàng nông dân, tổ chức mạng lưới phân phối và thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm, khẳng định được thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:26, 17/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.