(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì mẫu mã, nhưng việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Toàn tỉnh hiện có 124 sản phẩm của 76 chủ thể được chứng nhận sao OCOP cấp tỉnh (9 sản phẩm 4 sao, 115 sản phẩm 3 sao). Nhiều sản phẩm đã khẳng định vị thế trên thị trường tiêu thụ nội địa, hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, phần lớn nhóm sản phẩm OCOP sản xuất nhỏ, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Ngoài ra, chủ thể phần lớn là hộ cá thể, cơ sở sản xuất nhỏ khu vực nông thôn và miền núi nên gặp khó khăn trong việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Vì vậy, nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường từ trước khi được chứng nhận OCOP nhưng hoạt động sản xuất chỉ dừng lại ở việc sơ chế, hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Phơi nắng, một trong những công đoạn sản xuất bánh mè tại cơ sở Huy Ny, xã Đức Phong (Mộ Đức). |
Chủ cơ sở sản xuất mạch nha Kim Hồng, xã Đức Hòa (Mộ Đức) Nguyễn Anh Tiến cho biết, sản phẩm mạch nha Kim Hồng đã có mặt trên thị trường hơn 30 năm và được chứng nhận sao OCOP. Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế nên cơ sở chủ yếu tập trung vào gia công nha, còn sản phẩm chính là mạch nha thì sản xuất cầm chừng, tiêu thụ nhỏ lẻ ở chợ quê.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng sử dụng logo OCOP và thứ hạng sao trên sản phẩm cũng như thông tin bao bì, nhãn mác, kiểu dáng… chưa đúng quy định. Chủ cơ sở sản xuất bánh thuẩn Bảy Dậy, ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) Trần Thị Lợi cho biết, đáng ngại nhất hiện nay là tình trạng mạo danh OCOP, nhiều loại nhái tên và dán nhãn OCOP để đánh lừa người tiêu dùng được bán với giá thành thấp hơn, gây ảnh hưởng đến sản phẩm chính hiệu.
Ngoài ra, hồ sơ thủ tục để dự thi và nâng hạng OCOP còn rườm rà. Chủ thể sản xuất bánh tráng Huy Cường, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) Lê Thái Cường đề xuất, hồ sơ thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm OCOP cần đơn giản hơn, hoặc các đơn vị chuyên môn quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ để các chủ thể là hộ kinh doanh cá thể dễ dàng thực hiện. Thực tế, một số đơn vị tư vấn còn hạn chế về chuyên môn, chưa nắm bắt đầy đủ ý tưởng và quy trình sản xuất, dẫn đến hồ sơ còn nhiều sai sót, nhầm lẫn tiêu chí, thủ tục giữa các sản phẩm, gây khó khăn cho chủ thể trong quá trình dự thi.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nguyễn Thanh Hiên cho biết, cùng với việc tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả và mục tiêu của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2021 - 2025.
Bài, ảnh: THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: