Chậm đưa mỏ cát trúng đấu giá vào khai thác

09:08, 27/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình hình khan hiếm cát xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép cho các mỏ cát đã đấu giá thành công đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng và các đơn vị liên quan vẫn chưa thực hiện được.

Giá cát xây dựng trong dự toán công trình chỉ dao động từ 120 - 180 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế từ đầu năm 2023 đến nay, giá cát trên thị trường ở mức 230 - 450 nghìn đồng/m3 tùy vào từng địa bàn. Nhiều công trình do thiếu cát xây dựng phải thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Khai thác cát tại mỏ cát xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Ảnh: T.Nhị
Khai thác cát tại mỏ cát xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 mỏ cát thương mại hoạt động nhưng trữ lượng không đáng kể, nằm trên sông Vệ thuộc địa bàn xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Mỏ cát này chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất bê tông và thi công một số công trình trên địa bàn thuộc huyện Mộ Đức, Ba Tơ và TX.Đức Phổ. Sự mất cân đối cung - cầu kéo dài dẫn đến gia tăng tình trạng khai thác cát trái phép, kể cả tại khu vực đã có DN trúng đấu giá khai thác cát, nhất là tại khu vực sông Trà Khúc thuộc xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) và phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi).

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, thời gian qua, nhiều DN than phiền về giá cát chênh lệch rất lớn giữa dự toán và thị trường. Để xảy ra tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này chưa tốt, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác điều hành của tỉnh, ảnh hưởng tiến độ công trình. UBND tỉnh giao Công an tỉnh và các Sở: Tài chính, TN&MT, Xây dựng tiến hành kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Giá cả phải được quản lý chặt chẽ, thống nhất, DN kinh doanh mỏ không chấp nhận thì trả mỏ. Tuyệt đối không thể xảy ra khan hiếm, đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao như những tháng đầu năm 2023.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã họp, chỉ đạo khẩn trương đưa các mỏ cát trúng đấu giá vào khai thác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thủ tục vẫn chưa hoàn thành, chưa có thêm mỏ cát thương mại nào được đưa vào khai thác sau khi trúng đấu giá.

Tình trạng khan hiếm cát xây dựng làm gia tăng vấn nạn khai thác cát trái phép, kéo theo nhiều hệ lụy khác trong quản lý kinh doanh đối với mặt hàng này. Thông thường cát sẽ được mua tại các mỏ cát, với hóa đơn, chứng từ đầy đủ, nhưng hiện nay do chỉ có một mỏ cát thương mại, với trữ lượng nhỏ nên nhiều công trình đã phải mua cát trôi nổi, rồi sau đó mua hóa đơn để hợp thức hóa.

Thống kê của Sở TN&MT, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 16 mỏ cát chưa có kết quả thăm dò, với trữ lượng dự báo khoảng 6 triệu mét khối, nằm trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hiện nay các mỏ này vẫn chưa đưa vào khai thác do thủ tục chưa hoàn thiện.

Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho biết, theo quy định, quy trình thẩm định, phê duyệt, cấp phép đưa mỏ cát đi vào khai thác phải mất hơn 400 ngày. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tỉnh, để có cát phục vụ các công trình xây dựng, Sở đã cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục này chỉ còn 30 - 40 ngày. Theo Sở TN&MT, khả năng trong tháng 7/2023 sẽ đưa một số mỏ đi vào khai thác. Bên cạnh việc đấu giá, đưa vào khai thác cát thì hiện tại một số công trình xây dựng có tính cấp bách của tỉnh cũng được linh động giải quyết theo phương án cấp chỉ định một số khu vực khai thác cát để phục vụ thi công, sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch đề ra.

Bài,ảnh: THANH NHỊ

   TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.