(Báo Quảng Ngãi)- Chính quyền và người dân các địa phương ở miền núi đang tìm cách để ổn định và mở rộng diện tích sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tìm kiếm đầu ra cho nông sản...
Sau thời gian trầm lắng, chè xanh Minh Long ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, thị trường tiêu thụ mạnh và ổn định. Ông Đinh Văn Hát, ở thôn Công Loan (xã Thanh An) cho biết, gia đình tôi có hơn 1ha chè, bình quân mỗi ngày thu 35 - 40 bó chè, được thương lái thu mua tận rẫy với giá 7.000 đồng/bó. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt hằng ngày và tái đầu tư sản xuất.
Chè xanh Minh Long được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng gặp khó khăn trong mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. |
Cũng như ông Hát, hàng trăm hộ dân trên huyện Minh Long cũng có thu nhập ổn định từ rẫy chè. Những năm qua, người dân luôn nỗ lực chăm sóc, phục hồi hơn 196ha chè bản địa. Chính quyền địa phương chú trọng thu hút đầu tư chế biến sâu chè xanh thành các sản phẩm có giá trị cạnh tranh, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực trạng cũng như điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều ngại đầu tư, dù biết các sản phẩm được chế biến từ chè xanh đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Qua trao đổi, các DN cho rằng, để có nguồn nguyên liệu liên tục và ổn định phục vụ chế biến thì phải mở rộng diện tích chè hiện hữu. Nhưng việc này gặp rất nhiều trở ngại, từ nguồn giống, phương thức canh tác cũng như tiếp cận quỹ đất.
Với huyện Sơn Hà, nhiều loại nông sản địa phương cũng đã được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị lớn. Nhưng sau thời gian “chào hàng”, nhiều sản phẩm tuột mất cơ hội vươn ra thị trường lớn. Đơn cử như mắm cá niên và ớt xiêm, hai sản phẩm của huyện Sơn Hà được thị trường tiêu thụ mạnh, dù giá bán cao hơn rất nhiều so với các mặt hàng cùng chủng loại. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm “đúng chuẩn” quá ít, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.
Bà Trần Thị Điểm, chủ cửa hàng buôn bán đặc sản Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian đầu, bạn hàng cung cấp đơn hàng mắm cá niên chuẩn vị; ớt xiêm thì quả nhỏ, vỏ xanh đậm, chắc thịt và cay nồng. Nhưng khi số đơn hàng tăng thì thời gian cung cấp chậm; riêng ớt xiêm còn bị trà trộn những quả ớt dài hơn, vỏ xanh nhạt, ít thơm và ruột không đặc. Theo tôi tìm hiểu, đây là loại ớt được trồng ở vườn nhà hoặc trồng tập trung chứ không phải loại cây mọc hoang dại như bạn hàng cam kết ban đầu.
Phản hồi của bà Điểm cũng chính là băn khoăn của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho rằng, huyện đang triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng bị động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến nhưng chưa khả thi. Các ngành chuyên môn đã chuyển giao và hướng dẫn người dân chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng chất lượng sản phẩm vẫn không đồng nhất. Thời gian đến, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp cho người dân theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần tăng năng suất, đảm bảo sản lượng và chất lượng, giá trị sản phẩm, gắn với liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ, hội viên, thành viên để sản xuất tập trung và tiêu thụ sản phẩm.
Cần lựa chọn sản phẩm để đầu tư Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn, khu vực miền núi không thiếu nông sản, đặc sản nhưng lại thiếu “đầu tàu” dẫn dắt và định hướng, cộng với kiểu sản xuất “mạnh ai nấy làm” khiến sản phẩm rời rạc, giá trị cạnh tranh thấp. Để khắc phục tình trạng này, trước hết chính quyền các địa phương cần lựa chọn sản phẩm đầu tư sản xuất, chế biến, làm cơ sở để triển khai thực hiện việc liên vùng. Điều này vừa đảm bảo diện tích sản xuất đủ lớn để ổn định nguồn nguyên liệu, vừa dễ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hoá, tạo thuận lợi trong tiêu thụ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. |
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: