(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và liên tục của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; là chương trình có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng NTM hướng đến mục tiêu cao hơn, chuyển từ lượng sang chất, nhằm đảm bảo tính bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
Kỳ 1: Diện mạo mới, khó khăn cũ Chương trình xây dựng NTM đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi. Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn còn một số mặt bất cập. |
Nông thôn khởi sắc
Năm 2011, xã Bình Dương (Bình Sơn) tiên phong thực hiện chương trình xây dựng NTM trong điều kiện chỉ có 4- 5 tiêu chí đạt chuẩn, hạ tầng kinh tế - xã hội vừa thiếu vừa yếu, thu nhập của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng với kỳ vọng xây dựng NTM sẽ giúp diện mạo xã mới hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn nên hệ thống chính trị và người dân xã Bình Dương đồng thuận, gắng sức vượt khó. Chính quyền nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân tích cực phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM qua việc hiến đất, góp công góp của mở đường, chỉnh trang vườn nhà, giữ sạch ngõ xóm, tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Những tuyến đường hoa sạch đẹp, rực rỡ sắc màu là một trong những điểm nhấn của các xã nông thôn mới. Trong ảnh: Tuyến đường hoa ở xã Đức Hòa (Mộ Đức). |
Chủ tịch UBND xã Bình Dương Nguyễn Quang Vũ chia sẻ, vai trò của người dân rất quan trọng trong xây dựng NTM, đó cũng là tiền đề giúp xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014, trở thành một vùng quê đáng sống. Ngoài những thay đổi về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thì thành quả lớn nhất trong xây dựng NTM ở địa phương chính là nâng cao nhận thức của người dân, khi chủ động tham gia, giám sát để nâng cao hiệu quả, chất lượng các tiêu chí NTM.
“Các địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá cụ thể mức độ đạt chuẩn NTM theo yêu cầu Bộ tiêu chí các cấp giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo thực chất. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò chủ thể của người dân, gắn với tăng cường huy động, lồng ghép, bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được phân công chủ động hỗ trợ, giúp các xã tháo gỡ khó khăn liên quan đến tiêu chí phụ trách để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao”. Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh HỒ TRỌNG PHƯƠNG
|
Phong trào xây dựng NTM cũng mang lại nhiều “quả ngọt” cho người dân huyện Nghĩa Hành, địa phương đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2018. Diện mạo nông thôn toàn huyện có bước chuyển biến rõ nét; hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch và phát triển theo hướng tích cực.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm khơi dậy tinh thần và quyết tâm của người dân qua phong trào “dịch rào làm đường”, hay “nhà sạch, vườn đẹp” gắn với thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc huy động và đầu tư nguồn lực thực hiện các tiêu chí NTM được thực hiện theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; trong đó, ưu tiên nguồn vốn xây dựng và chuyển giao quy trình sản xuất mới, hiệu quả nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 47 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 1.026 hộ (3,97%) và 2.010 hộ cận nghèo (7,77%); có 17 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM trên 90%...
Cùng với xã Bình Dương, cũng như huyện Nghĩa Hành, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 4 xã đang hoàn thiện thủ tục công nhận đạt chuẩn NTM và 9 xã đang hoàn thiện thủ tục công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 2 huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Thành phố Quảng Ngãi hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Bộn bề những khó khăn
Sau niềm vui được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019, người dân xã Long Sơn (Minh Long) vẫn còn bộn bề khó khăn. Ông Đinh Văn Hương, ở xã Long Sơn cho biết, từ năm 2016, xã triển khai xây dựng NTM, tôi và người dân trong thôn tích cực hưởng ứng hiến đất mở đường, góp công làm kênh mương, cùng nhau gìn giữ vệ sinh môi trường sạch đẹp, chấp hành tốt các quy định của nhà nước. Việc Nhà nước cắt toàn bộ các chính sách hỗ trợ người dân ngay sau khi xã đạt chuẩn NTM khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, thu nhập và cuộc sống của người dân miền núi không giống các khu vực khác, vì phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp. Trong 2 năm (2020 - 2021), thiên tai làm cây keo gãy đổ, trâu bò mắc bệnh, giá heo sụt giảm, tiêu thụ nông sản bấp bênh, nên thu nhập không ổn định. Việc cắt giảm các chính sách của Nhà nước được thực hiện từng bước thì chúng tôi sẽ đỡ nhọc nhằn hơn.
Tâm tư của ông Hương cũng chính là nỗi niềm của người dân các xã đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi. Tại xã Sơn Thành (Sơn Hà), cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn sau khi đạt chuẩn NTM năm 2020. Ông Đinh Văn Hòa, ở thôn Hà Thành, xã Sơn Thành bày tỏ, cơ sở hạ tầng nông thôn tuy khang trang, sạch đẹp nhưng nay đã xuống cấp. Tuy nhiên, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Nhà văn hóa thôn đã được xây dựng, nhưng chủ yếu vẫn cửa đóng then cài. Kênh mương nơi hư hỏng, chỗ sạt lở bồi lắng. Nguồn nước sinh hoạt chưa đảm bảo.
Chưa bền vững
Thời gian qua, chính quyền các xã đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì và giữ chuẩn các tiêu chí NTM. Đối với nhóm tiêu chí hạ tầng, nguồn lực đầu tư thực hiện chỉ đủ đáp ứng ở ngưỡng đạt tối thiểu (từ 70% trở lên). Nhưng sau khi xã đạt chuẩn NTM, ngân sách nhà nước cấp trên không còn (hoặc giảm) hỗ trợ, vốn địa phương cũng như nguồn lực huy động từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân hạn hẹp, nên nhiều công trình không có kinh phí để đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng. Vì vậy hiện nay, cơ sở hạ tầng của nhiều xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 rơi vào cảnh xuống cấp, không phát huy hiệu quả như mong muốn; thậm chí đối diện nguy cơ rớt chuẩn vì Bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu cao hơn và bổ sung nhiều chỉ tiêu thành phần.
Thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nông thôn mới chưa bền vững. |
Đối với nhóm tiêu chí hộ nghèo, thu nhập và tổ chức sản xuất thì hầu hết các xã khu vực đồng bằng, thành thị duy trì và giữ vững. Riêng các xã miền núi thì rơi vào cảnh thu nhập giảm, hộ nghèo tăng. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 7,8%, nhưng khu vực miền núi hơn 30%. Thời điểm đạt chuẩn NTM năm 2019 - 2020, các xã có mức thu nhập bình quân đầu người từ 38 triệu đồng/người/năm trở lên, hộ nghèo dưới 5%. Tuy nhiên, hiện nay, tại hầu hết các xã miền núi có mức thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng nhẹ, trong khi hộ nghèo có nơi tăng gấp 2 - 3 lần (như xã Long Sơn gần 14,6%, xã Sơn Thành trên 22,3%).
Lý giải tình trạng tái nghèo sau khi đạt NTM, nhiều ý kiến cho rằng, người dân khu vực miền núi chưa nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, không muốn thoát nghèo mà ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng cũng có một thực tế là, xuất phát điểm xây dựng NTM của nhiều xã khu vực miền núi thấp, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao (từ 20 - 45%) trong khi công tác giảm nghèo ở một số nơi chưa phù hợp. Điều này dẫn đến việc thoát nghèo kém bền vững. Ngoài ra, việc Nhà nước dừng thực hiện một số chính sách hỗ trợ sau khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM khiến cuộc sống của nhiều hộ nghèo, cận nghèo rơi vào cảnh khó khăn.
Bài, ảnh: MỸ HOA
------------
Kỳ cuối: Nỗ lực vượt khó