Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023: Niềm vui chưa trọn

08:55, 19/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 đang bước vào giai đoạn thu hoạch, nhưng nông dân nhiều địa phương trong tỉnh chưa trọn niềm vui, vì giá lúa tăng, nhưng năng suất giảm.

Giá lúa tăng

Tuy năng suất không như mong đợi, nhưng nông dân phấn khởi vì giá lúa tăng, dễ tiêu thụ. Hiện nay, lúa tươi tại ruộng được thương lái thu mua từ 7.500- 8.000 đồng/kg (tùy loại), tăng từ 1.500- 2.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước.

Người dân xã Phổ Cường, Phổ Thuận và phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) hiện đang phấn khởi vì các giống lúa ĐH815-6, DT45, TBT132 được thương lái thu mua với số lượng lớn, giá lại cao. Ông Nguyễn Thanh Lâm, ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo sạ gần 5 sào lúa giống ĐH815-6 và TBT132, năng suất xấp xỉ năm trước, nhưng giá bán cao hơn 2.500 đồng/kg, hiện ở mức 8.000 đồng/kg (lúa khô). Nhờ đó, gia đình tôi cũng có thu nhập khá.

Năng suất lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 không như kỳ vọng của nông dân.
Năng suất lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 không như kỳ vọng của nông dân.

Ngoài bán lúa, nông dân cũng thu gom và bán được rơm với giá cao. Năm nay lúa ít ngã đổ, ít sâu bệnh nên giá bán rơm đạt từ 300 - 400 nghìn đồng/sào. Bà Phạm Thị Trang, ở thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho hay, tôi làm 11 sào ruộng, lượng rơm rất nhiều. Ngoài thu gom rơm phục vụ chăn nuôi bò, tôi còn bán được 5 sào rơm với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/sào. Khoảng thu nhập này vừa giúp tôi bù đắp chi phí đầu tư sản xuất, thu hoạch; vừa giúp ruộng sạch sẽ. Vì vậy, thay vì phơi đốt như trước kia, người dân ở xã Bình Dương nói riêng, trong tỉnh nói chung đều bán hoặc thu gom rơm về phục vụ chăn nuôi.

Năng suất giảm

Ông Trần Hải, ở thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa (Mộ Đức) thoáng buồn vì 3 sào lúa HN6 nhìn óng vàng, dày bông mẩy hạt nhưng chỉ thu được 25 bao lúa tươi. Tính ra năng suất chỉ đạt khoảng 64 tạ/ha, không như ông kỳ vọng. Ông Hải cho biết, đầu vụ ruộng bị ngập úng, phải sạ lại 2 lần nên chi phí sản xuất tăng. Đến giai đoạn đẻ nhánh, lúa bị chuột và ốc bươu vàng gây hại nên tốn công dặm. Nhưng giai đoạn sau, cây lúa phát triển thuận lợi, ít dịch bệnh nguy hiểm gây hại. Thấy ruộng lúa tốt, cứ ngỡ năng suất sẽ cao nhưng không ngờ lại giảm...

Tâm tư của ông Hải cũng là nỗi lòng của nhiều nông dân sản xuất lúa trà chính trong tỉnh. Nhất là nông dân tại nhiều xã có truyền thống được mùa lúa, như: Đức Hòa, Đức Hiệp, Đức Nhuận (Mộ Đức); Nghĩa Lâm, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa); Hành Thịnh, Hành Minh (Nghĩa Hành); Bình Dương (Bình Sơn); Phổ Văn, Phổ Thuận (TX.Đức Phổ)... Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Hòa Trần Đức Sơn bày tỏ, lúa chín vàng đều, cây thẳng ít ngã đổ không có nghĩa là được mùa. Như tại xã Đức Hòa, hầu hết ruộng lúa nhìn trông bắt mắt, nhưng thực tế là bông lúa ngắn, dẫn đến số lượng hạt trên bông ít, bình quân chỉ từ 70 - 75 hạt/bông, thấp hơn mọi năm từ 10 - 15 hạt/bông. Tình trạng này có thể do ảnh hưởng của thời tiết, tức là một số diện tích lúa trổ đúng thời điểm lạnh, dẫn đến tỷ lệ kết hạt thấp. Điều này dẫn đến sản lượng lúa thực tế khi thu hoạch thấp hơn so với khi quan sát và đánh giá tại ruộng.

Trong khi nông dân làm lúa trà chính (gieo sạ từ 15 - 31/12/2022) kém vui vì năng suất lúa không cao như kỳ vọng, thì người dân sản xuất gần 5.000ha lúa trà muộn (gieo sạ từ ngày 1 - 10/1/2023) cũng đang nơm nớp lo. Ông Nguyễn Đình Trịnh, xã Phổ An (TX.Đức Phổ) cho biết, đầu vụ ruộng bị ngập úng, phải sạ lại 3 lần nên trễ hơn so với lịch thời vụ. Hiện giờ, gần 4 sào lúa mới ở giai đoạn chín sữa. Nhưng thời tiết thay đổi, tôi lo mưa gió sẽ ảnh hưởng đến năng suất cũng như gây ngã đổ cây, khó khăn cho thu hoạch sau này.

Bài, ảnh: THANH PHONG

 


Ý kiến bạn đọc


.