Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn: Vượt khó, nỗ lực thi công

16:53, 03/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã được triển khai thi công. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công, Ban Điều hành Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Ban Điều hành) còn tạo thuận lợi để cộng đồng cùng giám sát việc thi công công trình.

Chủ động cung cấp thông tin

Tháng 3/2023, Ban Điều hành đã mời đại diện các cơ quan báo chí ở Quảng Ngãi và báo chí trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh đi thực tế việc thực hiện dự án. Đây là hoạt động khởi đầu cho chủ trương nâng cao vai trò giám sát cộng đồng, do Tập đoàn Đèo Cả triển khai. Với vai trò đứng đầu liên danh dự án này, Tập đoàn Đèo Cả mong muốn giám sát cộng đồng sẽ thực sự có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy tiến độ, chất lượng dự án. Theo đó, hằng quý, Tập đoàn Đèo Cả chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đoàn thể địa phương; đồng thời, dựng panô cập nhật tình hình, công khai tiến độ thi công. Nếu có vướng mắc, phát sinh, tập đoàn sẽ mời các bên liên quan trao đổi cùng tháo gỡ, với tinh thần tất cả vì mục tiêu xây dựng cao tốc Bắc - Nam đạt chất lượng, đúng tiến độ.

Thi công gói thầu XL01 cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua huyện Nghĩa Hành.                                                                                       ẢNH: TẤN PHÁT
Thi công gói thầu XL01 cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua huyện Nghĩa Hành.   ẢNH: TẤN PHÁT

Vừa qua, Ban Điều hành đã nhận được thông tin phản ánh của người dân địa phương về tình trạng xe chở vật liệu chạy trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện với tốc độ cao, gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Qua tìm hiểu và xác minh thông tin, thì đó là xe vận chuyển vật tư, vật liệu phục vụ dự án khu tái định cư đang triển khai đồng loạt trên địa bàn các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua. Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, đây là tính đúng đắn và cần thiết của hoạt động giám sát cộng đồng, để từ đó xác minh vụ việc, trả lời để nhân dân biết, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới.

Phối hợp để có mặt bằng sạch

Dự án Cao tốc Bắc - Nam, thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đi qua địa phận Quảng Ngãi có tổng chiều dài 60,3km, hiện đã bàn giao mặt bằng đạt khoảng 84%. So với các tỉnh khác, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải phóng mặt bằng rất cao, nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền địa phương trong việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Tuy nhiên, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục thực tế còn ít, chỉ chiếm khoảng 50% tổng mặt bằng nhà thầu đã tiếp nhận. Vì vậy, nhà thầu gặp phải một số khó khăn và hiện mới chỉ tập trung huy động nhân sự, máy móc, thiết bị để triển khai thi công các phạm vi mặt bằng có thể tiếp cận được.

Một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận; một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng, do vướng nhà dân vì chưa bố trí tái định cư, di dời. Ngoài ra, còn có trường hợp người dân cho rằng đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công. Một số diện tích, dù người dân đã nhận tiền đền bù, nhưng mong muốn cho phép thu hoạch xong nông sản trên đất rồi mới bàn giao mặt bằng...

Để đảm bảo tiến độ, liên danh nhà thầu kiến nghị UBND tỉnh cần sớm giải quyết bố trí tái định cư để bàn giao các khu vực có đường tiếp cận vào thi công dự án. Theo đó, ưu tiên bàn giao mặt bằng các vị trí quan trọng để đảm bảo tiến độ trước ngày 30/3/2023 và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà thầu trước ngày 30/6/2023 theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.

Cần đảm bảo nguồn vật liệu

Đối với các vật tư, vật liệu như sắt, thép, xi măng, nhựa đường... nhà thầu đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để ký hợp đồng thương mại, bình ổn giá. Nhà thầu cũng triển khai đầu tư các trạm nghiền, trên cơ sở tận dụng đá đào hầm để làm vật liệu phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, về giải quyết nhu cầu đất đắp vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Theo tính toán của liên danh nhà thầu, thì nhu cầu đất đắp toàn tuyến khoảng 12,6 triệu mét khối và nhu cầu cát xây dựng khoảng 1,3 triệu mét khối. Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện công tác khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất để đáp ứng kịp thời nhu cầu dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần là do vướng mắc từ cơ chế. Đó là, mặc dù Bộ TN&MT đã có hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu nhưng chưa cụ thể, dẫn tới các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai. Hiện tại, vấn đề này đang trở thành điểm nghẽn của dự án, chưa thể rút ngắn thời gian, thủ tục hồ sơ theo cơ chế đặc thù của Chính phủ.

Công nhân lao động trên công trường xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua huyện Mộ Đức.
ẢNH: TẤN PHÁT
Công nhân lao động trên công trường xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua huyện Mộ Đức. ẢNH: TẤN PHÁT

Bên cạnh đó, nhà thầu phải tự thỏa thuận đơn giá mặt bằng mỏ vật liệu với người dân, dẫn đến tình trạng bị ép giá, khiến đơn giá khai thác đất tại mỏ cao hơn nhiều so với đơn giá tính trong dự toán. Hầu hết người dân khi thỏa thuận bồi thường đều đưa ra mức giá đền bù giải phóng mặt bằng phần diện tích mỏ cao hơn so với mức giá bồi thường cây cối, hoa màu và tài sản trên đất theo quy định. Ngoài ra, các mỏ đất thương mại công suất thấp và đang cung cấp cho các dự án của tỉnh, do vậy khả năng cung cấp cho dự án Cao tốc Bắc - Nam bị hạn chế. Đường tiếp cận vào một số mỏ thương mại rất khó khăn, nhỏ hẹp và đi qua khu dân cư, nên khi tăng cường xe vận chuyển sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Sau khi nhận hệ thống mốc giới từ đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật, nhà thầu đã khảo sát và phát hiện nhiều mốc sai số đến 20cm, vượt quá sai số cho phép, không đảm bảo để thi công. Do đó, giai đoạn ban đầu, nhà thầu chỉ triển khai đào vét hữu cơ; các công tác liên quan đến công trình cầu, cống, hầm... cần độ chính xác cao thì phải thống nhất số liệu giữa ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế và nhà thầu thì mới đủ cơ sở triển khai.

Hơn nữa, một số bản vẽ không thống nhất. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật được khảo sát, thiết kế bởi nhiều đơn vị khác nhau; công tác kiểm soát chất lượng hồ sơ còn sơ sài dẫn tới cùng một gói thầu, cùng một kết cấu công trình nhưng bản vẽ khác nhau. Bất cập nhất là về độ dày thành cống hộp, kích thước trong thuyết minh khác kích thước trong bảng tính... Thực trạng thực tế thi công khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng đang xảy ra tại hầm Núi Vung, thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, do Tập đoàn Đèo Cả thi công và muốn được sớm khắc phục tại dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Tại tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, liên danh nhà thầu đã tiên phong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án thông qua việc sử dụng các thiết bị LiDAR và 3D-Laser Scanning, kết hợp BIM trên điện toán đám mây. Các công nghệ này hỗ trợ kiểm tra tính đúng đắn bản vẽ đã thiết kế, tính khối lượng đào đắp, giám sát khối lượng thực tế; đồng thời lắp đặt hệ thống camera giám sát dọc tuyến.

Ứng dụng công nghệ số để quản trị điều hành

Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần giai đoạn 2. Với vị trí đứng đầu liên danh nhà thầu, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng khu nhà của dự án và thiết lập các quy trình xử lý công việc, áp dụng công nghệ số để quản trị điều hành dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí. Đến nay, nhà thầu đã triển khai 21 mũi thi công với 600 nhân sự và hơn 200 máy móc, thiết bị, tập trung tại các hạng mục như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu TL624, các nút giao và một số đoạn cần xử lý đất yếu.

THANH XUÂN - TẤN PHÁT

 


Ý kiến bạn đọc


.