(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, phụ nữ ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) đã thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày để "nuôi heo đất". Phong trào này vừa tạo thói quen tốt, vừa giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm" hiện đã lan tỏa mạnh mẽ.
Lan tỏa phong trào tiết kiệm
Suốt 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Trang, hội viên Tổ phụ nữ An Sở, ở tổ dân phố Văn Trường luôn duy trì thói quen "nuôi heo đất". Vào cuối ngày, chị Trang dành một ít tiền tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu để "nuôi heo". Chị Trang chia sẻ, từ khi Tổ phụ nữ An Sở triển khai mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”, hội viên hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhờ tiết kiệm vài nghìn đến vài chục nghìn đồng mỗi ngày, mà sau 6 tháng, tôi có được số tiền đến vài chục triệu đồng, có vốn để phát triển kinh tế.
Bà Đặng Thị Xay (thứ hai bên trái), ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) chia sẻ với chị em phụ nữ về kế hoạch nuôi gà của gia đình. |
Chủ tịch Hội LHPN phường Phổ Văn, Huỳnh Thị Yến Nga cho biết, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” được Tổ phụ nữ An Sở triển khai từ năm 2017, đến nay đã được nhân rộng ở 11 tổ phụ nữ trên địa bàn phường. Cứ đều đặn 6 tháng/lần, trong đợt sinh hoạt nhân dịp 8/3 và 20/10, các tổ phụ nữ tổ chức tọa đàm và đập heo đất. Đến nay, toàn phường có hơn 200 hội viên tham gia "nuôi heo đất" tiết kiệm. Dù phần lớn hội viên phụ nữ đều làm nông, nhưng nhờ biết cách tiết kiệm mà trung bình mỗi lần đập heo thu về số tiền từ 400 - 500 triệu đồng. Từ số tiền này, các chị em không chỉ sử dụng để đầu tư, mua sắm những thứ cần thiết trong gia đình mình, mà còn cho nhau mượn không lấy lãi, giúp nhau vốn phát triển sản xuất.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Không chỉ tạo thói quen tiết kiệm, mà thông qua mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”, mỗi khi đến đợt đập heo là dịp để các chị em có nhu cầu về vốn mượn tiền nhau để phát triển kinh tế. Bà Đặng Thị Xay cho hay, trong đợt đập heo vào dịp 8/3 vừa qua, tôi tiết kiệm được 3 triệu đồng, nhưng không đủ tiền để xây thêm chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi gà, nên tôi mượn thêm chị em 9 triệu đồng. Mọi người ai cũng đã nhiệt tình giúp đỡ tôi. Từ số tiền này, tôi sẽ đầu tư chăn nuôi và tiết kiệm tiền "nuôi heo đất" để sớm trả lại cho chị em.
Thời gian qua, nhờ mô hình nuôi heo đất mà nhiều hội viên, phụ nữ có vốn để phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo. Với 11 tổ phụ nữ thực hiện mô hình, mỗi tổ đều có từ 4 - 5 chị mượn tiền để phát triển kinh tế.
“Số tiền các chị em mượn thường dao động từ 8 - 15 triệu đồng mỗi người, để mua vật nuôi, cây giống... Các chị em luôn có trách nhiệm, ý thức trả nợ. Mô hình này không chỉ thắt chặt thêm tình cảm chị em ở địa phương, mà còn tạo động lực để phụ nữ thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu”, bà Nga chia sẻ.
Bài, ảnh:
H.THU