Lao động về quê lập nghiệp: Được vay vốn ưu đãi

09:16, 17/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm qua khiến hàng nghìn người dân Quảng Ngãi đang làm ăn, sinh sống tại các tỉnh, thành phố phía nam trở về quê. Trong đó, có rất nhiều người quyết định ở lại quê hương để lập nghiệp. Trước thực tế này, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã kịp thời giải ngân nguồn vốn vay giải quyết việc làm, tạo sinh kế, giúp người dân an tâm lập nghiệp tại quê nhà.
[links()]
 
Trợ lực kịp thời
 
Để có tiền cho con ăn học, cách đây 6 năm, vợ chồng bà Tạ Thị Chi, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) rời quê hương vào TP.Hồ Chí Minh làm nghề mua ve chai và bán vé số. Dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng bà Chi thất nghiệp, lại thường xuyên đau ốm, số tiền tích góp được cũng hết nên đã trở về quê. Do lớn tuổi, vợ chồng bà Chi không thể xin làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh, còn nếu đầu tư chăn nuôi thì thiếu vốn.
 
Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng, bà Tạ Thị Chi, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), đã đầu tư nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng, bà Tạ Thị Chi, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), đã đầu tư nuôi heo, phát triển kinh tế gia đình.
Trong lúc loay hoay tìm nguồn vốn, bà Chi biết được chính sách cho vay, tạo việc làm cho lao động ở các tỉnh, thành phố về quê lập nghiệp nên đã làm hồ sơ xin vay. Được sự hướng dẫn của tổ vay vốn và cán bộ Ngân hàng CSXH, bà Chi đã sớm được giải ngân 50 triệu đồng để xây chuồng trại, mua con giống chăn nuôi.
 
Bà Chi chia sẻ, thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên tôi quyết định ở nhà xây chuồng trại nuôi heo và làm ruộng, chứ không đi làm ăn xa nữa. Nhờ Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng, gia đình tôi mới có điều kiện đầu tư làm ăn, phát triển đàn heo để tạo thu nhập...  
 
Tương tự, bà Huỳnh Thị Thúy, ở thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận cũng đi làm ăn ở tỉnh Bình Dương, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trở về địa phương. Bà Thúy vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu. “Lâu nay, công việc làm ăn ở xa quê của tôi hết sức vất vả. Khi trở về quê, tôi cũng gặp nhiều  khó khăn do thiếu nguồn vốn và tư liệu sản xuất. May mắn là, tôi đã được các cấp chính quyền và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi. Từ nguồn vốn này, tôi đã xây dựng kế hoạch dài hơi cho việc đầu tư trồng cỏ, chăn nuôi trâu, phát triển kinh tế gia đình”, bà Thúy bày tỏ.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân hơn 63,8 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 1.441 khách hàng. Tổng dư nợ đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm đến ngày 14/3 đạt gần 456,7 tỷ đồng, với hơn 11,9 nghìn khách hàng còn dư nợ. 

Đẩy mạnh cho vay ưu đãi

 
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha cho biết, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã ưu tiên cho người lao động về quê được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng). Đối với chương trình này, mỗi người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng. Theo đó, doanh số cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện từ đầu năm 2022 đến nay đạt hơn 3,6 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 68 lao động có việc làm ổn định, nâng tổng dư nợ của chương trình này lên gần 40,8 tỷ đồng, với 882 hộ còn dư nợ.
 
Phần lớn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải về quê lập nghiệp đều ở các vùng nông thôn, miền núi. Vậy nên, khi trở về quê họ nhanh chóng hòa nhịp lại với nghề nông mà trước đây đã từng gắn bó. Một khi được tiếp sức bằng nguồn vốn ưu đãi sẽ tạo thuận lợi để họ vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
 
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Thị Thùy Linh, với phương châm "trao cần câu hơn cho con cá", Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân kịp thời nguồn vốn cho người lao động trở về Quảng Ngãi. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể rà soát, tạo điều kiện để những lao động mất việc về quê lập nghiệp được tiếp cận nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.