Những dự án triển vọng

10:02, 21/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2023, Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5 do Sở KH&CN phát động nhận được 43 hồ sơ dự thi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức đã tổ chức vòng sơ loại, vòng bán kết của cuộc thi và chọn ra 10 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết. Đây là những ý tưởng, dự án có triển vọng phát triển trong tương lai.

Nước súc miệng từ quả cau

Ý tưởng “Sản xuất nước súc miệng từ quả cau” của Hợp tác xã (HTX) Hương Cau Việt đã được đánh giá cao tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ 5. Sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập khá. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo uy tín cho người tiêu dùng, HTX đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, tiến hành test mẫu và nộp hồ sơ bằng sáng chế. Doanh thu của HTX đạt 85 triệu đồng vào quý III/2023 và 113 triệu đồng vào quý IV/2023.

Sản phẩm nước xúc miệng từ quả cau của Hợp tác xã Hương Cau Việt.
Sản phẩm nước xúc miệng từ quả cau của Hợp tác xã Hương Cau Việt.

Anh Lê Hồng Chuyên, tác giả của ý tưởng này cho biết, sản phẩm có nhiều công dụng từ chăm sóc, ngăn ngừa, phòng trị các bệnh về răng lợi. Sản phẩm có thành phần tự nhiên, có tác dụng tích cực trong thời gian ngắn, hiệu quả nhanh (3 - 7 ngày). Hiện tại, sản phẩm đang ở giai đoạn thử nghiệm, sản xuất thủ công và đang từng bước hoàn thiện. Bên cạnh đó, HTX đang nghiên cứu sản phẩm dùng cho hệ vi sinh dành cho động vật và sản phẩm chống sâu rầy trong nông nghiệp đều được chiết xuất từ quả cau.

Phát triển sản phẩm mật mía

Dự án “Mật mía Miền Xanh” của hộ kinh doanh Miền Trung Xanh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Nắm bắt được xu hướng người tiêu dùng muốn thay thế việc sử dụng đường tinh luyện bằng mật mía, dùng sản phẩm làm quà tặng đặc trưng của Quảng Ngãi, hộ kinh doanh Miền Trung Xanh sản xuất sản phẩm mật mía. Quy trình sản xuất mật mía gồm 5 công đoạn: Phân loại mía, bào vỏ mía, ép nước mía, chưng cất nước mía, lóng mật. Doanh thu từ sản phẩm mật mía của cơ sở đạt 200 triệu đồng vào năm 2021, 400 triệu đồng (năm 2022) và 900 triệu đồng (năm 2023). Trong những năm tới, cơ sở tiếp tục phát triển sản xuất, mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó, sẽ tập trung vào 2 thành phố lớn là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội; đồng thời hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm mật mía đóng chai tại cơ sở sản xuất Miền Trung Xanh.
Sản phẩm mật mía đóng chai tại cơ sở sản xuất Miền Trung Xanh.

Chủ cơ sở Mật mía Miền Trung Xanh Đoàn Đức Uy chia sẻ, năm 2023, quy mô sản xuất của cơ sở là 2ha với sản lượng 20 nghìn lít mật mía. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2024, cơ sở tăng sản lượng lên 40 nghìn lít. Chúng tôi liên kết với người dân ở 2 xã Nghĩa Thuận và  Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu mía, với diện tích 5ha,  để cung cấp nguồn nguyên liệu mía sạch cho cơ sở. Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác với cơ sở Mộc Farm tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) phát triển thêm 2 sản phẩm mới là mật mía hà thủ ô và mật mía atiso. Hiện nay, chúng tôi đã có hơn 40 đại lý và sản phẩm có mặt tại 15 tỉnh, thành phố. Cơ sở đã ký kết với HTX Bà Ba Hội đưa mật mía làm nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Sản xuất tinh dầu quả hường

Dự án “Tinh dầu quả hường - “Lộc rừng” đất Quảng” của nhóm tác giả Trần Lê Thiên Thư, Lê Vũ Hà, Phan Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Huy Hoàng cũng lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh. Với mong muốn tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tránh lãng phí nguồn nguyên liệu tự nhiên của địa phương, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra sản phẩm tinh dầu và các sản phẩm liên quan đến tinh dầu quả hường. Sản phẩm tinh dầu quả hường có giá thành tương đương các sản phẩm cùng loại trên thị trường, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Theo chị Trần Lê Thiên Thư, đại diện nhóm tác giả thực hiện dự án, hường là loại cây mọc tự nhiên trong rừng dọc theo các triền núi ở xã Trà Thanh (Trà Bồng). Quả hường có kích cỡ, hình dáng như quả cam ở đồng bằng nhưng phần vỏ dày hơn. Quả hường lúc còn sống có màu xanh, đến khi chín chuyển sang màu vàng ươm. Hường có mùi thơm, vị chua, ngọt nhẹ và thanh. Sản phẩm tinh dầu quả hường được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước để tách tinh dầu từ vỏ quả hường. Thành phần hóa học limonene trong tinh dầu quả hường chiết xuất được gần 80% có tác dụng chống say tàu xe; tăng cường miễn dịch; chống nấm, kháng khuẩn; hạ huyết áp, an thần; giảm lo lắng, căng thẳng.

Nhóm tác giả đã nghiên cứu cho ra các dòng sản phẩm như xịt sát khuẩn; Gel tắm gội 2 trong 1; Lotion; Gel rửa tay khô; dầu xả... Sản phẩm có ưu điểm như chiết xuất từ tự nhiên, có mùi đặc trưng, an toàn cho sức khỏe, phù hợp với các đối tượng khách hàng như người bị chứng mất ngủ, hay căng thẳng; người bị lang ben, viêm da tiết bã, viêm da cơ địa, viêm nang lông; người yêu thích hương liệu tự nhiên...

Bà Mentor Jenny Nguyễn - Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ, Trưởng làng AI Techfest, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ khởi nghiệp cho biết, trong số các ý tưởng, dự án có triển vọng được Ban tổ chức cuộc thi chọn vào vòng chung kết lần này có ý tưởng, dự án đã có sản phẩm cụ thể được đưa vào kinh doanh, cho dù quy mô nhỏ nhưng là điểm sáng có thể bồi đắp để ươm mầm cho tương lai. Qua cuộc thi, các ý tưởng, dự án sẽ được hỗ trợ về truyền thông, marketing, xây dựng hoàn thiện mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Đặc biệt, các ý tưởng, dự án sẽ được Sở KH&CN hỗ trợ trong các hoạt động đào tạo, huấn luyện; quảng bá sản phẩm, giới thiệu đến các đối tác tiềm năng. Đồng thời, đồng hành trong việc kinh doanh để tạo ra các sản phẩm có tính mới, sáng tạo, xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:02, 21/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.