(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT, nhằm giúp học sinh (HS) phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ.
Đa dạng hoạt động tuyên truyền
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học để cả giáo viên (GV) và HS nhận thức đúng, có hành vi đẹp, ứng xử lành mạnh. Em Lê Thanh Hà, HS lớp 7B, Trường THCS thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) chia sẻ, em được tham dự nhiều buổi tuyên truyền do nhà trường tổ chức, bằng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện phong trào “Xây dựng trường thân thiện, học sinh tích cực”. Ngoài ra, từ cổng trường vào bên trong sân trường và mỗi lớp học đều có nhiều bảng khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu nhằm xây dựng văn hóa học đường. Qua đó, giúp chúng em nhận thức đúng và có hành động đẹp trong ứng xử.
Giáo viên Trường Tiểu học Phổ Cường (TX.Đức Phổ) tư vấn tâm lý học đường cho học sinh. |
Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu chung là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. |
Các trường đã đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử học đường thông qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu; lồng ghép vào các hoạt động trải nghiệm, hoạt động dưới cờ... Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam cho biết, ngành giáo dục địa phương luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử học đường. Các trường tổ chức tuyên truyền, trang bị kỹ năng ứng xử cho HS bằng nhiều hình thức. Điển hình tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) có thư viện nhà sàn - nơi HS vừa đọc sách, vừa tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các trường, lớp học có góc địa phương được trang trí bởi các vật dụng thường ngày, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê... để góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, thông qua các câu chuyện, bài học, GV lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử cho HS. Văn hóa ứng xử giữa GV với GV, giữa GV với HS luôn được chú trọng, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, văn minh.
Trong mối quan hệ giữa HS với HS đôi lúc xảy ra mâu thuẫn và các em biết cách giải quyết để giữ được tình bạn nhờ các kỹ năng được trang bị. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mâu thuẫn cần sự hỗ trợ của GV, nhất là của thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường. Trường THCS thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã thành lập đội tuyên truyền viên, do HS đảm nhiệm; đồng thời GV là tư vấn viên thông qua Tổ tư vấn tâm lý học đường. Các thầy, cô giáo đưa ra những định hướng để HS giải quyết vấn đề tốt hơn. Em Đặng Vũ Minh Thư, lớp 9C, Trường THCS thị trấn Châu Ổ chia sẻ, em từng gặp áp lực trong học tập và tâm sinh lý lứa tuổi. Em đã chia sẻ với GV là thành viên của Tổ tư vấn tâm lý học đường và được nghe lời tư vấn, giúp em tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Cô giáo Phạm Thị Ngân Vương, dạy môn Âm nhạc, Trường THCS thị trấn Châu Ổ, thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường cho rằng, GV là tấm gương cho HS noi theo. Vì vậy, trong mối quan hệ giữa GV với HS đòi hỏi mỗi GV phải là người có thái độ hòa nhã, biết sẻ chia và thấu cảm. Giáo viên phải là một người bạn luôn đồng hành để HS tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ những vấn đề gặp phải.
Để có hành động đẹp
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tâm cho biết, chủ trương của Bộ GD&ĐT là xây dựng trường học thân thiện, dân chủ, văn minh. Vì vậy, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường. Từ bộ quy tắc chung, mỗi trường xây dựng quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời xây dựng mô hình điểm quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng xã hội. Đến nay, có 15 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT có các mô hình, câu lạc bộ, diễn đàn thanh niên... Mục tiêu là làm thế nào để tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, GV, HS có cách ứng xử trong trường học phù hợp, tạo môi trường giáo dục lành mạnh.
Học sinh Trường Tiểu học Phổ Cường (TX.Đức Phổ) tìm hiểu "Nội quy lớp học" nhằm góp phần xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. |
Tại Trường Tiểu học Phổ Cường (TX.Đức Phổ), cô và trò đã trang trí bảng "Nội quy lớp học" sinh động với những cụm từ dễ hiểu như: Trung thực, thật thà; nhận lỗi và sửa lỗi; lễ phép, kính trọng; tôn trọng; đoàn kết, giúp đỡ; đi học đúng giờ... “Nội quy lớp học dễ hiểu, dễ nhớ và thực hành theo. Qua cụm từ “Lễ phép, kính trọng”, luôn nhắc nhở em phải biết lễ phép, kính trọng và chào hỏi thầy, cô giáo, người lớn tuổi”, em Võ Thị Linh Chi, lớp 3A, Trường Tiểu học Phổ Cường chia sẻ. Ngoài ra, trong giờ học, GV lồng ghép để giải thích, hướng dẫn để HS hiểu. Từ đó, các em có những hành động tốt đẹp dù là nhỏ nhất.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phổ Cường Phạm Thị Mai cho biết, nhà trường chú trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường nhằm giúp cán bộ quản lý, GV, HS có suy nghĩ, tình cảm và hành động tốt đẹp. Từ đó, xây dựng trường học hạnh phúc; xây dựng các mối quan hệ thân thiện, tiến tới giáo dục thực chất.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: