Nạng đa năng hỗ trợ người khuyết tật

10:36, 16/10/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Mong muốn có một công cụ, thiết bị hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật chân có thể tự di chuyển, nhóm học sinh Nguyễn Thanh Công và Lê Huỳnh Khánh Chi, Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) đã nghiên cứu, chế tạo “Nạng đa năng”. Đây cũng là giải pháp đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 8 năm 2023.

Thiết bị “Nạng đa năng” do nhóm học sinh trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) phát triển.
Thiết bị “Nạng đa năng” do nhóm học sinh trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) chế tạo.

Chia sẻ về ý tưởng của dự án, em Nguyễn Thanh Công cho biết, chứng kiến nhiều người khuyết tật chân, người đang điều trị phục hồi chức năng chân, người lớn tuổi… gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, đi lại ở những nơi công cộng như trạm xe buýt, khi đợi ở ga tàu, xe, chúng em đã nảy ra ý tưởng chế tạo một thiết bị nhằm hỗ trợ người khuyết tật về chân vận động hằng ngày dễ dàng hơn.

Triển khai thực hiện ý tưởng của mình từ tháng 9/2022, hai em đã tìm hiểu và thấy rằng, những cây nạng thông thường ngoài thị trường chỉ hỗ trợ về việc đi lại tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định, chưa hỗ trợ việc đi lại vào ban đêm ở những nơi không có ánh sáng hay di chuyển lâu ở những nơi không có chỗ ngồi nghỉ ngơi.

Xuất phát từ thực tế đó, 2 em Nguyễn Thanh Công và Lê Huỳnh Khánh Chi đã nghiên cứu, chia sẻ ý tưởng và nhận được sự ủng hộ, hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Diệu Hiền, từ đó cho ra đời sản phẩm “Nạng đa năng” với nhiều tính năng nổi bật như chống trượt bằng các đế cao su, có ghế ngồi tiện dụng, có còi báo động hay hệ thống đèn tự động khi di chuyển vào chỗ tối…

Em Lê Huỳnh Khánh Chi chia sẻ, qua khảo sát, chúng em nhận thấy các sản phẩm tương tự trên thị trường hiện đang có giá thành khoảng 100 nghìn đồng trở lên tùy theo mẫu mã và chất liệu. Từ đó, chúng em đã mong muốn tạo ra sản phẩm giá bình dân nhưng thiết thực cho người sử dụng, chi phí sản phẩm “Nạng đa năng” của chúng em chỉ khoảng 60 - 65 nghìn đồng vì đa số được tận dụng từ những vật dụng có sẵn trong gia đình. 

Sản phẩm chỉ sử dụng một số thiết bị đơn giản như còi báo, hệ thống cảm biến ánh sáng, gỗ, ống kim loại, sơn… Theo đó, các hệ thống cảm biến ánh sáng, còi báo động sẽ được gắn lên thân nạng, gỗ làm mặt ghế và tay nách nạng giúp người sử dụng dễ dàng, linh hoạt.

Nói về những khó khăn trong quá trình làm sản phẩm, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết, để ra được một thiết bị hoàn chỉnh, các em gặp rất nhiều khó khăn như phải cân đối thời gian học tập và nghiên cứu; đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình thực hiện… Song, nhờ sự đam mê, sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, nhà trường cùng với sự tư vấn hỗ trợ của các thầy, cô giáo, sau hơn 3 tháng nghiên cứu và thực hiện, “Nạng đa năng” của hai em đã đạt được những thành công bước đầu, góp phần giúp những người bệnh di chuyển dễ dàng, thoải mái hơn.

Thiết bị “Nạng đa năng” được đưa vào trải nghiệm thực tế.
Thiết bị “Nạng đa năng” được đưa vào trải nghiệm thực tế.

Đánh giá về sản phẩm sau khi được trải nghiệm thực tế, anh Phi Văn Quý, thôn 4, xã Đức Nhuận cho biết, với một người bị khuyết tật như tôi khi được trải nghiệm sản phẩm cảm thấy vô cùng tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày. Hy vọng sản phẩm sẽ sớm được triển khai, bày bán rộng rãi trên thị trường để những người khuyết tật như tôi có cơ hội được tiếp cận và di chuyển dễ dàng hơn.

Trở về sau cuộc thi, các em tiếp tục việc học tập và theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Trao đổi về mục tiêu trong thời gian tới, các em mong muốn sẽ phát triển, cải tiến, thay đổi thêm một số tính năng mới như sử dụng vật liệu nhẹ hơn hay thiết bị cảm biến sẽ nhận biết tín hiệu và tác động khi bệnh nhân bị té, ngã và thông báo đến người thân kịp thời.


Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 10:36, 16/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.