Tư vấn tâm lý học đường: Chưa được quan tâm đúng mức

03:06, 06/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực học đường, nghiệm games, mắc các bệnh lý về rối loạn tâm thần... trong học sinh (HS) là những thực trạng đáng báo động. Từ đó cho thấy, vai trò của giáo dục, tư vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) ngày càng quan trọng đối với các cơ sở giáo dục hiện nay.
 
[links()]
 
Nhiều nơi chưa có giáo viên tư vấn tâm lý
 
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có thông tư "hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”. Trong đó, yêu cầu các trường bố trí phòng tư vấn riêng và trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ TVTLHĐ. Đồng thời, thông tư cũng chỉ dẫn các hình thức thực hiện công tác tư vấn tâm lý... Tuy nhiên, hiện nay hoạt động TVTLHĐ ở các trường còn bỏ ngỏ.
 
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) tham gia sinh hoạt ngoại khóa cùng chuyên gia tâm lý.  ẢNH: N.NGỌC
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) tham gia sinh hoạt ngoại khóa cùng chuyên gia tâm lý. ẢNH: N.NGỌC
Theo Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hưng, ngoài học văn hóa, HS cần phải được hỗ trợ tâm lý để vượt qua những áp lực, những vướng mắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện công tác này tại các trường ở TP.Quảng Ngãi còn thiếu và yếu. Một số trường có bố trí phòng TVTLHĐ, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Thời gian đến, ngành GD&ĐT thành phố sẽ tổ chức các khóa tập huấn TVTLHĐ để giúp cán bộ, giáo viên triển khai tại đơn vị được tốt hơn. 
 
Thời gian qua, ngành GD&ĐT chỉ chú trọng đến việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giáo viên phục vụ cho các bộ môn văn hóa là chính, còn TVTLHĐ chưa được quan tâm đúng mức.
 
Tiến sĩ tâm lý Ngô Kim Ngọc - Giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, hiện nay nhiều HS gặp áp lực học tập và những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình thầy trò; tâm lý tuổi mới lớn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, quản lý cảm xúc, kỹ năng sống... Hơn nữa, có nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý mà HS phải đối diện ở giai đoạn hậu Covid-19 cũng chưa được hỗ trợ kịp thời.
 
Bác sĩ Đặng Trong - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, trường hợp thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần có chiều hướng gia tăng, chiếm hơn 10% trong tổng số bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân tâm thần cũng ngày càng trẻ hóa. Trong đó, lứa tuổi từ 10 - 19 tuổi hay gặp các vấn đề liên quan đến tình dục, rối loạn hành vi, dẫn đến gây rối, chống đối, đánh nhau, trộm cắp, nghiện games...
 
Học sinh cần được hỗ trợ
 
Xác định vai trò quan trọng của việc TVTLHĐ cho HS, mới đây, Hội LHPN huyện Mộ Đức đã tổ chức "Diễn đàn truyền thông tư vấn tâm lý" cho HS tại Trường Tiểu học Đức Lợi. Qua diễn đàn, nhiều HS thích thú khi được chia sẻ với chuyên gia tâm lý những tâm tư, nguyện vọng, ước mơ, hoài bão, những áp lực đối với việc học tập, mối quan hệ gia đình...
 
Học sinh rất cần được tư vấn tâm lý.                                                        Ảnh: Kim Ngân
Học sinh rất cần được tư vấn tâm lý. Ảnh: Kim Ngân
Chủ tịch Hội LHPN huyện Mộ Đức Huỳnh Thị Thùy Trang cho hay, hằng năm, Hội LHPN huyện thường phối hợp với một số trường để triển khai hoạt động TVTLHĐ, để giúp HS trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trước những ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó có kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, tự bảo vệ, tự chăm sóc bản thân, bạo lực học đường, ảnh hưởng của mạng xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em...
 
Thành đoàn TP.Quảng Ngãi cũng vừa tổ chức hoạt động ngoại khoá TVTLHĐ với chủ đề "Tình yêu - tình bạn tuổi học trò" cho hàng trăm HS của Trường THCS Lê Hồng Phong. Còn Trường THPT Chuyên Lê Khiết cũng thường xuyên mời chuyên gia tâm lý về trường nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng tình bạn đẹp... Hoạt động này giúp HS của trường chia sẻ những áp lực để các em tự tin hơn trong giao tiếp, học tập, thi cử, xây dựng các mối quan hệ trong sáng, lành mạnh...
 
Tiến sĩ tâm lý Ngô Thị Kim Ngọc nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác TVTLHĐ, trước hết các gia đình phải nâng cao trách nhiệm, thực sự là “tổ ấm” đầu đời và suốt đời, nuôi dưỡng mầm thiện nhân cách và định hướng phát triển cho các em. Mỗi trường cần thành lập phòng TVTLHĐ; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ cho những người thực hiện công việc TVTLHĐ. Đồng thời, thường xuyên triển khai các hoạt động ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề để HS có cơ hội giãi bày những áp lực của bản thân...
 
KIM NGÂN
 
 
 
 

.