Chú trọng chất lượng
Chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT”. Bám sát kế hoạch, chủ đề, năm học của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm học. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương, nhiệm vụ trước tiên là thực hiện thành công chủ đề năm học.
Học sinh Trường THPT số 2 Tư Nghĩa trong giờ chào cờ. |
Để làm được điều này, ngành GD&ĐT chú trọng đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), con người và môi trường giáo dục. Tiếp đến là thực hiện chương trình bồi dưỡng nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 262 phòng học được xây dựng và nâng cấp, sửa chữa mới; 83 phòng học bộ môn, thư viện được xây mới phục vụ các hoạt động ngoại khóa của học sinh (HS). Tổng kinh phí đầu tư CSVC trong năm học hơn 823 tỷ đồng. Ngoài kinh phí được phân bổ, các trường đã huy động thêm để mua sắm các thiết bị giảng dạy cần thiết theo yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế chính sách; đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học, phát triển nhân lực số. Hiệu trưởng Trường THCS Bình Dương (Bình Sơn) Hường Vĩnh Nhân cho biết, trường thực hiện quản lý, quản trị thông qua các phần mềm. Hơn nữa, GV đã áp dụng các phần mềm trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá HS bước đầu đem lại những hiệu quả đáng khích lệ.
Nỗ lực vượt khó
Đây là năm thứ 4, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện Chương trình GDPTM. Đến nay, các trường vẫn song song thực hiện cả hai chương trình đó là Chương trình GDPT 2006 (hay còn gọi Chương trình GDPT hiện hành) và Chương trình GDPTM. Đó là thách thức không nhỏ đối với các trường. Song, với quyết tâm vượt qua khó khăn, các trường đã đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn cho giáo viên, CSVC nhằm triển khai cả hai chương trình một cách hiệu quả nhất. Mục tiêu là giáo dục, phát huy năng lực cá nhân của HS. Chuyển vai trò của GV từ chủ thể truyền thụ kiến thức là chính sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho HS. Để làm được điều này, GV phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để thu hút HS.
Giờ học thực hành của học sinh Trường Tiểu học Phổ Cường (TX.Đức Phổ). |
Theo các nhà giáo, Chương trình GDPTM là áp lực nhưng cũng là động lực để thầy và trò cố gắng nhiều hơn nữa, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Mỗi GV phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các trường có sự đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học chu đáo. Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn) Lê Thị Kim Bông chia sẻ, đây là năm thứ 2 trường thực hiện Chương trình GDPTM. Năm nay, tài liệu, sách giáo khoa cả bản giấy và bản PDF được cập nhật sớm hơn. Vì vậy, tổ chuyên môn và GV chủ động hơn trong việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sớm, thuận lợi trong việc giảng dạy nên chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
Còn Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) Trần Quốc Bảo cho rằng, để đổi mới thành công, ngoài việc trang bị các kiến thức kỹ năng cho HS, trường còn đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT. Trường phấn đấu đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức 3 và trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm học 2023 - 2024.
Khí thế của một năm học với những dấu ấn quan trọng cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, sự nỗ lực của thầy và trò, ngành GD&ĐT kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành tích cao, nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: