Trường THPT Lê Quý Đôn: Ba mươi năm xây dựng và phát triển

08:58, 06/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) đã gặt hái nhiều thành quả đáng tự hào.

Đi lên từ gian khó

Trường THPT Lê Quý Đôn thành lập ngày 13/9/1993. Từ khi thành lập đến nay, do chức năng, nhiệm vụ và quy mô phát triển, trường đã một lần di chuyển địa điểm và 3 lần đổi tên. Từ năm học 2011 - 2012 đến nay, trường chính thức mang tên Trường THPT Lê Quý Đôn.

Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) được đầu tư cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Ảnh: Trịnh Phương
Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) được đầu tư cơ sở vật chất ngày càng khang trang. Ảnh: Trịnh Phương

Năm học đầu tiên (1993 - 1994) sau ngày thành lập, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn gặp nhiều khó khăn vì phòng học, trang thiết bị chưa đảm bảo phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Lúc đó, trường chỉ có 8 cán bộ, giáo viên và 120 học sinh (HS) học chung với Trường THPT Bình Sơn. Để xây dựng đội ngũ quản lý cho nhà trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện Bình Sơn đã vận động thầy giáo Trịnh Phú Hạnh (Phó Chủ nhiệm Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi- nay là Trường Đại học Phạm Văn Đồng) về làm phó hiệu trưởng và tạm thời cử thầy Bùi Trọng Khanh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn) phụ trách trường. Sau đó, thầy Khanh làm hiệu trưởng nhà trường. 

Từ năm học 1994 - 1995, để có đội ngũ giáo viên (GV) nòng cốt, Ban Giám hiệu Trường THPT Bình Sơn đã cử 4 GV sang Trường THPT Lê Quý Đôn giảng dạy. Từ đây, số GV tuyển dụng và thuyên chuyển về trường ngày càng nhiều và cùng đồng tâm dạy dỗ lớp lớp học trò trưởng thành. Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Lê Quý Đôn đã có 33 lớp, với gần 1.300 HS. Đến nay, nhà trường đã đào tạo hơn 10,5 nghìn HS phổ thông và 254 học viên học bổ túc đã tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm luôn bằng hoặc cao hơn tỷ lệ chung của cả tỉnh. Số HS đậu đại học, cao đẳng mỗi năm tăng dần và luôn đạt trên 70% số HS dự tuyển.

Song song với việc phát triển đội ngũ cán bộ, GV, nhà trường luôn tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học. Hiện Trường THPT Lê Quý Đôn có khu nhà hiệu bộ, nhà đa năng, 34 phòng học, 5 phòng chức năng, thư viện... đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý, giảng dạy và hoạt động trải nghiệm thực hành của HS.

Với sự nỗ lực, phấn đấu của thầy và trò, năm 2017, Trường THPT Lê Quý Đôn được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2021 - 2026. 

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Lê Chấn Thi, từ ngôi nhà chung này, nhiều thế hệ HS đã học lên cao hơn và thành đạt trong cuộc sống. Nhiều em là doanh nhân, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội, công an, cán bộ quản lý... đang làm việc, công tác trên mọi miền đất nước. Đó là nỗ lực và thành quả của thầy và trò nhà trường trong suốt 30 năm qua. Trong đó, nhà trường ghi nhận và tri ân thầy giáo Bùi Trọng Khanh - Hiệu trưởng đầu tiên của trường đã chèo lái đơn vị trong thời điểm khó khăn nhất. Các thầy Trịnh Phú Hạnh, Ngô Quang Vinh đã góp phần tạo nên môi trường giáo dục thân thiện với trường lớp khang trang...

 
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Lê Chấn Thi (ảnh) cho biết, hiện trường có 86 cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, 11 người có trình độ thạc sĩ, 35 người đạt chuẩn giáo viên THPT hạng II. Trong 30 năm qua, nhà trường có một giáo viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 4 giáo viên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 11 cán bộ, giáo viên đạt danh hiện chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng Bằng khen...

 

Quả ngọt từ hành trình “trồng người”

Phát huy những thành quả đạt được, năm học 2023 - 2024, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới, góp phần cùng cả tỉnh nâng cao chất lượng giáo dục. Để đạt mục tiêu trên, thầy và trò nhà trường đang phấn đấu đổi mới toàn diện. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS...

Cô giáo Ngô Thị Phương Yên, dạy môn Sinh học, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ, tôi từng công tác trong môi trường giáo dục tại TP.Hồ Chí Minh, học hỏi được nhiều điều, nên có những thuận lợi trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. “Tôi chủ động cập nhật kiến thức mới, hỗ trợ HS về lĩnh vực công nghệ; đồng thời thiết kế những tiết học sôi nổi, thu hút sự tham gia của HS. Tôi luôn theo sát HS và sẵn sàng lắng nghe, đưa ra lời khuyên để giải quyết những khó khăn mà các em đang gặp phải”, cô Yên bày tỏ.

Môi trường học tập thân thiện, gần gũi đã tạo tâm lý thoải mái cho HS lĩnh hội tri thức. Em Huỳnh Thị Tường Vi, lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn rất vui và tự hào khi được học tập tại ngôi trường có bề dày truyền thống và môi trường thân thiện. Bạn bè luôn giúp đỡ lẫn nhau, thầy, cô giáo tận tâm với nghề. “Ngay từ khi vào lớp 10, em và các bạn phải học trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch Covd-19. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng học tập của em. Sau đó, GV chủ nhiệm đã kịp thời phát hiện và nhắc nhở, động viên em cố gắng hơn nữa. Nhờ vậy, em đã vươn lên đạt thành tích là HS giỏi năm lớp 11. Em sẽ nỗ lực hơn nữa trong học tập và rèn luyện để thực hiện ước mơ là theo học ngành ngôn ngữ Hàn của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng)”, em Tường Vi thổ lộ.

Đối với thầy, cô giáo thì được chứng kiến nhiều thế hệ HS trưởng thành là niềm hạnh phúc lớn lao. Cô giáo Nguyễn Thị Anh Thư, dạy tiếng Anh cũng đã và đang trải qua cảm xúc như vậy trong 30 năm gắn bó với ngôi trường này. Với cô, niềm vui và tự hào nhất của mình trong những năm tháng đứng trên bục giảng là thấy HS trưởng thành. Nhiều HS “cá biệt” được cô “cảm hóa” và nay trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nhiều học trò nghèo được cô Thư giúp đỡ, đồng hành đã vươn lên trong cuộc sống, trong đó có Đặng Hoàng Duy...

Anh Đặng Hoàng Duy là HS của Trường THPT Lê Quý Đôn, tốt nghiệp THPT năm 2005. Trước đó, gia đình Duy rất khó khăn và chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Đến năm lớp 9, mẹ Duy bị bướu cổ và chuyển sang tâm thần nên phải thường xuyên điều trị. Sau một năm gián đoạn việc học, Duy phải ở nhà để kiếm việc làm và chăm lo cho mẹ. Nếm trải nỗi nhọc nhằn của công việc đồng áng đã thôi thúc Duy tiếp tục học. Duy quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 10 tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Học xong lớp 12, Duy chọn học trung cấp để sớm có việc làm. Sau khi tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật môi trường, Duy vừa đi làm, vừa học liên thông lên cao đẳng và đại học. Năm 2013, Duy bắt đầu khởi nghiệp qua việc thành lập công ty riêng. Sau 10 năm vừa học tập vừa khởi nghiệp, cậu học trò Duy ngày nào giờ đã là Tổng Giám đốc Công ty TNHH DIVACO và vợ anh điều hành Công ty TNHH DGTECH Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Ngoài trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh, công ty của anh Duy còn có chi nhánh tại Bắc Giang và Quảng Ngãi. 

Anh Duy tâm sự, để có được ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực của bản thân trong một quãng thời gian dài. Bên cạnh đó, sự đồng hành, chia sẻ của thầy, cô giáo và người thân đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, thử thách để không ngừng vươn lên...

TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

Xuất bản lúc: 08:58, 06/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.