Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Nhiều bất cập cần tháo gỡ (kỳ 2)

11:27, 26/04/2023
.

Kỳ 2: Nhà trường, học sinh đều gặp khó

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM) đối với khối lớp 10. Theo đó, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh (HS) còn được chọn 4 trong số 9 môn lựa chọn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh một số bất cập.

Khó khăn trong hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp

Hoạt động trải nghiệm đối với bậc tiểu học và trải nghiệm- hướng nghiệp đối với bậc THCS, THPT trong Chương trình GDPTM đã mang đến luồng gió mới trong ngành giáo dục, giúp HS trải nghiệm thực tế thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) Từ Văn Đông, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho HS. Thông qua hoạt động này, HS được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất,  năng lực để thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai.

Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn tham gia hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.       Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn tham gia hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.       Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Trong giờ học hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp với chủ đề “Khám phá bản thân” của khối lớp 10, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi), HS được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận. Giờ học cuốn hút HS khi các em được trình bày quan điểm của mình. Em Nguyễn Yến Vy, lớp 10A2, Trường THPT Trần Quốc Tuấn chia sẻ, tham gia hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp giúp em biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân, nhận diện được khả năng điều chỉnh tư duy theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, để tổ chức một buổi hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp hiệu quả, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giáo viên. Theo Chương trình GDPTM, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp có tổng thời lượng 105 tiết/năm, tương đương 3 tiết/tuần, với 11 chủ đề. Mỗi chủ đề thực hiện từ 3 - 4 tuần với 3 loại hình cơ bản là hoạt động giáo dục theo chủ đề, sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp. 

 

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các tiết chào cờ, sinh hoạt sẽ thực hiện hằng tuần. Giáo dục theo chủ đề có thể gộp lại tổ chức một hoạt động quy mô theo khối hoặc toàn trường. Mỗi tháng có thể tổ chức một buổi trải nghiệm theo các chủ đề nhất định. Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng Nguyễn Công Hòa cho rằng, việc bố trí hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp vào khung thời gian dạy không hợp lý nên khi triển khai lồng ghép vào các tiết chào cờ, sinh hoạt lớp không phù hợp vì không đủ thời lượng. Hơn nữa, việc triển khai dưới cờ cho nhiều lớp, nhiều khối trong cùng một thời điểm cũng không phù hợp. Đây là hoạt động mới mẻ lại không có giáo viên chuyên môn sâu nên chưa có sự đồng bộ giữa các trường.

Tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn, hoạt động giáo dục theo chủ đề được nhà trường gộp tổ chức mỗi tháng một lần cho HS toàn khối 10, dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện. “Học sinh được trải nghiệm, học hỏi thông qua hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Song, việc tổ chức cùng lúc cho gần 650 HS của khối lớp 10 là một thách thức lớn đối với giáo viên”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Cao Thị Thanh Hà cho hay.

Trải nghiệm - hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, nhưng do chưa có giáo viên chuyên môn nên các trường phân công giáo viên các bộ môn khác đảm nhận. Trường THPT Trần Quốc Tuấn phân công 2 giáo viên cùng đảm nhận một chủ đề. Cô giáo Vũ Bảo Thoa, dạy môn tiếng Anh, là một trong 2 giáo viên được trường phân công dạy chủ đề “Khám phá bản thân”. “Hai giáo viên tự nghiên cứu, thảo luận để thiết kế giáo án thích hợp. 

Ngoài việc dạy những kiến thức phù hợp, giáo viên còn phải có kỹ năng thu hút sự quan tâm của HS”, cô Thoa chia sẻ. Các giáo viên gặp khó ở hình thức tổ chức, vì đây là năm đầu tiên dạy hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, lại tổ chức theo hình thức tập trung đông HS. Trong quá trình thực hiện, ngoài giáo viên chính, nhà trường còn phân công đội ngũ hỗ trợ về âm thanh, ánh sáng và nhiều khâu khác để đảm bảo chất lượng giảng dạy của từng chủ đề. Các trường khó khăn trong việc đánh giá HS vì hoạt động được tổ chức tập thể. Việc đánh giá khó tránh khỏi theo cảm tính, khó đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Chưa đáp ứng nguyện vọng của học sinh

Theo Chương trình GDPTM, HS từ lớp 10 sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, được chọn 4 trong số 9 môn tự chọn. Các trường dựa trên điều kiện thực tế để xây dựng tổ hợp môn tự chọn. Phần lớn các trường xây dựng từ 3 - 6 tổ hợp môn học tự chọn. Trường THPT Bình Sơn đã xây dựng 5 tổ hợp để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa bảo đảm phù hợp với thực tế số lượng giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường. Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn Phạm Thạch Sinh cho biết, việc đưa ra các tổ hợp dựa trên các nguyên tắc đảm bảo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cân bằng giữa các môn học trong các tổ hợp, định hướng nghề nghiệp cho HS. Một tổ hợp như vậy các em có thể linh hoạt dùng nhiều tổ hợp bộ môn khi xét tuyển đại học cũng như tính logic giữa các môn học...

Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tham gia hoạt động trải nghiệm tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ. 
ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG.
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tham gia hoạt động trải nghiệm tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ.  ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG.

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành có 366 HS khối 10, chia thành 9 lớp, với 5 tổ hợp môn. Trường đã tham khảo cách thức xét tuyển và các tổ hợp môn thi của các trường đại học, cao đẳng, tính logic của các môn học để đưa ra phương án phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Sau đó, trường tư vấn và định hướng cho mỗi HS đăng ký 2 nguyện vọng. Còn Trường THPT Trà Bồng có 335 HS lớp 10, với hơn 50% HS là dân tộc thiểu số, nên nhu cầu lựa chọn các môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn. Vì vậy, nhà trường bố trí xen kẽ các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học vào mỗi tổ hợp môn tự chọn nhằm đảm bảo cân bằng về đội ngũ GV, số lượng tiết học với nhu cầu của HS.

Theo các nhà quản lý giáo dục, việc xây dựng tổ hợp khó đáp ứng tất cả nguyện vọng của HS. Bởi vì, các trường còn phải dựa trên các tiêu chí và tình hình thực tế của đơn vị. Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn Huỳnh Văn Long cho biết, năm học 2022 - 2023, trường không đưa các môn nghệ thuật vào các tổ hợp môn tự chọn vì chưa có giáo viên dạy các môn này. Trong năm học tới, trường sẽ hợp đồng giáo viên dạy môn Mĩ thuật, Âm nhạc bậc THCS đảm bảo điều kiện về bằng cấp. Về lâu dài, ngành giáo dục cần có phương án đầu tư bài bản cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ việc dạy học nhằm đáp ứng quyền được lựa chọn môn học của HS một cách phong phú.

Điều kiện thực tế của mỗi trường khác nhau. Đội ngũ giáo viên đứng lớp các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc chưa được bồi dưỡng chuyên sâu. Việc bố trí khung thời gian cho hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp trong tổng thể chương trình chưa phù hợp... Những yếu tố nói trên dẫn đến việc triển khai Chương trình GDPTM ở nhiều trường còn khó khăn.

 

TRỊNH PHƯƠNG

-----------------

Kỳ cuối: Phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa

 

 TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


Ý kiến bạn đọc


.