(Báo Quảng Ngãi)- Việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM) là nội dung cốt lõi nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh (HS). Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, bên cạnh kết quả tích cực, Chương trình GDPTM vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điều này cần tập trung khắc phục, để đến năm học 2024 - 2025, việc triển khai đối với tất cả các khối lớp bậc tiểu học, THCS và THPT được thuận lợi và đạt mục tiêu đề ra.
Kỳ 1: Chưa đáp ứng yêu cầu Đổi mới toàn diện giáo dục phải được thực hiện đồng bộ 3 trụ cột chính, đó là chương trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Thế nhưng, Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện tốt vấn đề này, dẫn đến khó khăn và lúng túng khi áp dụng đại trà Chương trình GDPTM. |
Cơ sở vật chất chưa đảm bảo
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, những năm qua, Quảng Ngãi đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong giai đoạn 2020 - 2022, UBND tỉnh đã bố trí trên 119 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPTM. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD&ĐT từ nguồn chi thường xuyên giai đoạn 2015 - 2022 là 262 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở GD&ĐT được phân bổ hơn 2,8 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 - 2025) để đầu tư cơ sở vật chất, cùng nhiều nguồn kinh phí khác. Nhờ đó, cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục được tăng cường. Tuy nhiên, nhiều trường ở miền núi vẫn còn thiếu phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; thiếu thiết bị dạy các môn như: Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Tin học ở cấp tiểu học...
Hiện nay, nhiều trường học ở miền núi chưa đảm bảo về cơ sở vật chất. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học và THCS Trà Phú (Trà Bồng) trong giờ học. ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG |
Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, cần đầu tư đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên... thì mới đáp ứng tốt các điều kiện triển khai Chương trình GDPTM. Trên thực tế, đến nay đã gần kết thúc năm học 2022 - 2023 nhưng thiết bị dạy học vẫn chưa có. Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) Lê Ngọc Tuấn cho hay, đầu năm học 2022 - 2023, nhà trường đăng ký mua 12 máy vi tính nhưng đến nay vẫn chưa có. Theo Chương trình GDPTM, Tin học là môn bắt buộc. Muốn dạy Tin học thì phải có thiết bị. Trong khi đó, nhà trường chỉ có 6 máy vi tính dùng chung cho gần 400 HS khối lớp 6 và lớp 7. Ngoài ra, trường còn phải dạy Tin học tự chọn cho HS khối lớp 8 và 9.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long Lữ Công Anh cho biết, để khắc phục khó khăn, trước mắt trường tận dụng thiết bị, đồ dùng dạy học sẵn có, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Bất cập từ quy định bắt buộc mua sắm tập trung đối với ngành giáo dục là điều cần sớm tháo gỡ, để các trường thuận lợi trong triển khai hoạt động dạy và học.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT TX.Đức Phổ Phan Bường, đến nay, 100% cơ sở giáo dục tiểu học và THCS trên địa bàn đã triển khai thực hiện Chương trình GDPTM đúng lộ trình. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa trang bị kịp thời, chưa đầy đủ, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Hiện nay, TX.Đức Phổ có 44 trường học từ bậc mầm non đến THCS và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Theo tính toán, mỗi năm TX.Đức Phổ phải chi 70 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo yêu cầu của Chương trình GDPTM. Trong khi đó, hằng năm, ngân sách địa phương chỉ đảm bảo phân bổ 10 tỷ đồng, nên khó đáp ứng các yêu cầu của Chương trình GDPTM. Bậc tiểu học và THCS ở TX.Đức Phổ hiện còn thiếu 120 phòng học, 50 phòng bộ môn, 54 phòng hiệu bộ, 78 phòng khối phụ trợ, 24 khu thể dục thể thao, 32 khối phục vụ sinh hoạt và 66 hạng mục khác.
Giáo viên còn thiếu
Giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới giáo dục, tuy nhiên nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Hằng năm, việc thi tuyển giáo viên đều được tổ chức nhưng các trường vẫn thiếu giáo viên, gây khó khăn trong triển khai các hoạt động dạy và học... Để giải quyết điều này tại TP.Quảng Ngãi, các trường sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để hợp đồng giáo viên. Song, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ Nguyễn Thị Thắng cho rằng, việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi trả cho giáo viên hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động của nhà trường. Hơn nữa, giáo viên hợp đồng phần lớn mới ra trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, chưa thật sự yên tâm công tác. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của trường.
Việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để hợp đồng giáo viên làm ảnh hưởng đến tổ chức các hoạt động của các trường. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tham gia cuộc thi vẽ tranh. ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG |
Theo TS. Nguyễn Văn Hưng- Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, hiện nay, thành phố có 2.506 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nếu căn cứ Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định số lượng 1,5 giáo viên/lớp đối với bậc tiểu học và 1,9 giáo viên/lớp đối với bậc THCS thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, thì TP.Quảng Ngãi thiếu từ 150 - 200 giáo viên. Nếu áp dụng sĩ số 35 HS/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT, thì thành phố thiếu 300 - 400 giáo viên.
Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Thanh Hùng cho rằng, công tác chuẩn bị và công tác truyền thông chưa tốt dẫn đến quá trình thực hiện Chương trình GDPTM gặp nhiều khó khăn. Để giáo viên chuẩn kiến thức thì cần phải đào tạo, nhưng đào tạo cũng cần có thời gian. Khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, yêu cầu giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có trình độ đại học. Vì thế, trong suốt 3 năm qua, TX.Đức Phổ không tuyển đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019. Riêng năm học 2022 - 2023, TX.Đức Phổ có nhu cầu tuyển dụng 217 giáo viên từ mầm non đến THCS, nhưng địa phương chỉ tuyển được 111 giáo viên. Hiện tại, TX.Đức Phổ đang thiếu trầm trọng giáo viên mầm non và tiểu học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của địa phương.
Còn đối với Ba Tơ, năm 2022, UBND huyện tổ chức thi tuyển 70 giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Song, huyện chỉ tuyển dụng được 38 giáo viên. Trong đợt thi tuyển giáo viên năm học 2022 - 2023, huyện Trà Bồng cũng chỉ tuyển được 79 giáo viên, hiện địa phương còn thiếu khoảng 120 giáo viên. Huyện Bình Sơn đã rà soát nhu cầu tuyển dụng giáo viên năm 2023 của các trường và có nhu cầu tuyển dụng 48 giáo viên mầm non, 84 giáo viên tiểu học và 25 giáo viên THCS...
TRỊNH PHƯƠNG
-----------
Kỳ 2: Nhà trường, học sinh đều gặp khó
TIN, BÀI LIÊN QUAN |