Vùng cao khởi sắc

22:54, 02/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự quan tâm của trung ương và tỉnh, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Quảng Ngãi ngày càng được nâng lên, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền...

Khơi dậy ý chí thoát nghèo    

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Sơn Bua (Sơn Tây), chúng tôi đến thăm cơ ngơi của Trưởng thôn Nước Tang Đinh Văn Nhân (37 tuổi), người dân tộc Ca Dong. Anh Nhân là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo ở địa phương. 

Gia đình anh Đinh Văn Nhân có thu nhập khá từ trồng trọt.
Gia đình anh Đinh Văn Nhân có thu nhập khá từ trồng trọt.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, chứng kiến cuộc sống nghèo khó đeo bám gia đình, nên ngay từ nhỏ anh Nhân luôn khao khát được thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 2010, được sự hỗ trợ của địa phương, anh Nhân đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau 4 năm mưu sinh nơi xứ người, anh tích lũy được số vốn hơn 200 triệu đồng.

“Đi xuất khẩu lao động về, ban đầu tôi định mua đất, xây nhà ở, nhưng nếu thế sẽ không còn vốn làm ăn. Vì vậy, tôi mua 5ha đất rẫy trồng keo, trồng mì... để làm kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho gia đình”, anh Nhân bộc bạch. Sự cần cù, chịu khó của vợ chồng anh Nhân đã giúp gia đình anh gặt hái được quả ngọt, mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Hiện nay, anh Nhân còn mạnh dạn đầu tư trồng vườn bưởi da xanh, với diện tích hơn 1ha. Vườn bưởi đã bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bằng nhiều nỗ lực từ các cấp chính quyền và ý chí vươn lên của người dân, đến cuối năm 2023 đã giảm 3,4% hộ nghèo đồng bào DTTS trong tổng số 35,64% hộ nghèo là đồng bào DTTS . Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 5,73% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Gia đình anh Phạm Văn Tân, ở xã Ba Vinh (Ba Tơ) trước đây là hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm thuê và diện tích vườn rừng trồng keo lấy gỗ. Dù rất muốn thay đổi điều kiện sống của gia đình, nhưng anh Tân lại không tìm được giải pháp. “Trồng cây keo phải 4 - 5 năm mới cho thu hoạch. Trong những năm đó, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm thuê bấp bênh của tôi, phải vay mượn để trang trải cuộc sống. Từ ngày được các cán bộ xã hướng dẫn cách chăn nuôi gà, tôi nuôi gối đầu nên có tiền chi tiêu hằng ngày. Ngoài ra, với 2 con bò thịt tôi được hỗ trợ vay vốn mua vào đầu năm thì cuối năm xuất bán, sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 35 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tiếp tục mở rộng đầu tư vào chăn nuôi. Còn tiền từ bán gỗ keo, gia đình tích góp để dùng khi có việc cần và xây lại nhà”, anh Tân cho biết.

Đầu tư cơ sở hạ tầng 

Không chỉ hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS thoát nghèo, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ ở khu vực miền núi. 

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn (Minh Long) trong tiết học.

Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn (Minh Long) hoàn thành xây mới và đưa vào sử dụng khối nhà hiệu bộ gồm 5 phòng, 2 tầng và 4 phòng ở bán trú được xây dựng trên diện tích gần 500m2, với tổng kinh phí xây dựng trên 8,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngôi trường khang trang, ngập tràn niềm vui, hân hoan, phấn khởi của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn Trương Quốc Đạt chia sẻ, xã Long Môn có địa bàn rộng nên nhiều học sinh rất muốn được ở nội trú. Nhưng do điều kiện nhà trường không đáp ứng được, nên có rất nhiều học sinh nhà ở xa phải vượt đoạn đường dài để có thể đến trường hằng ngày. Vì vậy, sau khi trường được đầu tư thêm phòng bán trú, thầy và trò nhà trường vô cùng phấn khởi. Từ đầu năm học đến nay, đã có 127 học sinh của trường được ở nội trú trong những căn phòng khang trang.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, có 17 công trình, dự án được đầu tư xây dựng nhằm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường học tại các địa phương miền núi. Ngoài ra, còn xây dựng, nâng cấp 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện, 2 công trình chợ. Xây mới, sửa chữa nâng cấp 20 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 44 công trình nước sinh hoạt tập trung, phục vụ cho hơn 2.200 hộ... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU - ÁI KIỀU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:54, 02/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.