(Báo Quảng Ngãi)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thẳng thắn đánh giá thực trạng và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CC, VC).
Cán bộ tư pháp xã Phổ An (TX.Đức Phổ) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. ẢNH: BÁ SƠN |
Vẫn còn tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, cán bộ, đảng viên, CC, VC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phổ biến, quán triệt các văn bản của trung ương nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nói riêng; ban hành Quy định số 1167-QĐ/TU ngày 11/8/2023 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, cán bộ, đảng viên, CC, VC, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, CC, VC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, CC, VC có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, chất lượng tham mưu, đề xuất, phục vụ chưa cao. Vẫn có số ít cán bộ, đảng viên, CC, VC còn biểu hiện đùn đẩy công việc khi được giao nhiệm vụ, nhất là những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, được trung ương chỉ đạo thực hiện thí điểm nhưng chưa có đầy đủ hệ thống văn bản quy định. Có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, GTVT, đấu thầu, mua sắm thiết bị. Một số cán bộ, đảng viên, CC, VC chưa phát huy cao tính tự phê bình và phê bình, vẫn còn tình trạng ngại va chạm, chưa thẳng thắn nêu quan điểm, ý kiến cá nhân trong các cuộc họp, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên, CC, VC...
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm sẽ dẫn đến giảm năng suất và chất lượng công việc; làm cho sự sáng tạo và đổi mới “biến mất”; quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, CC, VC. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, khắc phục sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; kiến nghị sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ. Xây dựng quy chế làm việc cần cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu, tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cần có quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để khuyến khích, động viên, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, đảng viên, CC, VC cống hiến trong công tác, thực thi nhiệm vụ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong việc lợi dụng sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện những khâu yếu, những lĩnh vực trì trệ vì nguyên nhân chủ quan của cán bộ, đảng viên, CC, VC. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CC, VC. Công tác sắp xếp, bố trí nhân sự phải bảo đảm đúng quy định, phù hợp với trình độ, chuyên môn để cán bộ, đảng viên, CC, VC phát huy hết năng lực, sở trường công tác nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Nghiêm túc trong đánh giá, phân loại hằng năm...
Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, đảng viên, CC, VC năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên, CC, VC có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ cán bộ, đảng viên, CC, VC dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN: