(Báo Quảng Ngãi)- Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XIII, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ, việc kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh. Chủ trương này đáp ứng nguyện vọng của cử tri, là giải pháp để giữ chân đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) được bố trí 14 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và 11 người ở tổ dân phố. Trong số này, có đến 15 người có trình độ đại học. Bí thư Đảng ủy thị trấn La Hà Tô Ni Ta Sa cho biết, trong công việc thường ngày, cán bộ không chuyên trách luôn nêu cao tinh thần làm việc; sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với cán bộ chuyên trách. Ngoài giải quyết công việc hành chính được phân công phụ trách, đội ngũ cán bộ không chuyên trách tích cực gắn bó với phong trào ở cơ sở. Tuy vậy, thu nhập mỗi tháng của cán bộ không chuyên trách rất thấp, không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống gia đình.
Cán bộ văn phòng UBND phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) xử lý công việc tại cơ quan. Ảnh: THANH THUẬN |
Nghị định số 33 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2023. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết Quy định chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ, việc kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị- xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh là phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh, điều kiện thực tiễn tại địa phương, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật và tình hình ngân sách của tỉnh. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố an tâm công tác. Theo quy định này, có 13 chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, gồm: Phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam; phó chủ tịch hội cựu chiến binh; phó chủ tịch hội phụ nữ; phó chủ tịch hội nông dân; phó bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự; tổ chức - văn phòng đảng ủy; kiểm tra - tuyên giáo - dân vận; văn hóa, TD, TT, công tác xã hội, dân số, bảo vệ trẻ em; đài truyền thanh - quản lý nhà văn hóa; xây dựng, đô thị, môi trường, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; giao thông - thủy lợi - khuyến nông - thú y cơ sở; thủ quỹ - văn thư - lưu trữ.
UBND tỉnh cũng đề xuất, ngoài mức phụ cấp theo mức khoán là 1,5 mức lương cơ sở/người/tháng thì còn hưởng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo trình độ chuyên môn do tỉnh hỗ trợ là 0,84 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ đại học trở lên; hỗ trợ 0,6 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ cao đẳng; hỗ trợ 0,36 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ trung cấp. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, ngoài mức phụ cấp theo mức khoán là 1,5 mức lương cơ sở/người/tháng thì còn hưởng mức phụ cấp 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ đại học trở lên; hỗ trợ 0,2 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ cao đẳng; hỗ trợ 0,1 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ trung cấp. Riêng người hoạt động không chuyên trách ở thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc đơn vị huyện đảo; thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì hưởng mức phụ cấp theo mức khoán là 2,0 mức lương cơ sở/người/tháng. Cùng với đó là hưởng mức phụ cấp 0,15 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ đại học trở lên; hỗ trợ 0,1 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ cao đẳng; hỗ trợ 0,05 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người có trình độ trung cấp.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 1.937/2.265 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí tối đa theo Nghị định 33 của Chính phủ. Trong đó, trình độ đại học trở lên là 969 người (50%); cao đẳng 242 người (12,5%); trung cấp 489 người (25,3%). Có 2.423/2.862 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được bố trí tối đa theo Nghị định 33 của Chính phủ (gồm 3 chức danh: Bí thư chi bộ; trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận). Trong đó, trình độ đại học 395 người (16,3%); cao đẳng 123 người (5,1%); trung cấp 539 người (22,2%). Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có số lượng người hoạt động không chuyên trách cao nhất tỉnh với 262/290 cán bộ không chuyên trách cấp xã và 417 cán bộ hoạt động không chuyên trách ở 139 thôn, tổ dân phố.
Để đảm bảo thực hiện nghị quyết này, dự kiến tổng kinh phí chi trong 1 năm là trên 246,392 tỷ đồng (ngân sách trung ương 181,440 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 64,852 tỷ đồng). Trong đó, ngân sách chi trả 1 năm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên 100 tỷ đồng; ở thôn, tổ dân phố trên 111 tỷ đồng...
THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: