Phát huy vai trò người đứng đầu

08:30, 01/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, không gian mạng đã trở thành phương tiện chủ yếu để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. 

"Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu"

Không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2023, có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người dùng mạng xã hội là 70 triệu người; trong đó Facebook được sử dụng nhiều nhất với 66,20 triệu người dùng. Cùng với sự phát triển của Internet, các thế lực thù địch cũng đã lợi dụng không gian mạng để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trở thành mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) tập huấn kỹ năng tương tác mạng xã hội lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: T.L
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) tập huấn kỹ năng tương tác mạng xã hội lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: T.L

Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chỉ rõ trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đó là, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng. Đồng thời, phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.

Vì vậy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng phải được các cấp ủy đảng quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất biện pháp “xây” và “chống”. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ thành công khi mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân một lòng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đó là: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. 

Tuyên truyền tác hại của các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng, nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc chia sẻ thông tin tích cực trên không gian mạng, thực hiện phương châm: “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”. Đây là giải pháp rất quan trọng, thường xuyên, cơ bản, lâu dài để mỗi cán bộ, đảng viên dù công tác ở cương vị nào cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm và cảnh giác.

Người đứng đầu cần nêu gương
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta phải xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Do đó, cần phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là Internet và mạng xã hội để đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên không gian mạng, nhưng một số cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thực sự chưa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới. Hơn nữa, trình độ khai thác, sử dụng công nghệ thông tin của không ít cấp ủy còn hạn chế, dẫn đến việc đấu tranh trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. 

Nhiều cấp ủy còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, không nắm được những luận điệu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch; thiếu kỹ năng viết bài và chia sẻ tin, bài trên không gian mạng; khả năng tổ chức triển khai các hoạt động đấu tranh trên không gian mạng còn hạn chế. Do đó, công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đạt kết quả tốt hơn, yêu cầu đòi hỏi trong thời gian tới, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, đồng thời phải biết khai thác, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, nhạy bén trong việc phát hiện và nhận diện thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, biết nắm bắt thông tin dư luận trên không gian mạng. Khi tiếp cận các luồng thông tin xấu độc trên mạng xã hội phải có “sức đề kháng”, có khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy phải là chiến sĩ tiên phong đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng; có đủ khả năng “phản biện” trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng; tích cực tham gia đấu tranh góp phần đẩy lùi những thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về lợi ích và sự nguy hại đến từ không gian mạng, thì người đứng đầu phải có khả năng vận động và tổ chức để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Người đứng đầu phải biết cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của từng lực lượng ở cơ sở; huy động cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật, nhân lực... tham gia viết tin, bài, chia sẻ thông tin tích cực, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận diện những thông tin có nội dung xấu, độc trên không gian mạng. Từ đó, tạo hiệu ứng tích cực để mọi người hiểu và làm theo.

ĐẠI NGHĨA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 

Xuất bản lúc: 08:30, 01/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.