Phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại

08:34, 06/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, nhất là từ khi đất nước mở cửa hội nhập, nhiều tinh hoa của văn hóa thế giới đã được nước ta tiếp thu có chọn lọc, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì cũng có sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Điều này đã ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi, ứng xử... của một bộ phận nhân dân, có nguy cơ tác động xấu đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Vai trò quan trọng của văn hóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Với quan điểm khẳng định sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nhiệm vụ đó là mục tiêu và là nguyên tắc cốt lõi để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Đoàn viên, thanh niên tham gia Diễn đàn “Tuổi trẻ Quảng Ngãi với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” năm 2023, do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: THÀNH TUYÊN
Đoàn viên, thanh niên tham gia Diễn đàn “Tuổi trẻ Quảng Ngãi với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” năm 2023, do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: THÀNH TUYÊN

Từ khi thành lập đến nay, trung thành với Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định vai trò, nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hóa là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, nhân cách; xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Chính sách văn hóa của Đảng, Nhà nước ta là bồi đắp nhân cách con người Việt Nam có tri thức, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức tự cường dân tộc. 

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Nhằm phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại theo tinh thần Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/10/2016 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 23/10/2018 về nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong sử dụng Internet, mạng xã hội và đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các đối tượng, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên về phòng tránh các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa độc hại. Nhiều địa phương, đơn vị còn vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm luật pháp, các quy định về bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội, không để lưu hành trên thị trường, xâm nhập vào trường học và thế hệ trẻ.

Công tác huy động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng ở các địa bàn, cơ sở được duy trì. Qua đó, vừa góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và giải trí, vừa nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống.

Việc định hướng thị hiếu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân gắn với việc tích cực đấu tranh, bài trừ các loại hình, sản phẩm văn hóa đồi trụy, có khả năng làm tổn hại đến môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ được các địa phương, đơn vị chú trọng. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về sự cần thiết phải phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch.

Ngành VH-TT&DL đã chủ trì, tích cực phối hợp với MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khá đa dạng với phương châm hướng về cơ sở. Trong đó có các hội thi, hội diễn, chiếu phim, hoạt động điện ảnh phục vụ nhu cầu của nhân dân, phối hợp tổ chức phát động sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... 

Việc đấu tranh, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại lưu truyền qua mạng Internet, các website, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động... cũng được các cấp, ngành quan tâm. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập, lưu truyền các loại hình, ấn phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn.

Lan tỏa lối sống đẹp

Để tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng cũng như những lời khuyên dạy, chỉ dẫn của Bác Hồ, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ sở cần đề cao trách nhiệm: Kiên trì quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa với công việc trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống, ứng xử tốt đẹp ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ và thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân, trong cộng đồng xã hội. Cùng với việc giữ gìn và phát huy những di sản quý báu của dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thế giới, cần quan tâm lãnh đạo, định hướng sáng tạo những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao và giá trị mới. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đối với việc trao truyền, bảo tồn, phát huy tốt truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu.

Nhằm ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại đạt kết quả, cần sự chung tay, góp sức, bồi đắp, nâng cao sức đề kháng trong mỗi con người, gia đình, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân, coi đây là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng, phát triển văn hóa và con người Quảng Ngãi trong tình hình mới.

Trong đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên, học sinh khả năng hiểu biết về phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại. Tăng cường các biện pháp quản lý văn hóa, dịch vụ văn hoá, truyền thông, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các hoạt động sáng tác, in ấn, xuất bản để kịp thời phát hiện các ấn phẩm, tác phẩm có nội dung không lành mạnh, tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, tư tưởng, tâm trạng xã hội. Đồng thời, coi trọng sự phối hợp thường xuyên của MTTQ, đoàn thể các cấp trong việc vận động các hội, đoàn viên cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, góp phần phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Chú trọng việc xây dựng và tạo lập môi trường sống tốt đẹp, sinh hoạt văn hóa lành mạnh theo phương châm chân, thiện, mỹ. Các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ các địa phương sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung đạt giá trị cao cả về tư tưởng, nghệ thuật và mang tính đại chúng cao. Cùng với đó là, thường xuyên định hướng tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa, giá trị văn hóa của thế giới và khu vực, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ ngày càng phong phú và đa dạng của nhân dân tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.

TUẤN ANH

 


 


Ý kiến bạn đọc


.