Chả giò món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam

02:01, 29/01/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Có lẽ ai cũng biết rằng, tết Nguyên Đán có ý nghĩa quan trọng, mang theo sự linh thiêng và theo chân đời sống người Việt Nam trên suốt những trang sử dài. Cũng chính vì vậy, mâm cơm gia đình ngày Tết được nấu sung túc và đủ đầy nhất trong tất cả những bữa cơm hàng ngày. Nào là thịt gà canh măng, giò chả, thịt kho tàu,… Và món ăn không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên hay mâm cơm gia đình đó chính là chả giò. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn làm món chả giò ngon và giòn nhất nhé.
 
Chả giò_ lưu giữ bản sắc dân tộc Việt Nam
 
Nếu đã là người Việt Nam, không thể không biết đến chả giò. Đây là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc của người Việt trong dịp Tết đến xuân về. Và chả giò hiện nay được nấu nhiều trong bữa cơm gia đình. Chả giò là tên gọi quen thuộc đối với người dân miền Nam. Món ăn này sẽ có tên là nem rán tại miền Bắc và ở miền Trung sẽ gọi tên gọi là ram. Ở mỗi vùng miền, người ta sẽ chế biến chả giò theo nhiều kiểu với nhiều hương vị khác nhau. Đến mỗi vùng miền trên khắp cả nước, thực khách sẽ được thưởng thức mùi vị chả giò khác nhau, mang đậm bản sắc văn hóa mỗi vùng miền.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chả giò truyền thống bao gồm thịt nạc xay, củ đậu, cà rốt, nấm hương, miến, mộc nhĩ và trứng. Nhân được thái nhỏ, trộn đều và được gói lại xinh xắn bên ngoài lớp bánh tráng. Hương vị thơm ngon, sự cân bằng về hương vị đã tạo nên sự độc đáo cho món ăn này. Miếng chả giò được chiên vàng đều. Ngay khi cắn một miếng ta có thể cảm nhận được sự giòn tan, hơi mặn của bánh tráng. Vị ngọt, chín tới của rau củ bên trong. Tất cả đã tạo nên tổng thể hương vị riêng biệt, chỉ có tại ẩm thực Việt Nam.
 
Theo thời gian, chả giò được biến tấu với sự kết hợp của nhiều loại nhân mới và hình dạng cuốn cũng được phá cách. Không chỉ đơn thuần là chả giò thịt heo, bạn có thể thay thế với thịt bò hoặc làm nhân hải sản cũng rất ngon. Bạn có thể thêm nhân phô mai để tạo sự đột phá ngoại mục cho món ăn. Và chả giò chay cũng là một sự lựa chọn hoàn hảo cho cuộc sống hiện đại. Chả giò, một món ăn mang đầy đủ sự tinh tế, kết hợp nguyên liệu khéo léo. Đã tạo nên thương hiệu chả giò không thể lẫn với bất kỳ ẩm thực quốc gia nào. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau chế biến món chả giò này tại nhà nhé.
 
Nguyên liệu cần có làm chả giò
 
– Thịt nạc dăm: 350gr
– Mỡ heo: 150gr
– Cà rốt: 150gr
– Củ sắn( củ đậu): 150gr
– Miến: 150gr
– Khoai môn: 150gr
– Đầu hành lá, hành tím, tỏi
– Nấm mèo khô: 10gr
– Trứng gà ta: 1 quả
– Hành phi( có thể phi tại nhà hoặc mua ngoài hàng)
– Bánh tráng dùng để cuốn chả giò( 2-3 tập)
– Tiêu xay, dầu mè, đường, dầu hào, mayonnaise, hạt nêm, bột ngọt, muối.
 
Cách làm chả giò
 
Bước 1: Sơ chế thịt
 
Các bạn dùng một chút đầu hành rửa sạch và thái nhỏ
 
Thêm một chút tỏi, hành tím bóc vở, rửa sạch, đập dập và băm nhuyễn
 
Thịt nạc và mỡ các bạn mua về rửa sạch, để ráo nước trước khi đem đi bằm thịt. Khi thịt đã ráo nước, các bạn thái nhỏ thịt cho dễ bằm, thêm chút đầu hành, hành tím, tỏi đã băm nhuyễn cùng với 1 thìa cafe hạt tiêu, băm cùng với thịt.
 
Thịt nên bằm tại nhà. Tuy hơi tốn công một chút nhưng lại tạo được vị ngon hơn so với việc các bạn xay thịt ở ngoài.
 
Sau đó, các bạn cũng bằm 150gr mỡ cho thêm vào chả giò để giúp nhân chả giò không bị khô. Nếu bạn nào không thích ăn mỡ có thể dùng luôn 500gr thịt nạc giăm nhé.
 
Bước 2: Chuẩn bị nhân chả giò
 
Sử dụng 10gr nấm mèo khô, ngâm với nước để tạo được độ nở. Sau khi nấm mèo đã được ngâm nở. Các bạn sẽ rửa sạch lại với nước, để ráo rồi đem đi thái nhuyễn.
 
Cho nấm mèo đã thái chung với phần thịt băm. Thêm 3 thìa canh hành phi, 2 thìa canh dầu mè, 1 thìa canh đường, ½ thìa canh dầu hào, 1/3 thìa canh mayonnaise tạo độ béo cho món ăn. Thêm 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa canh bột ngọt, ½ thìa cafe muối. Trộn đều hỗn hợp để ngấm đều gia vị.
 
Bước 3: Sơ chế phần rau củ còn lại
 
Dùng 150gr cà rốt gọt vỏ sau đó bào sợi. Sau đó đem đi vắt ráo nước
 
Dùng 150gr củ sắn, cắt sợi trụng qua nước sôi và cũng đem vắt ráo nước.
 
Dùng 350gr khoai môn gọt vỏ, bào sợi và mang đi chiên sơ qua phần khoai môn đã bào sợi. Chiên khô qua bề mặt khoai là được. Không cần chiên quá lâu sẽ bị khô khi làm nhân chả giò bị khô
 
Tất cả nguyên liệu đều phải vắt nước khi cho vào trộn. Nhân chế biến phải đảm bảo được khô ráo để không bị chảy nước khi cuốn.
 
Bước 4: Trộn nhân chả giò
 
Đổ cà rốt, củ sắn, khoai môn, miến, hành lá cắt nhỏ và 1 quả trứng gà ta vào phần nhân đã chuẩn bị ở phía trên. Trộn đều hỗn hợp nhân lên. Nếu các bạn không cho trứng vào nhân sẽ mất đi vị ngon của món ăn.
 
Bước 5: Cuốn chả giò
 
Cho một chút nhân chả giò lên bề mặt bánh tráng. Rồi cuốn lại đều tay. Khi cuốn chả giò các bạn lưu ý là không nên cuốn quá chặt tay. Vì khi chiên nhân rất dế bị xì nhân ra ngoài. Cho lượng vừa đủ lên miếng bánh tráng. Cuốn đều và nhẹ tay.
 
Cuốn hết phần nhân đã chuẩn bị sau đó ta sẽ đem chả giò để trong tủ lạnh 30p trước khi mang đi chiên. Mục đích của việc này là để lớp vỏ khi chiên được giòn lâu hơn.
 
Bước 6: Làm nước chấm
 
Sử dụng 1/2 thìa canh ớt bằm đã lấy hạt, 1,5 thìa canh nước cốt chanh, 2 thìa canh đường và 3 thìa canh nước mắm.
 
Cho đường vào bát cùng nước cốt chanh. Thêm nửa chén canh nước sôi vào hòa tan phần đường. Cho nước mắm và ớt vào cùng. Khuấy đều lên là các bạn đã hoàn thành nước chấm ăn kèm. Các bạn có thể nêm mặn ngọt tùy theo ý thích của bát nước chấm.
 
Bước 7: Chiên chả giò
 
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, nên cho nhiều một chút, ngập miếng chả giò. Đợi dầu nóng thì thả từng miếng vào. Chiên với lửa vừa để chả giò được chín đều. Không nên chiên với lửa lớn vì chả giò rất dễ bị cháy.
 
Chiên đến khi bề mặt chả chín vàng đều để vào giấy thấm dầu cho ráo bớt mỡ.
 
Vậy là món chả giò của các bạn đã hoàn thành rồi. Ăn lúc vừa chiên xong, chấm cùng nước mắm sẽ rất ngon.
 
Với công thức làm chả giò, hy vọng các bạn có thể thực hiện được thành công món ăn này tại nhà cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé.
 
L.H (th)
 
 

.