Tết mừng lúa mới của người Ca Dong

10:02, 09/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người Ca Dong ở huyện vùng cao Sơn Tây luôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào. Và một trong những nét văn hóa truyền thống ấy là mỗi khi thu hoạch xong tất cả các vụ sản xuất trong năm, họ tổ chức ăn Tết mừng lúa mới để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với trời, đất, thần linh và bà con làng xóm đã đoàn kết giúp nhau để có một mùa thu hoạch bội thu.

TIN LIÊN QUAN

Thu hoạch xong vụ mùa, gia đình ông Đinh Văn Mốc ở xã Sơn Long (Sơn Tây) làm lễ cúng mừng Tết lúa mới. Sau những nghi lễ tại nhà, già Đinh cùng người thân lên nương rẫy thực hiện nghi lễ cúng tạ ơn trời đất, thần nước, thần núi, thần lúa đã cho gia đình một mùa lúa bội thu, đồng thời cầu mong gia đình, xóm làng luôn được bình yên, mạnh khỏe, vụ mùa tươi tốt. Già làng Đinh Văn Mốc, chia sẻ: Đồng bào mình tổ chức ăn lúa mới để xúc lúa đem về nhà, dù ít hay nhiều cũng phải làm, vì đây là truyền thống của người Ca Dong.

Gia đình già làng Đinh Văn Mốc cúng Tết mừng lúa mới tại nương rẫy của mình.
Gia đình già làng Đinh Văn Mốc cúng Tết mừng lúa mới tại nương rẫy của mình.


Sau các thủ tục tạ ơn, cầu mùa thì phụ nữ tự tay mang những hạt lúa thiêng vừa thu hoạch xong từ chòi lúa trên nương rẫy về nhà gói bánh. Trong trang phục truyền thống, phụ nữ Ca Dong còn lên rừng hái lá dong để làm bánh thiêng mừng Tết lúa mới. Ông Đinh Văn Treo - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho hay, Tết ăn lúa mới có rất nhiều ý nghĩa, bởi nó giữ gìn được bản sắc dân tộc Ca Dong từ xưa đến nay.

Tết mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong thường không thể thiếu những điệu múa, hát ca leo, ca choi và nhịp cồng chiêng ngân vang. Người Ca Dong luôn mang theo niềm tin sẽ luôn được các vị thần phù trợ, chở che, đùm bọc, giúp họ vượt qua mọi hiểm nguy, hoạn nạn, nghèo đói, bệnh tật, cũng là dịp để người Ca Dong thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, cùng quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

THANH KHÁNH
 


.