(Báo Quảng Ngãi)- Ở Quảng Ngãi, chừng vài chục năm trở lại đây mới có nơi bán hoa Tết, chứ hồi xưa, hoa Tết hầu như tự cung tự cấp. Loài hoa được ưa chuộng nhất thời đó là vạn thọ.
Ưa chuộng hoa vạn thọ không hẳn vì thân nó cứng cáp, hoa nó xinh xắn, lại lâu tàn, mà vì nó dễ trồng, phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn. Thứ nhất, hoa này chỉ giâm cành, tức là trồng bằng nhánh như trồng khoai lang. Cũng có thể gieo hạt nhưng như thế thì hoa của nó không còn nở to như nguyên gốc nữa, trông khá xấu xí. Người dân quê gọi là “bông thọ trọc”, có mỗi cái cùi, viền quanh cùi chỉ dăm cánh hoa mỏng mảnh.
Ngõ vàng hoa vạn thọ. Ảnh: Lê Văn Chương |
Đối với người trồng hoa chuyên nghiệp ngày nay, họ chọn giống hoa vạn thọ không còn sum suê như xưa nữa. Có những giống hoa mà thân của nó chỉ cao chừng 30cm, lọt thỏm trong một chiếc chậu nhựa be bé, đủ nhỏ để chưng ở phòng khách mà không cảm thấy “chật nhà”. Hoặc là, nhiều người mua loại hoa này để chưng tại các ngôi mộ ở nghĩa trang với tâm nguyện là người thân ở bên kia thế giới cũng được hưởng hoa Tết như hồi còn trên dương thế.
Mỗi cây hoa vạn thọ như thế nở chừng năm bảy bông, trong đó có một bông “chủ lực”, tức bông chính giữa nhành cây, còn lại là những bông chỉ nở he hé hoặc toàn nụ. Nó nở như thế trong khoảng thời gian 10 ngày trước và sau Tết. Khác với hoa vạn thọ trước đây, giống hoa bây giờ không thể giâm cành ở giếng nước được nữa.
Cũng do loài hoa gần gũi này hòa nhập vào “thị trường hoa Tết” mỗi dịp Xuân về nên người ở quê không còn cái thú vui trồng hoa đón Tết như mấy chục năm về trước nữa. Vì hoa vạn thọ ngày nay vừa đẹp lại vừa rẻ. Có những năm, chỉ cần bỏ tra 100 nghìn đồng là có 10 chậu hoa vạn thọ chơi Tết, rực sáng cả một góc sân vườn rồi.
Trở lại với câu chuyện trồng hoa vạn thọ đón Tết của người ở vùng nông thôn xưa. Thuở ấy, hầu như nhà nào cũng tự trồng dăm bảy cây hoa vạn thọ. Đến khoảng 25 tháng Chạp, khi cây hoa vạn thọ đã rực rỡ sắc màu rồi, gia chủ chọn một hoặc hai cây sum suê nhất, tròn trịa nhất để cho vào ảng. Ảng này cũng tự đúc bằng xi măng chứ không phải mua như bây giờ. Năm nào đến cận Tết cái ảng ấy cũng được chùi rửa sạch sẽ để chuẩn bị “đón hoa”. Vì vậy, các ảng xi măng ở quê đã nhẵn mặt tuổi thơ tôi. Những ảng bông vạn thọ này được xem như “bông tuyển” nên được mang vào trong hè để đón Tết. Số cây còn lại, chọn những cây thân không đều, dáng không được đẹp, gia chủ cắt bông cho vào bình rồi để lên bàn thờ gia tiên. Số còn lại cứ để bông rực vàng một góc sân quê xuyên Tết.
Thời ấy, nhà nào có điều kiện thì có thêm vài khóm thược dược hoặc vài chậu cúc, còn chủ yếu vẫn là vạn thọ. Vạn thọ - đúng như tên gọi, nó luôn song hành cùng con người đón Tết rất bền lâu. Đây là loài hoa luôn nở đúng hẹn và vì thế nó kích hoạt bao nhớ nhung, thèm khát của đám trẻ con về một ngày vui sắp được mặc áo mới, khỏi lùa trâu ra đồng, được đánh bầu cua tôm cá, được xem hát bài chòi, được lì xì mừng tuổi đầu năm...
Trong ký ức của những ai từng sống ở nông thôn vài ba chục năm về trước, bao giờ cũng có một ngõ quê luôn rực vàng bông vạn thọ mỗi dịp Xuân về.
TRẦN ĐĂNG