(Baoquangngai.vn) - Về quê vào những ngày giáp Tết, hương xuân đã len lỏi khắp nơi. Từ đầu xóm đã nghe thấy tiếng heo kêu, tiếng mài dao, gõ thớt rôm rả. Đó là khi các gia đình đang phụ nhau bắt heo, mổ heo, chia sẻ với nhau để ăn Tết. Phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa ở làng quê từ thuở nghèo khó xa xưa vẫn được nhiều người gìn giữ cho đến tận hôm nay.
[links()]
Về quê tìm heo sạch
Trước giao thừa vài ngày, người thân có thông báo ngày mổ heo, chị Đặng Thị Chung (45 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) liền tức tốc chạy về chia thịt. “Tết đến, Xuân về, thịt heo vẫn là nguồn thực phẩm được ưa chuộng nhất để cúng cơm ba bữa, chế biến những món ăn truyền thống thiết đãi khách. Chính vì thế, tôi đã đặt ngay “một chân” với khoảng 20kg, tức một phần tư con”, chị Chung chia sẻ.
Từ nhiều tháng trước, người thân chị là bà Đặng Thị Kính (54 tuổi), ở thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) đã chọn 4 con giống, thả nuôi. Xác định đây là heo ăn Tết nên được chăm sóc rất kỹ lưỡng, có sự “giám sát” của những người đặt hàng.
Heo được nuôi thả rông khi còn nhỏ, cho ăn chuối, cám gạo, rau xanh ở nhà trồng được, cơm canh thừa… Đặc biệt, chị Kính không sử dụng bất kỳ loại thức ăn tăng trọng lượng hay chất kháng sinh.
Cánh đàn ông phụ nhau mổ và bắt heo. |
“Trước thực trạng dịch bệnh ở heo ngày càng nhiều. Chất lượng nuôi heo ở một số nơi không đảm bảo, người tiêu dùng e ngại thịt heo ở chợ không rõ nguồn gốc, nên Tết nào tôi cũng bỏ công ra nuôi, gọi các em về chia chung. Tôi nuôi 4 con, để lại một con nặng khoảng 80kg cho gia đình, còn lại bán cho người quen”, bà Kính cho hay.
Xu hướng tìm về thịt heo quê, đảm bảo chất lượng do chính người thân tự nuôi ngày càng nhiều. Vì thế mà tục chia heo, một nét văn hóa phổ biến lâu đời ở làng quê Việt, vẫn được giữ gìn từ xa xưa cho đến nay.
Mang đậm hồn quê
Về với những làng quê ngày giáp Tết, đâu đâu cũng rộn rã nghe thấy tiếng heo kêu eng éc, tiếng mài dao, gõ thớt rôm rả. Cùng với sắc hoa vạn thọ, hoa mai, thược dược rực rỡ sắc màu, những chậu quất sai trái vàng ruộm… tiếng lợn kêu và tục chia heo ngày Tết cũng mang đến sự rộn ràng với hi vọng một năm mới tươi vui, đầm ấm và thắm tình đoàn kết, với những nụ cười hào sảng đậm hồn quê.
Những người chia heo với nhau thường là những người thân trong gia đình, họ hàng. Ngày mổ heo, chia thịt sẽ diễn ra vào buổi sáng sát những ngày giáp Tết để mọi người có thịt làm chả, nấu bánh chưng và cúng kiếng, rước ông bà. Những ngày sau đó, thịt vẫn còn tươi, thơm ngon để cúng cơm bữa, thiết đãi khách trong ngày Tết.
Heo sau khi mổ, chia phần, đều được cân ký kỹ lưỡng. |
Năm nay, gia đình bà Phạm Thị Vấn, 45 tuổi, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) cũng nuôi 2 con heo để chia Tết. Ngày 28 Tết, từ sáng sớm, chị em phụ nữ đã đến nhà chị, tất bật nhóm lửa, nấu nước sôi, vót nan tre xâu thịt. Cánh đàn ông hỗ trợ nhau trong việc khiêng, giết mổ, xẻ heo… Việc nhiều nhưng ai nấy cũng đều thấy vui, rộn ràng cả một buổi sáng.
Heo sau khi được giết mổ, rưới nước sôi, cạo lông sạch sẽ, phân đều ra theo các phần đã thống nhất. Chia heo nhưng thật ra là đặt hàng, mua bán thịt trong phạm vi những người thân thiết với nhau nên được cân ký kỹ lưỡng để chia tiền.
Những khoanh thịt được phân sẵn để sử dụng trong ngày Tết. |
Nuôi heo để chia nhau ngày Tết giúp các gia đình có nguồn thực phẩm an toàn để sử dụng. |
Gia đình chị Vấn được ưu tiên thêm phần đầu heo để làm mâm cơm cúng cuối năm; phần nội tạng phèo, gan, tim, cật, huyết… được dùng để nấu nồi cháo, mời các gia đình ở lại chung vui. Việc chia heo vì thế cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần ngày cuối năm, tổng kết một năm qua đi và hướng đến điều may mắn trong năm mới.
“Trước đây, trong những ngày Tết, có thịt, có cá là điều mong ước của bà con ở quê. Bởi lẽ, điều kiện đi lại khó khăn, không phải muốn ăn là mua được ngay. Giá thịt heo vào ngày Tết không phải lúc nào cũng ổn định, chính vì thế việc chia heo cũng giúp các gia đình tiết kiệm chi tiêu phần nào. Nét văn hóa này còn thể hiện tình làng nghĩa xóm, tình thân đậm đà, thân thiết một cách mộc mạc, dân quê. Chính vì thế, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, dù bận rộn đến đâu, gia đình vẫn giữ truyền thống làm heo, chia nhau ăn Tết”, chị Vấn cho hay.
Ngày nay, việc tự nuôi heo, chia heo sử dụng cũng là một cách để người tiêu dùng có cơ hội sử dụng nguồn thực phẩm sạch an toàn cho gia đình, thơm ngon, đậm đà khẩu vị truyền thống. Hương vị Tết quê vì thế là luôn sum vầy, đủ đầy hơn.
Bài, ảnh:
THIÊN HẬU