Mâm cỗ Tết 3 miền có gì khác biệt?

01:01, 28/01/2022
.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người trong gia đình đều tất bật chuẩn bị mâm ngũ quả và nhiều món ăn ngon để cúng Tết.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những mâm cỗ Tết ấy chứa đựng nhiều giá trị thiêng liêng và ý nghĩa trong tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên của con người Việt Nam.
 
Mâm cỗ Tết ở miền Bắc
 
Mâm cỗ Tết ở miền Bắc được các bà mẹ, chị em tuân thủ nghiêm ngặt theo quy tắc: 4 bát 4 dĩa (không bao gồm nước chấm, dưa hành và xôi) tượng trưng cho tứ trụ (4 mùa, 4 phương). Với những nhà nào khá giả hơn thì chuẩn bị nhiều hơn (4 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa), có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.
 
Món tráng miệng trên mâm cúng người miền Bắc cũng rất đa dạng với nhiều loại mứt Tết và trái cây khác nhau ví dụ như mứt quất (mứt tắc), mứt gừng, mứt sen, ô mai mơ, hồng khô,… Đặc biệt là món chè kho thơm ngọt được nấu rất kỹ từ đậu xanh và đường là món tráng miệng gần như không thể thiếu.
 
Mâm cỗ Tết miền Trung
 
Với người dân miền Trung khi Tết về, trên mâm cỗ Tết miền Trung không thể thiếu bánh tét, nem chua, thịt giấm. Riêng người Huế thì mâm cỗ phải có đĩa giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc…
 
Mâm cỗ Tết truyền thống miền Nam
 
Đối với miền Nam, mâm cỗ không có bánh chưng mà thay vào đó là những đòn bánh tét được gói kỹ càng, tròn trịa.
 
Cũng như bản tính dân dã, giản dị của người miền Nam mà mâm cơm cúng nơi đây có phần giản đơn hơn.
 
Vậy nhưng những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ miền Nam bao gồm thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, lạp xưởng, dưa kiệu, dưa hấu.
 
Nghe có phần hơi lạ lẫm, nhưng món canh khổ qua nhồi thịt cực được ưa thích. Bởi trong quan niệm của người phương Nam, món ăn này có ý nghĩa giống như cái tên của nó – mong cho cái khổ mau qua đi.
 
LH (th)

.