Bánh nổ ngày xuân

09:02, 16/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Củi trong bếp lò rừng rực cháy, tỏa hơi ấm xua đi giá lạnh khi đông tàn. Nếp trong chảo gang nổ giòn tỏa hương thơm gọi Xuân sang. Xóm làng rộn ràng chuẩn bị đón Tết với bao bộn bề những ngày cuối năm.
[links()]
Giữa tháng Chạp, gió lạnh quẩn quanh nơi làng quê như còn lưu luyến chốn nhân gian. Người dân quê tôi, phía nam Quảng Ngãi, đắp lò rang nếp làm bánh nổ dâng cúng tổ tiên. Lò đắp bằng đất cao đến đầu gối với hai cửa đun củi và thoát khói, bên trên đặt chảo gang khá lớn.  
Đĩa bánh nổ với trà thơm hiện diện trong gia đình vào ngày Tết.  ẢNH:TRANG THY
Đĩa bánh nổ với trà thơm hiện diện trong gia đình vào ngày Tết. ẢNH:TRANG THY
Mỗi làng có dăm lò đỏ lửa đêm ngày khiến cho lòng nôn nao ngóng Tết. Chủ lò là người phụ nữ rang nếp thuê cho cư dân trong vùng để họ mang về đóng bánh nổ. Lũ trẻ trong xóm vác giúp củi đặt cạnh lò rồi ngồi tụm bên nhau nói cười với làn hơi ấm mơn man da thịt. Những hạt nếp vỏ trong chảo gang bị nung nóng nổ giòn như tiếng mưa quất mạnh vào mái tôn giữa ngày đông giá lạnh. Chốc lát, chủ lò nhấc nhẹ chiếc nia đậy trên chảo rồi dùng nắm lạt tre đảo vòng quanh cho nếp nổ đều. Những bỏng nếp trắng tinh bắn ra ngoài theo khe hở được chúng tôi nhặt lấy với gương mặt rạng ngời niềm vui. Người làng thường cho bọn trẻ mẻ rang cuối với bàn tay xoa đầu âu yếm cùng ánh mắt tràn đầy yêu thương. Chúng tôi đón lấy mớ bỏng nếp tỏa hương thơm, nhặt bỏ vỏ trấu rồi chia nhau ăn ngon lành.
 
Dưới mái nhà đơn sơ, ấm áp chuyện trò khi cả vợ chồng giần, sàng, nhặt vỏ trấu lẫn trong bỏng nếp rồi cho vào bao ủ ấm giữ hương thơm. Vợ đập giập gừng tươi, xắt nhuyễn rồi cho vào nồi bắc lên bếp xên với đường đến khi vừa sánh đặc, bốc mùi thơm thì nhấc xuống khỏi bếp. Tiếp đến, trộn đều nước xên đường và gừng cùng bỏng nếp rồi cho vào khuôn gỗ, dùng vồ đóng đều tay để bánh đủ độ kết dính khi cắt lát. Tháo thỏi bánh ra khỏi khuôn gỗ rồi dùng dao bén cắt lát thành hình vuông, chữ nhật hay tam giác tùy thích. Công đoạn cuối cùng là bày bánh lên nia tre sấy trên than củi rồi cho vào bao hay thùng kín để bảo quản chờ đến Tết.
 
Bánh nổ mộc mạc nằm cạnh các loại bánh, mứt dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết. Mùi thơm của bánh quyện với khói hương làm cho gian thờ thêm ấm cúng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với tổ tiên. Bánh nổ không thể thiếu trong nhiều gia đình mỗi khi Tết đến, Xuân về. Ngày Xuân, mọi người đến thăm nhà và cầu chúc điều may mắn, mời nhau thưởng thức bánh nổ cùng chén trà thoảng hương thơm. Hương vị ngọt thơm của nếp và đường lẫn vị cay của gừng đọng mãi nơi đầu lưỡi. Miếng bánh gợi nhớ ký ức ngày xa, níu chân những người con xa xứ quay về nguồn cội.
 
Trang Thy
 
 
 

.