(Baoquangngai.vn)- Những ngày giáp Tết Nguyên đán, rượu cần đặc sản của người vùng cao trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua và bán cho thị trường. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều nơi ở vùng cao cũng đã tranh thủ nấu rượu cung ứng cho thị trường Tết.
Hút khách cận Tết
Rượu cần là men của rừng, uống ở rừng. Nghe đến rượu cần là nghĩ đến đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Từ tiệc cúng dàng, mừng lúa mới, lễ Tết, hội hè, chuyện buồn, vui... họ đều cùng nhau "vít" cần để sẻ chia.
Thế nhưng, giờ đây rượu cần đã theo chân những người giao hàng xuống phố, không bó buộc trong không gian văn hóa của người vùng cao. Trong dịp Tết này, rượu được bày bán nhiều nơi để cung ứng cho thị trường, trong đó có TP.Quảng Ngãi.
Rượu cần được bày bán ở TP.Quảng Ngãi. |
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, vợ chồng chị Nguyễn Hồng Quế, 39 tuổi, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi đã nhập về hàng chục ché rượu các loại từ 2 lít đến 5 lít với giá từ 250.000 đồng- 500.000 đồng.
Dù mới bán có 2-3 ngày nhưng cũng chỉ còn vài ché và hiện chị đang tiếp tục nhập về. “Tết nhứt, cùng với các loại thức uống khác đa dạng và phong phú trên thị trường thì trong vài năm trở lại đây, rượu cần đặc sản của người vùng cao hấp dẫn nhiều người dưới xuôi với mong muốn được thưởng thức hương vị đặc trưng riêng của núi rừng. Rượu cần trở thành thức uống lạ lẫm trong bàn đãi khách ngày Tết”, chị Quế chia sẻ.
Cũng theo chị, thức uống này hấp dẫn nhiều người trong thời gian này vì nồng độ cồn nhẹ, không gắt, nồng như rượu gạo hay bia và phù hợp với cả đàn ông, phụ nữ. Thực tế 3 người không uống hết 5 lít rượu gạo nhưng 5 lít rượu cần thì có thể "cân" hết.
Nhộn nhịp nghề nấu rượu cần
Nhiều người ưa chuộng rượu cần vào dịp Tết vì thế mà hộ dân vùng cao bắt nhịp để cung ứng cho thị trường. Hộ gia đình Trần Thị Bích Thành, 34 tuổi, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà có truyền thống nấu rượu từ nhiều năm nay. Cận Tết, chị tất bật để đóng hàng vận chuyển đi khắp nơi cho khách hàng ở các thị trường, chủ yếu ở TP.Quảng Ngãi. Rượu cần đóng hàng đến đâu là có khách nhận ngay đến đó.
Loại rượu hay nấu là loại nếp than thơm ngon mà chị cất công tìm, nhờ người thân mang về từ huyện Sơn Tây và các huyện miền núi của tỉnh Kontum. Chỉ riêng mùa Tết năm nay, nhà chị đã nấu 16 tạ nếp than, bắt đầu từ tháng 11.
Dịp Tết này, chị Thành cung cấp ra thị trường hơn 500 ché rượu cần nếp than. |
Công thức nấu rượu đơn giản là nếp than nấu xong, đạt đến độ chín để nguội, đổ men vào ủ. Với men lá thì vò, giã nhuyễn trộn vào, còn men làm từ gạo, bột bắp thì chỉ cần rắc vào. Nếp than ủ men trong chừng khoảng 10 ngày ra rượu có thể uống được.
Tuy nhiên, để nấu được loại rượu nếp than kỳ công hơn so với gạo lức. Điều đó cần đến kinh nghiệm của một người lâu năm. Do nếp than có tính đặc trưng là dẻo nên rất khó để men thấm đều vào hạt nếp nấu chín, cho ra mẻ rượu thơm ngon.
Nếu như cách đây 2 năm, thị trường tiêu thụ chỉ khoảng 100 ché thì Tết này, chị Thành cung cấp ra thị trường hơn 500 ché nếp than, các loại 6 lít, 8 lít, 10 lít. Mỗi ngày chị bán được cả chục, thậm chí vài chục ché các loại. Sức mua càng tăng cao trong dịp cận Tết. "Mỗi mùa Tết, tôi cũng kiếm được khoảng 40 triệu đồng từ nghề nấu rượu cần", chị Thành chia sẻ.
Rượu cần là một nét văn hóa đặc trưng của người vùng cao. Tết nhứt hay lễ hội đó là cơ hội để quảng bá nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Cũng như chị Thành ở Sơn Hà, một nhóm bạn trẻ của huyện đoàn Ba Tơ đã hùn vốn để vận động người trẻ Hre, nấu rượu cần bán Tết.
Các thành viên trong huyện đoàn sẽ kết nối để tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên trong huyện. Đây cũng chính là cách họ vừa kiếm được thu nhập cho thanh niên, vừa giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
"Mức tiêu thụ rượu cần đang tăng lên từng ngày. Dự kiến của nhóm chỉ khoảng vài chục ché vì đây là năm lần đầu tiên triển khai, thế nhưng số lượng rượu bán nằm ngoài dự kiến. Loại rượu cần thanh niên Ba Tơ là loại được làm từ men rễ cây, có độ nồng và độ ngọt vừa phải. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chia sẻ bà con chỉ nên uống ở mức độ vừa phải trong ngày Tết để đi lại cho an toàn", chuyên viên huyện đoàn Ba Tơ Nguyễn Thị Bảo Vy cho hay.
Rượu cần không chỉ có trong các ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số mà đã và đang tìm đường ra phố, đến với người dân ở khắp nơi. Tại bất cứ đâu, mọi người cũng vít được rượu cần, đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc với sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa người vùng cao và người miền xuôi.
Bài, ảnh: Thiên Hậu