Với tôi, dù xa quê đã bao năm, nhưng mỗi lần Tết đến Xuân về lại thấy mình như trẻ ra, ngong ngóng nhớ thương về quê nhà Nghệ An - một tỉnh miền Trung gió Lào, nắng rát.
Bởi công tác trong một đơn vị hải quân ở phía Nam, vì nhiều lý do khác nhau năm nay tôi không về quê ăn Tết cùng gia đình. Trong tiết trời se lạnh vào những ngày cuối năm, nhìn những gánh hàng rong trên phố với những món hàng dân dã như lá dong, măng khô, hương tết… tôi lại cảm thấy không khí Tết cổ truyền đang đến thật gần, một cảm giác xốn xang như mong chờ một cái gì đó rất đỗi thiêng liêng từ trong tâm thức.
“Mưa phùn, gió bấc” là đặc trưng của tiết trời ngày Tết ở xứ Bắc.Không khí ngày giáp Tết thật lạ, run run lạnh xen lẫn cái ấm áp của mùa xuân.Những ngày cuối năm không chỉ là sự chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, mà còn là sự chuyển giao giữa mùa đông và mùa xuân. Mọi nhà dọn dẹp nhà cửa, phát quang bờ rào, quét vôi những gốc cây, sửa sang phần mộ tổ tiên…để chuẩn bị đón năm mới.
Nhớ vô cùng hương vị Tết ở quê nhà, tuy đời sống quanh năm khó khăn, vất vả nhưng luôn chứa chan tình người. Những ngày giáp Tết, các gia đình, họ hàng nhộn nhịp bàn bạc để chung lợn và gói bánh. Năm nào mà trời nắng hay gió nồm, mẹ tôi lại lo bánh chưng nhanh hỏng, sẽ không để được đến ra Giêng đi làm đồng có cái lót dạ buổi trưa, bởi những ngày sau tết là mọi người đổ xô ra đồng làm cho kịp thời vụ, nên bánh chưng thường mang theo để làm thông trưa đến tận chiều tối.
Ôi nhớ làm sao khoảng thời gian sau ngày 23 tháng Chạp tiễn đưa ông Táo về trời.Trong những ngày này, mẹ tôi tất bật với biết bao công việc chuẩn bị các món ăn truyền thống như dưa món, dưa hành, củ kiệu.Vui nhất là lúc cúng tất niên, thường vào khoảng 29 hoặc 30 tháng Chạp. Đây là dịp để gia đình sum họp sau một năm xa cách, để ghi nhớ và tiễn đưa một năm làm ăn vất vả và chuẩn bị đón một năm mới với nhiều niềm vui mới.
Thiêng liêng nhất vẫn là giờ phút đón giao thừa và trước đó là sự hồi hộp, náo nức cùng thức canh nồi bánh chưng, bánh tét với mẹ. Có lẽ không gì sung sướng bằng khi mình còn nhỏ mà được bố mẹ tin cậy, được giao nhiệm vụ quan trọng là thức canh nồi bánh chưng chờ đón giao thừa. Mẹ dành hẳn một góc nhà bếp để đặt nồi nấu bánh to trên bếp lò đun bằng than củi và trấu để nếp chín dẻo đều, không bị sượng cứng. Thường từ chiều 27 hoặc 28 tết, bác họ cùng anh trai tôi đã gói xong bánh chưng, bánh tét và sau đó đưa vào lò. Mẹ canh liên tục nồi bánh để thêm củi vào hoặc lấy bớt củi ra, tăng giảm lửa theo kinh nghiệm lâu năm. Tôi còn nhỏ, chỉ biết chạy tới chạy lui để mẹ sai vặt, vậy mà cảm thấy hết sức hãnh diện. Mẹ canh nấu làm sao để đến khoảng 11 giờ khuya là kịp vớt bánh ra, rồi chọn những chiếc bánh ngon nhất đặt lên bàn thờ để cúng giao thừa, đón ông bà tổ tiên.
Khi chuông đồng hồ báo hiệu giao thừa đã tới, bố mẹ và anh em trong nhà cùng chúc cho nhau một năm mới dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và an lành. Thật không có gì tả hết được cảm xúc của mọi người trong thời khắc này, không ai cảm thấy buồn ngủ như ngày thường, đều ngước nhìn chia vui niềm hạnh phúc của mẹ, sự thành kính của bố trước bàn thờ tổ tiên. Nhìn lên bầu trời trong thời khắc thiêng liêng đó là những cánh pháo hoa bung ra đủ hình thù và đa sắc màu. Khắp mọi ngả đường, dòng người bắt đầu đổ ra mỗi lúc một đông để đi hái lộc may mắn đầu năm.
Nhớ lại thời bao cấp, vẫn còn nhiều khó khăn, ngay cả lương thực cũng rất thiếu thốn, nhưng khi Tết đến chúng tôi vẫn được bố mẹ cho đón một cái Tết thật vui.Có lẽ, hân hoan nhất là khi chúng tôi được bố, mẹ dẫn đi sắm quần áo mới.Cái cảm giác được mặc áo mới đến bây giờ tôi vẫn thấy xốn xang đến lạ.Thời bấy giờ, mua sắm được bộ quần áo thật không dễ, sợ chúng tôi mặc ngay chẳng mấy chốc lại lấm đất nên mẹ dặn phải để dành đến Tết.
Hiện nay, phong tục đón Tết cổ truyền của nhiều địa phương đã bị mai một, nhưng ở quê tôi, những dư vị mặn mà, ấm cúng đó vẫn còn giữ nguyên. Đó là, không thể thiếu “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; các gia đình trong dòng họ đội mâm đến nhà bác trưởng họ nội, họ ngoại để cúng tổ tiên; làng, xã vẫn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ người, kéo co, nhảy bao bố, đánh đu… Đó là những nét đẹp cổ truyền mà tôi nghĩ không phải nơi nào cũng gìn giữ được.
Ngày nay, cuộc sống và nhịp sống đã có nhiều thay đổi, phong cách sống “Tây hóa” đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Giờ đây, khái niệm “ăn Tết” được nhiều người chuyển hóa thành “chơi Tết”.Tức là vào dịp này là người ta tổ chức đi chơi, du lịch một nơi xa nào đó, chứ không phải sum họp gia đình, quây quần bên nồi bánh chưng xanh như xưa.Các phong tục truyền thống vì thế mà cũng ngày càng bị mai một.Nhớ lại dư vị Tết ngày đó so với cách “chơi Tết” ở phố xá bây giờ mà tôi cảm thấy bùi ngùi, tiếc nuối.
Ôi Tết quê, tưởng xa xưa mà cứ luôn hiện ra trước mắt.Nhớ quê, nhớ ngôi nhà thuở ấu thơ, với bao món ăn đậm đà vị Tết quê hương đã trở thành kỷ niệm. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, năm mới Canh Tý 2020 đã đến, hình ảnh đón Tết quê cùng gia đình và người thân lại hiện về nguyên vẹn trong tôi. Bất giác tôi lại nhớ một số câu thơ mà một ai đó đã viết:
Mẹ giờ đang nấu bánh chưng
Màu xanh của bánh như mừng tuổi con
Dưa hành, muối kiệu rất ngon
Bánh mứt đầy sẵn, chờ con trở về…
NGUYỄN THANH ĐIỆP/Báo SKĐS