(Báo Quảng Ngãi)- Phố cổ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) nổi tiếng với nhiều món ăn đậm đà hương vị quê nhà, dẫu trải qua nhiều thăng trầm, nhiều món ăn vẫn chứa đựng hồn quê, được người dân ở phố cổ gìn giữ, kế tục qua nhiều thế hệ. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những món ăn dân dã ấy không thể thiếu trong nhiều gia đình, bởi nó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của phố cổ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kẹo gương dân dã tiến vua
Vốn là xứ sở mía đường, nên Quảng Ngãi có rất nhiều nơi làm kẹo gương. Song, kẹo gương được làm ở phố cổ Thu Xà rất nổi tiếng, bởi hương vị thơm ngon, thanh đạm khó hề pha lẫn. Vì thế, dù nhiều hộ dân ở Thu Xà đã đành phải ngậm ngùi gác bếp, do kẹo gương truyền thống mất dần chỗ đứng trên thị trường, nhưng vẫn còn một người giữ được công thức chế biến của kẹo gương Thu Xà.
Xưởng sản xuất kẹo gương của chị Kim Liên. Ảnh: NGỌC VIÊN |
Theo sự chỉ dẫn của các bậc cao niên ở phố cổ Thu Xà, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất kẹo gương Kim Liên, đường Trần Quang Diệu (TP.Quảng Ngãi). Chị Kim Liên, chủ xưởng chia sẻ: Xưởng kẹo gương của chị đã làm được hơn 20 năm. Kẹo gương của xưởng nguồn gốc từ kẹo gương Thu Xà, được vợ chồng chị nối nghiệp và duy trì cho đến bây giờ.
Nối nghiệp truyền thống của tổ tiên, dẫu có lúc thuận lợi, lúc khó khăn, âu cũng là lẽ thường, nhưng xưởng kẹo của gia đình vẫn mãi đỏ lửa. Giữ nghề, bám nghề bằng cái tâm nhiệt thành, nên sản phẩm làm ra được người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ, thời xa xưa, mỗi vùng đất nếu có của ngon vật lạ thì người dân thường dùng món ăn đó để tiến Vua. Vào thời vua triều Nguyễn, kẹo gương Thu Xà cũng từng là món ăn được dùng để tiến Vua và đi vào ca dao xứ Quảng:
Ai về Quảng Ngãi quê ta,
Mía ngon đường cát trắng ngà dễ ăn.
Mạch nha, đường phổi, đường phèn,
Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại ghiền!
Chim mía Xuân Phổ
Cá bống sông Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Mộ Đức.
Thân thương như don bà Thương
Hơn 20 năm qua, quán don bà Thương ở Thu Xà, xã Nghĩa Hòa trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân trong tỉnh. Dịp Tết đến xuân về, nếu du xuân chùa Ông, xã Nghĩa Hòa, nhiều người không quên ghé quán bà Thương để thưởng thức món don. Với nhiều người xa quê, don bà Thương ăn không chỉ để no, mà ăn cho thỏa nỗi nhớ quê sau bao tháng ngày xa cách.
Vào năm 2014, bà Lê Thị Thương được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời ra Hà Nội để nấu món don, trong khuôn khổ chương trình “Trung thu 2014 - Em yêu biển đảo” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Don được bán ở quán don bà Thương. Ảnh: NGỌC VIÊN |
Đượm tình bánh ít lá gai
Xóm 1, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) có hàng chục gia đình còn gắn bó với nghề gói bánh ít lá gai. Đây là nghề truyền thống được truyền dạy qua nhiều thế hệ. Các hộ làm nghề hầu như đều tự trồng cây nguyên liệu ngay trong vườn nhà, theo quy trình “4 không”, nên bánh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng. Vào dịp tết Đoan ngọ, tết Nguyên đán, “làng” gói bánh ít ở đây trở nên nhộn nhịp, bởi những đơn đặt hàng từ khắp nơi.
Bánh ít lá gai Thu Xà. Ảnh: NGỌC VIÊN |
Gặp vợ chồng ông Trương Ngọc Anh, ở xóm 1, thôn Thu Xà, đúng lúc vợ chồng ông đang tỉ mẩn gói bánh cho khách. Ông bảo, nghề gói bánh ít tôi học được từ bà ngoại của mình. Gia đình đã có hơn 30 năm làm nghề gói bánh ít lá gai.
Bao năm rồi, cái nghề này không giúp mình giàu lên được, bởi giá bán chỉ 2.000 đồng/cái, nên chỉ lấy công làm lời. Dù vậy bao năm rồi, vợ chồng tôi vẫn giữ lấy nghề. Ngày giỗ, ngày cưới, tết Đoan ngọ, tết Nguyên đán... thấy chiếc bánh của mình làm ra được bà con đón nhận, nâng niu là bụng mình thấy vui.
Theo các bậc cao niên ở phố cổ Thu Xà, bánh ít lá gai thì hầu như ai cũng làm được, nhưng cái chính là “ăn” nhau ở bàn tay người thợ. Bánh ít lá gai ở Thu Xà không quá tinh tế, cầu kỳ và được làm theo cách thủ công truyền thống, ít sử dụng máy móc, nên giữ được hương vị quê, không hề pha lẫn với các loại bánh ít ở xứ khác. Vì thế, trải qua bao thăng trầm, bánh ít lá gai phố cổ Thu Xà vẫn được thị trường đón nhận.
NGỌC VIÊN