(Báo Quảng Ngãi)- Khi những cơn gió nhè nhẹ mang chút se lạnh, ở quê tôi, dưới những rặng tre đường làng, người ta đặt những cái chảo to để rang mè làm bánh. Khói bếp màu lam hòa quyện với mùi thơm của gừng, của mè rang thơm lừng khắp xóm làm cho sắc xuân thêm rộn ràng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thường vào cuối tháng Chạp, mẹ tôi chuẩn bị vật liệu làm bánh khô mè. Đó là một loại bánh chế biến công phu, mất nhiều thời gian. Mẹ tôi chọn gạo nếp ngon, đem vo và đãi thật sạch. Sau đó để ráo nước, rồi cho vào chảo rang lên thật khô.
Mè cũng rửa sạch, chị tôi rang vàng để dậy lên mùi thơm đặc trưng. Gừng giã nhỏ vắt lấy nước cốt. Mẹ tôi đem gạo rang khô đi xay thành bột mịn đều với nước đường và gừng, sau đó cho hỗn hợp bột vào nồi hấp chín.
Bánh khô mè - món quà dân dã ngày Tết. Ảnh: TRUNG ÂN |
Nét độc đáo, cái “hồn” của bánh khô mè là ở khâu nướng này. Bánh được nướng qua hai lần lửa. Lần thứ nhất, lửa than có độ nóng lớn, nướng khoảng 10 phút, phải trở bánh thường xuyên để khô đều hai mặt.
Lần thứ hai, lửa than có độ nóng vừa, nướng khoảng 10 đến 15 phút, cho bánh có độ giòn xốp. Bà tôi nói, đây là khâu quan trọng, phải canh đúng thời gian để trở bánh và chuyển bánh từ nhiệt độ lửa lớn sang nhiệt độ lửa vừa, thì lát bánh khô mè mới khô đều, giòn xốp được. Nếu để quá thời gian bánh sẽ cháy và cứng không ngon.
Sau đó, lấy từng lát bánh nhúng vào chảo đường rồi nhanh tay lăn qua đĩa mè rang vàng bày sẵn, rồi cho lên bếp than nướng lần cuối. Bánh khô mè để nguội khi ăn sẽ xốp, giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè và vị thơm cay của gừng. Bẻ đôi bánh ra sẽ thấy được những sợi tơ do đường tạo nên, chạm đầu lưỡi vào để cảm nhận vị ngọt thanh hấp dẫn.
Ngày Tết, nhà nào cũng mời khách những chiếc bánh khô mè, vị ngọt thanh, giòn tan và hương thơm của nếp, của gừng từ món quà của đất quê, nhấp một ngụm trà lắng nghe mùa xuân về trên sân vườn, đường làng rực nắng...
TRUNG ÂN