(QNĐT)- Thời điểm này, nông dân trồng rau khắp nơi trong tỉnh đang lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười vì giá rau rẻ mạt, bán không được, để cũng chẳng xong. Nhiều hộ đành bấm bụng phá cắt về cho gà, bò ăn hoặc phá bỏ để trồng vụ mới với hy vọng gỡ gạt cho vụ trước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dưới cái nắng chói chang của những ngày đầu xuân, vợ chồng ông Nguyễn Bẩm (80 tuổi) ngụ ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) vẫn cực nhọc làm đất, bón phân cho 500 mét vuông đất rau mới xuống giống. Vụ rau đông xuân của gia đình bị thất bại thê thảm khiến cho hai vợ chồng già phải bỏ ra công sức nhiều hơn đầu tư cho vụ rau mới.
Ông Bẩm vừa làm không ngừng tay vừa nói như khóc: Vụ rau vừa rồi, 2 vợ chồng gom góp công sức, tiền giống tổng cộng hơn 5 triệu đồng để đầu tư vào 1 sào đất rau để trồng ngò, rau muống, mồng tơi… với hy vọng, rau thu hoạch đúng vào dịp trong và sau Tết, vợ chồng sẽ có một số tiền lãi trang trải cuộc sống. Vì gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào công việc trồng rau quanh năm.
“Nào ngờ đâu, rau làm ra, giá rẻ như bèo mà vẫn không ai mua, người trồng rau như tôi đành chịu cảnh trắng tay. Chờ đợi hoài không có kết quả gì nên gia đình đành nhổ bỏ hết lứa rau cũ để trồng vụ mới. Coi như công sức mấy tháng trời thức khuya dậy sớm của vợ chồng già đều héo úa theo từng lọn rau”- Ông Bẩm lắc đầu nói.
Từng giọt mồ hôi thi nhau chảy trên khuôn mặt nhiều vết chân chim của đôi vợ chồng già. Kéo theo đó là nỗi xót xa của người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn bị thất bát. Ông Nguyễn Bẩm cho biết: Giá rau hiện tại không có loại nào quá 2.000 đồng/kg. Rau ngò giá 500 đồng/kg, xà lách 1.500 đồng/kg, khổ qua 700 đồng/kg, rau muống 1.000 đồng/kg, mồng tơi 500 đồng/kg...
Rau xanh với chất lượng cao nhưng không tiêu thụ được, nhiều gia đình đành cắt về cho heo, bò, gà ăn |
Vụ rau Đông Xuân vừa qua, thời tiết rất thuận lợi để bà con nông dân cho ra thị trường những sản phẩm rau đạt chất lượng. Một sào rau của gia đình nếu vào thời điểm năm trước thì đã mang lại số tiền lãi khoảng 2-3 triệu đồng. Thế nhưng không hiểu vì sao năm nay các sản phẩm rau không tiêu thụ được. Giá rau hạ đến mức thấp kỷ lục mà cũng chẳng ai mua.
Chịu chung tình trạng với gia đình ông Bẩm là hơn 1.500 hộ trồng rau ở xã Tịnh Long. Vốn là vựa rau nổi tiếng chuyên cung cấp cho thị trường trong khắp tỉnh, Tịnh Long có hơn 60ha diện tích trồng rau vụ Tết. Thế nhưng, hiện tại, các cánh đồng rau đang lâm vào cảnh chẳng có người thu hoạch. Theo thống kê của UBND xã Tịnh Long, với tình trạng này, hiện có hơn 40% diện tích trồng rau ở các xứ đồng Cơm Khách, Hộ Cơ, Gò Mồ, Liên Ngao… đã bị phá bỏ hoàn toàn để xuống giống vụ mới.
Không chỉ ở Tịnh Long, nhiều người trồng rau ở Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), Mộ Đức, Bình Sơn… đều chịu chung cảnh rau bán ra thị trường với giá thấp mà vẫn không có người mua. Nhiều hộ nông dân đành xót xa phá bỏ hàng chục ha diện tích trồng rau.
...hoặc thậm chí là nhỏ bỏ để lấy đất trồng vụ mới |
Chịu chung tình trạng với gia đình ông Bẩm là hơn 1.500 hộ trồng rau ở xã Tịnh Long. Vốn là vựa rau nổi tiếng chuyên cung cấp cho thị trường trong khắp tỉnh, Tịnh Long có hơn 60ha diện tích trồng rau vụ Tết. Thế nhưng, hiện tại, các cánh đồng rau đang lâm vào cảnh chẳng có người thu hoạch. Theo thống kê của UBND xã Tịnh Long, với tình trạng này, hiện có hơn 40% diện tích trồng rau ở các xứ đồng Cơm Khách, Hộ Cơ, Gò Mồ, Liên Ngao… đã bị phá bỏ hoàn toàn để xuống giống vụ mới.
Không chỉ ở Tịnh Long, nhiều người trồng rau ở Nghĩa Dũng (Tư Nghĩa), Mộ Đức, Bình Sơn… đều chịu chung cảnh rau bán ra thị trường với giá thấp mà vẫn không ai mua. Nhiều hộ nông dân đành xót xa phá bỏ hàng chục ha diện tích trồng rau.
Anh Nguyễn Văn Xu có hơn 300 mét vuông trồng các loại rau muống, cải… lắc đầu ngao ngán: Giờ rau để già đồng mà có ai mua đâu. Đáng lẽ sau Tết là giá rau sẽ tăng, sức tiêu thụ mạnh nhưng năm nay thì thị trường bị đảo lộn hoàn toàn. Đem ra chợ bán với giá rẻ mạt mà vẫn chỉ thu được một nửa số tiền đầu tư. Vậy nên tôi đành cắt về cho bò, gà, heo ăn để đỡ phí. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư vào vườn rau coi như mất trắng.
Dù giá rau rẻ mạt, không bán được, người nông dân trồng rau vẫn cố bám trụ, đổ công sức vào vụ rau mới với hy vọng thu lại ít vốn đã thua lỗ của vụ trước |
Trồng rau là nghề chính và cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng nghìn người dân trong tỉnh. Do đó, tình trạng rau rớt giá mạnh như hiện nay khiến họ lâm vào cảnh điêu đứng. Việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thậm chí một số loại rau không có người thu mua vì giá quá rẻ. Trong khi đó, giá phân bón, vật tư, hạt giống thì không ngừng tăng.
Không chịu buông xuôi trước thực tế không thuận lợi, nhiều hộ nông dân đã khẩn trương làm đất ở những ruộng đã thu hoạch, triển khai trồng rau vụ mới. Bởi, với nông dân trồng rau, nếu họ không tiếp tục bám lấy đồng ruộng với công sức miệt mài từ sáng sớm đến tối khuya thì chẳng còn nghề nào đem lại nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.
Bài, ảnh: Thanh Phương