(QNĐT)- “Biển là cuộc sống”, cư dân ở xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bảo thế. Nhờ bám biển mà nơi đây trở thành “đô thị” theo như cách nói của những ai đã một lần đặt chân đến Gành Cả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một trong số rất nhiều ngôi nhà cao tầng ở “phố biển” Gành Cả. |
Sống ở đô thị, có dịp chiêm ngưỡng nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự… thế mà khi đến Gành Cả, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến nhiều ngôi nhà có kiến trúc sang trọng. Quả không ngoa khi nhiều người bảo Gành Cả là “phố biển”. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Phùng Bá Vương nói vui với vẻ mặt đầy tự hào: “Gành Cả là thành phố của xã Bình Châu chúng tôi đấy”.
Cha con lão “kình ngư”
Mặc dù lần đầu tiên đến Gành Cả, thế nhưng chúng tôi dễ dàng tìm được nhà của cha con ông Nguyễn Văn Bưng, người được cư dân Gành Cả “phong” cho danh hiệu “kình ngư”. Ngôi biệt thự của cha con lão Bưng được xây dựng với tkinh phí tiền tỷ, đẹp vào hàng nhất, nhì ở Gành Cả.
Trò chuyện với chúng tôi, lão Bưng bảo: “60 tuổi rồi. Giờ lão đã đến tuổi nghỉ hưu, mừng là có thằng con trai nối nghiệp”. 44 năm lênh đênh trên mặt biển, thuyền trưởng Nguyễn Văn Bưng nổi tiếng bởi tài định đoạt, “bắt” con tôm, con cá… phải vào khoang tàu của mình.
Mỗi chuyến ra khơi, thuyền trưởng Bưng đều “chở niềm vui” về đất liền. Lão Bưng cho hay, năm 2012 con tàu QNg 95772 của ông vươn khơi 7 phiên, mỗi phiên thu trên 700 triệu đồng. “Hy hữu phiên đầu năm thu 1,3 tỷ đồng”, lão Bưng cười khà.
Nụ cười sảng khoái trên khuôn mặt rám nắng của lão kình ngư khiến chúng tôi nhớ mãi. Ông lão dứt dạt: “Không bám Hoàng Sa, Trường Sa thì không được như hôm nay, không chỉ gia đình tui mà cả xóm này đều thế. Biển là cuộc sống của nhân dân bao đời ở Gành Cả”.
Nối nghiệp cha, Nguyễn Tấn Vũ (31 tuổi, con trai lão Bưng) tiếp tục công việc chỉ huy tàu QNg 95772. Đúng như lời lão Bưng, biển đã trở thành lẽ sống, hết lớp đến lớp đàn ông, trai tráng ở Gành Cả cưỡi sóng vươn khơi. Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Vũ bộc bạch: “Biển là nhà, vào đất liền vài hôm lại thấy nhớ. Biển bao la nhưng có lối, có đường, phải am hiểu, bền chí thì mới sống lâu dài cùng biển”.
Lão Bưng cũng thế, xa biển vài hôm lão đã cồn cào nhớ. Đêm đêm lão ngồi trên thuyền thúng câu mực. Lão bảo tiếng sóng biển tuy gần bờ nhưng cũng phần nào giúp lão đỡ nhớ Hoàng Sa, Trường Sa. “Tối đi sáng về, coi vậy mà có đêm kiếm tiền triệu chứ chẳng chơi. Cuộc sống tuy đã dư dả nhưng không lao động, không ra biển thì nhớ lắm”, lão Bưng nói cười tít mắt.
Quyết tâm bám biển
Trưởng khu dân cư Gành Cả nay đã ngoài 80 tuổi, ông tên Bùi Út. Ngày trước, cụ Út cũng là tay thuyền trưởng nổi tiếng gan dạ, bền chí nơi biển cả. Cụ bảo rằng, ai không biết cứ tưởng làng này khấm khá nhờ Việt kiều. “Không phải đâu, nhờ bám biển mà trù phú đó. Từ bao đời nay người dân ở cái làng này bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Máu thịt của đất nước phải quyết tâm gìn giữ”, cụ Út nói.
Người dân Gành Cả quyết tâm bám tàu, bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
Đã hơn 20 năm cụ Út đảm đương công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bám biển suốt một thời trai trẻ, đến khi không còn đủ sức khỏe để vươn khơi, ông thực hiện ước nguyện “trọn đời gắn bó với biển” bằng cách góp sức mình xây dựng khu dân cư đoàn kết, để ngư dân an tâm đánh bắt dài ngày trên biển.
Từ già chí trẻ, người người, nhà nhà ở Gành Cả một lòng hướng về biển cả, nơi bao đời cha ông gắn bó để sinh tồn. Cụ Út cho hay, ông đã “đào tạo” 8 người con trai “chinh chiến” ngoài khơi. Hai đứa cháu nội của ông nhờ biển cả mà lớn lên, giờ cũng theo cha thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa. Ở Gành Cả, ngay cả những người không may bị tật nguyền như anh Võ Văn Tiến (43 tuổi, bị liệt hai chân), anh Hai Lượng (bị cụt một chân)… vẫn kiên cường bám biển khiến cho bao người nể phục.
Thế đấy, ở “phố biển” Gành Cả, biển là lẽ sống. Trong số hơn 240 nóc nhà ở Gành Cả thì có đến 95% hộ dân sống bằng nghề biển. Hầu hết hộ dân có đời sống khá giả. Rủi ro trên biển làm cho 20 “nóc” nhà ở Gành Cả “vắng bóng” người chồng, người cha. Dẫu thế, những người mẹ giàu nghị lực vẫn vươn lên, làm công việc của cư dân xứ biển như mua bán, vận chuyển, phân loại cá tôm… để nuôi con cái lớn khôn, nối nghiệp bám biển bao đời của cha ông./
Phương Lý-Ý Thu