(Báo Quảng Ngãi)- Dòng sông Tang chảy từ huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) qua các xã phía tây của huyện Trà Bồng, rồi xuống huyện Sơn Hà. Hơn 10 năm qua, sông Tang không còn cuồn cuộn chảy về xuôi hòa vào dòng Trà Giang, mà được trao gửi sứ mệnh ngăn dòng, tích nước làm nên hồ chứa nước Nước Trong mênh mông...
Ngày mới ở sông Tang ngập tràn niềm vui và hy vọng. Nơi đây đang từng ngày chuyển mình, trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Về nơi sơn thủy hữu tình
Xuất phát từ TP.Quảng Ngãi, chúng tôi bắt đầu hành trình lên huyện Sơn Hà để "mục sở thị" cảnh đẹp ở lòng hồ chứa nước Nước Trong. Giữa trưa hanh hao mà gió miên man, vờn trên mặt hồ như mời gọi chúng tôi nhanh chóng xuống thuyền. Chị Mân, quê xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), về xã Sơn Bao (Sơn Hà) làm dâu, là người lái chiếc thuyền máy đưa chúng tôi đi ngắm lòng hồ chứa nước Nước Trong. Mặt hồ phẳng lặng, nước xanh như màu ngọc bích, trải dài đến tận bìa rừng.
Một góc khu vực hồ Nước Trong tại xã Sơn Bao (Sơn Hà). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Nhân đang rôm rả thì những chiếc thuyền lớn chở khách đi tham quan lòng hồ lướt tới. Tiếng nhạc xập xình phát ra, tiếng nói cười giòn giã, sảng khoái. Tôi đánh tiếng làm quen và rồi được mời sang thuyền bên ấy. Chỉ chờ có vậy, tôi bắt đầu hòa vào dòng khách du lịch để dạo quanh hồ trong cảm xúc của người phương xa đến đây. Chị Nguyễn Thị Hạnh, quê ở tận Hải Phòng vào Quảng Ngãi chơi và được bạn giới thiệu tour lòng hồ Nước Trong. Chị Hạnh chia sẻ, tôi đã từng đi du lịch rất nhiều nơi nhưng chuyến du lịch khám phá hồ Nước Trong có một cảm xúc đặc biệt. Hồ nước trong xanh, yên ả, người dân thân thiện, mến khách.
Người dân ở địa phương hái rau dớn, bắt cá lòng hồ để chế biến món ăn. Rồi được thưởng thức gạo rẫy nấu thành cơm trong ống lồ ô, thịt heo rừng lai nướng trong ống nứa, thơm ngon đến khó tả... Chị Thái Thị Quang đến từ Hà Nội, đi chung thuyền bảo rằng, thú vị nhất là ngược lòng hồ về phía thượng nguồn sông Tang tắm suối. Hàng chục con suối trải dài quanh khu vực lòng hồ, suối nào thác nước cũng bung lụa, trong xanh và mát lạnh. Nói rồi, chị Quang ngân nga câu ca dao đúc kết chuyến đi thú vị của riêng mình mà cũng là của chung cả đoàn thuyền hôm ấy: "Ở đây sơn thủy hữu tình/Có thuyền, có nước, có mình, có ta...".
Sản phẩm du lịch khác biệt
Cùng đi với chúng tôi hôm ấy có Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long. Anh rất tâm huyết trong việc định hướng, dẫn dắt người dân ở xã Sơn Bao, thị trấn Di Lăng và các xã lân cận phát huy giá trị du lịch của hồ Nước Trong. Anh Long cho biết, để làm hồ chứa nước dung tích chứa đến gần 300 triệu mét khối, cấp nước tưới cho hơn 52 nghìn héc ta đất nông nghiệp và kết hợp phát triện 16,5MW, người dân huyện Sơn Hà và các xã phía tây huyện Trà Bồng đã phải nhường lại nhiều đất đai, di dời nhà cửa. Khu vực lòng hồ với cảnh sắc tuyệt đẹp, huyện mong muốn người dân hiểu được giá trị này để cùng góp sức làm nên một sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn, tạo sinh kế bền vững.
Nuôi cá trong lồng bè trên lòng hồ Nước Trong. Ảnh: T.Nhị |
Anh Nguyễn Hồng Nhân thông tin, HTX đang xin cấp giấy phép thuê toàn bộ lòng hồ để vừa nuôi cá, vừa phát triển du lịch sinh thái. Tất cả các chủ thuyền, chủ bè cá đều là xã viên, cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, tạo nên một phong cách làm ăn chuyên nghiệp, chất lượng, hài lòng du khách. Khi nào chính thức được cấp phép thì HTX sẽ kết nạp thêm 10 xã viên là người bản địa, sinh sống gần lòng hồ thuộc 2 xã Trà Xinh và Trà Tây (TRà Bồng) để cùng hợp sức xây dựng sản phẩm du lịch. Hợp tác xã sẽ học hỏi cách làm du lịch sinh thái, nhất là trên lòng hồ, kể cả xây dựng lán trại phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách.
Nghe anh Nhân nói thế, bất chợt tôi nghĩ đến "đêm rừng thiêng, đêm Trà Phong" với ngọn lửa bập bùng bên ché rượu cần, trăng treo trên đỉnh núi và nụ cười sơn nữ lúng liếng trao nghiêng... Và tôi mong ước điều ấy đến thật nhanh để tôi cùng những người bạn yêu mến vùng đất quanh dòng sông Tang được hòa mình vào không gian đổi mới...
Ngày ấy sẽ không xa...
Công trình xây dựng hồ chứa nước Nước Trong thấm thoắt 17 năm kể từ ngày khởi công, 11 năm kể từ ngày tích nước và 5 năm kể từ ngày nghiệm thu, vận hành. Dòng sông Tang đã không còn mang con nước xuôi về dòng Trà Giang theo cách tự nhiên, mà con nước đã được ngăn dòng nằm lại phía trên bờ đập bê tông vững chãi. Nước sông Tang hôm nay cũng đã làm nên giá trị kinh tế lớn hơn khi vừa tưới tiêu cho 52 nghìn hécta đất nông nghiệp, vừa phục vụ sản xuất công nghiệp cho các nhà máy, xí nghiệp ở KKT Dung Quất và phát điện với công suất 16,5MW.
Khách du lịch du ngoạn trên thuyền ở hồ Nước Trong. Ảnh: T.Nhị |
Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Giáp Hùng Vương cho biết, chính quyền địa phương rất mong được giúp sức để người dân được làm kinh tế du lịch từ lòng hồ. Nuôi cá nước ngọt thì thuận lợi về môi trường, nhưng người dân mới chỉ nuôi được cá đặc sản, khá ngon nhưng đầu ra thì chưa biết làm cách nào để kết nối tiêu thụ ổn định. Những người nuôi cá giỏi ở lòng hồ Nước Trong suốt những năm qua năm nào cũng được mùa, nhưng kết cục đều thua lỗ vì không bán được, thế nhưng không ai bỏ cuộc. Họ vẫn bám hồ, thả cá và hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được đầu mối tiêu thụ. Và tin vui đã đến, khi mới đây có một doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đang xúc tiến triển khai dự án chế biến cá nước ngọt, dự kiến xây dựng nhà máy ở xã Sơn Bao - ngay cạnh khu vực lòng hồ. Nếu điều ấy đến thật, thì cá ở hồ Nước Trong có cơ hội được vào siêu thị, vào bếp ăn tập thể, để cuộc sống người dân bản địa bớt khó khăn.
Kết thúc hành trình du ngoạn lòng hồ Nước Trong, chúng tôi trở lại bờ. Chiều tà buông xuống, chim rừng vờn bay tìm về tổ ấm. Đồng bào Hrê, Cor đi đốn củi, chặt keo, nhổ mì cũng bắt đầu xuống núi. Những chiếc xe tải của thương lái đã đến đón hàng ngay cạnh lòng hồ, sôi động cả một góc núi. Anh Phùng Tô Long chỉ tay về phía bờ, bảo rằng khi làm du lịch thì địa phương sẽ phân định bến, bãi theo khu vực, không để như hiện nay. Cảnh quan quanh bờ cũng sẽ được dọn dẹp. Du khách đến đây chỉ có trời cao, nước xanh và ngọn gió mát lành...
THANH NHỊ