(Báo Quảng Ngãi)- Trở thành F0 (bệnh nhân Covid-19) và vào viện điều trị, nhiều người khi cầm giấy ra viện đã thốt lên: "Còn thở, còn được sống trên đời đã là một đặc ân. Cảm ơn các y, bác sĩ đã luôn bên cạnh chăm sóc, động viên như người thân ruột thịt". Trải qua những ngày bên lằn ranh sinh tử, tình yêu thương, niềm tin và sự lạc quan đã giúp họ chiến thắng.
[links()]
Nhưng cũng có những người không may mắn, ngày xuất viện trở về họ mang trong lòng nỗi buồn trống vắng đến khó tả. Họ đã vĩnh viễn mất đi người thân bởi dịch Covid-19.
Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 1). ẢNH: Thanh Phương |
Đi qua cửa tử
Đầu hơi choáng, ăn không thấy ngon và người cứ lả dần đi... đó là cảm giác mà Mai Thành Lâm, công nhân làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Hoya Lens tại Quảng Ngãi (KCN VSIP Quảng Ngãi) cảm nhận được khi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể. Anh Lâm bảo, tôi cũng đã nghe và tìm hiểu về dấu hiệu khi mắc Covid-19, nhưng không nghĩ “cơn bão Covid-19” lại ập đến với chính mình.
“Sau khi tan ca, tôi về phòng trọ, tối hôm đó cơm nước xong ngồi xem điện thoại giải trí, nhưng không như mọi khi mà hôm ấy người cứ ì ra, chỉ muốn nằm lăn ra ngủ. Tới khuya thì người rất mệt, tôi gắng uống ly sữa rồi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, người khỏe lại và lên công ty. Đến trưa, quản lý thông báo trong công ty có người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và tất cả công nhân phải làm xét nghiệm. Nhớ đến cơn đau đầu lúc tối tôi hơi lo, nhưng vẫn nghĩ là mình an toàn. Đến chiều tối thì mọi thứ trở nên tồi tệ khi điện thoại rung lên. Tôi nghe điện thoại mà choáng váng, thế là mình đã là bệnh nhân Covid-19, cảm giác lúc đó trong đời tôi chưa từng trải qua bao giờ”, anh Lâm nhớ lại.
Căn phòng trọ chưa đầy 20m2 vốn chật chội, nhưng hôm ấy trở nên quá rộng với anh Lâm khi nằm trên giường chờ xe cứu thương đến đưa đi. “Tôi thiếp đi tầm 20 phút, trong giấc ngủ chập chờn thì bỗng văng vẳng bên tai tiếng còi xe cứu thương. Tôi bật người dậy cũng là lúc phía trước cửa phòng phát ra tiếng gõ cửa. Tôi mặc lấy bộ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang rồi bước ra xe tiến thẳng về Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 3). Những ngày đầu ở bệnh viện là một chuỗi những lo sợ. Tôi cảm giác khó thở, người đuối đừ, có lúc ăn không được. Khi đêm xuống nằm trên giường bệnh mà nghĩ đến điều tồi tệ nhất”, anh Lâm tâm sự. Đã 5 ngày xuất viện về cách ly tại nhà, anh Lâm nghĩ mình thật may mắn, bởi có nhiều bệnh nhân Covid-19 không còn sống để trở về nhà.
Anh Nguyễn Văn Sơn (bên phải) cùng một bệnh nhân mắc Covid-19 khác tập thể dục để tăng sức đề kháng khi còn điều trị ở Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 3). Ảnh: Lê Đức |
Những ngày đầu ở bệnh viện điều trị, sức khỏe anh Sơn vẫn bình thường, chỉ việc ăn uống có khó khăn một chút. Nhưng qua ngày thứ 5 thì sức khỏe dần xấu đi, cơ thể như kiệt sức và hơi thở cứ ngắn lại, trong đầu anh nảy lên những ý nghĩ tiêu cực. Nhưng khi tỉnh dậy lại cố động viên mình phải thật mạnh mẽ để vượt qua, bởi phía sau còn có cha mẹ đang cách ly tập trung. Sau một thời gian điều trị, kết quả xét nghiệm lần thứ nhất của anh âm tính với vi rút SARS-CoV-2, lần xét nghiệm thứ 2 kết quả lại dương tính. Cứ điều đặn hết dương tính rồi lại âm tính, đến dương tính trở lại... cho đến lần thứ 15 thì kết quả mới âm tính 3 lần liên tiếp và anh Sơn được xuất viện.
“Về đến nhà thấy ba mẹ khẩu trang kín mít, ánh mắt như nở nụ cười, đoạn dây giăng trước nhà cũng được gỡ xuống, cuộc trùng phùng hạnh phúc đến lạ! Tôi muốn lao đến ôm lấy cha mẹ nhưng không được. Dẫu vẫn còn chút lo lắng nhưng nhìn cha mẹ khỏe mạnh tôi biết “cửa tử” đã chừa gia đình mình ra. Chỉ nhiêu đó thôi nhưng hạnh phúc khó nói thành lời”, anh Sơn tâm sự.
“Được xuất viện và trở về với gia đình đã là quá hạnh phúc. Ai đã trải qua thời khắc sinh tử, chiến đấu với vi rút SARS-CoV-2 mới thấu hiểu, chỉ mong được thở bình thường thôi đã quý đến nhường nào".
Anh
MAI THÀNH LÂM
|
Điều không may mắn
Căn nhà nhỏ nằm bên cánh đồng lúa đã xong mùa gặt, bên trong sân ngổn ngang bao đựng lúa và vật dụng nhà nông, ông Lê Sang, ở xã Nghĩa Thắng, bước đi chậm rãi dọn từng vật dụng để sân nhà trở nên thoáng hơn sau “cơn bão” Covid-19 ập đến gia đình mình. Người đàn ông dáng khỏe mạnh hoạt bát ngày nào giờ trở nên kiệm lời và lầm lũi. Ông Sang bảo, tôi về nhà sớm hơn vài ngày thì chắc cũng mắc Covid-19 và đi cách ly tập trung, và biết đâu... Nói đến đó, ông đứng dậy bước vào nhà dọn mâm cơm, thắp nén hương vái lạy mẹ già.
Bên trong ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, ánh đèn điện mù mờ không đủ sáng, phía góc tường bên phải là bàn thờ nhỏ nghi ngút khói hương. Đấy là gian thờ bà Huỳnh Thị Trông (mẹ của ông Sang), qua đời do Covid-19. Thắp nén hương trên bàn thờ bà nội, em Lê Thị Lương Phiên ngân ngấn nước mắt: “Bà lúc nào cũng “cưng” cháu, vậy mà em lại là người mang vi rút về lây cho nội, để rồi giờ đây em không còn có nội ở trên đời", Phiên bật khóc.
Em Lê Thị Lương Phiên cùng mẹ thắp nén hương tưởng nhớ người bà thân yêu của mình. Ảnh: Lê Đức |
Ở nhà, lực lượng y tế đã tiến hành phong tỏa và đưa mẹ, bà nội cùng hai em của Phiên đi cách ly tập trung. Hai hôm sau, mẹ Phiên và bà nội đều có kết quả dương tính và được đến bệnh viện điều trị. Căn phòng nhỏ ở bệnh viện trở thành ngôi nhà chung của ba người. Sang ngày điều trị thứ 5 thì bà Trông trở mệt, cùng với bệnh nền của người cao tuổi nên bà được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2).
Mỗi ngày trôi qua như dài hơn, rồi một hôm Phiên cùng mẹ là bà Lương Thị Thu Tâm như chết lặng khi hay tin nội phải thở ô xy. Hai hôm sau hung tin ập tới, bà Trông đã không qua khỏi. “Hôm xe cứu thương đến đưa nội đi, bà còn bảo em cố gắng lên, điều trị xong rồi về với bà. Nhưng đó cũng là giây phút cuối cùng em nhìn thấy nội, nghe nội dặn dò. Ngày nội mất em cũng không được về bên nội... Nếu em không về nhà, em không ngủ hai đêm với nội thì đâu đến nỗi này”, cô gái trẻ bật khóc. Bà Tâm cố dằn lòng để tiếng khóc không bật thành lời, động viên con gái: “Con đừng trách mình nữa. Nội cũng không trách con đâu”. Nói rồi, bà Tâm quay mặt về phía sau như giấu đi điều gì đó.
Trời nhá nhem tối, phía xa những ngôi nhà đã lên đèn. Tấm biển “Nhà có người cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19” vẫn còn treo trước cổng nhà. Bên trong ngôi nhà ấy, mẹ con bà Tâm dõi mắt nhìn ra, mong sớm đẩy lùi dịch Covid-19, để mọi người, mọi nhà không phải trải qua nỗi đau tột cùng mà gia đình bà đang phải chịu đựng.
Trở lại bệnh viện sau 35 ngày điều trị
Cuối tháng 8/2021, chị Trần Thị Thu Hoàng, ở xã Bình Khương (Bình Sơn) được thông báo mắc Covid-19, đưa đến điều trị tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 3). Sau 35 ngày chiến đấu với vi rút SARS-CoV-2, chị được cho xuất viện khi kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính liên tiếp. Thế nhưng, về nhà được 7 ngày và đi test lại theo quy định thì tái dương tính và phải quay lại bệnh viện. “Em sẽ cố gắng điều trị, mạnh mẽ, tự tin sẽ chiến thắng", chị Hoàng tâm sự.
|
LÊ ĐỨC