Tình mẹ bao la...

10:10, 20/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở làng An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) có nhiều người phụ nữ "góa phụ" đã trọn đời thủy chung, lặng lẽ ở vậy, tảo tần sớm hôm nuôi con khôn lớn nên người. Với họ, con là hy vọng, là niềm vui và lẽ sống giúp họ mạnh mẽ vượt qua mọi chông gai cuộc đời. 
 
Đã thành lệ, cứ đến Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Quốc tế phụ nữ hằng năm hay vào dịp tết Nguyên đán, một số phụ nữ "góa phụ" ở làng An Mô, xã Đức Lợi lại gặp mặt. Đó là cuộc gặp gỡ, hàn huyên để sẻ chia cô quạnh của những người đàn bà cùng mất chồng trong chiến tranh, là cuộc gặp gỡ rộn rã tiếng cười nhưng cũng lắm nước mắt...
 
Góa phụ khi mới đôi mươi 
 
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, bà Trịnh Thị Cưu (83 tuổi), ở làng An Mô, tập tễnh bước đến bàn thờ để thắp nén nhang cho chồng. Chồng bà Cưu là liệt sĩ. Khi mới vừa tròn 26 tuổi thì chồng mất, bà Cưu một thân một mình nuôi 3 người con. “Cái ngày mà tôi nghe tin ổng hy sinh, tôi ngã quỵ. Kiệt quệ sức khỏe lẫn tinh thần, nhưng nghĩ mình còn 3 đứa con nhỏ để chăm lo, nên phải gắng gượng đứng lên. Chỉ đau đớn nhất là chồng tôi mất đã hơn nửa thế kỷ, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được thi thể để chôn cất. Đến tấm hình để thờ chồng, cho con lớn lên nhớ mặt cha mình cũng chẳng có, vì tất cả đã mất sạch sau những lần mấy mẹ con dắt díu nhau đi chạy giặc”, cụ Cưu ngân ngấn nước mắt kể lại.
 
Bà Trịnh Thị Cưu rưng rưng nhớ lại những năm tháng gánh hàng hóa lội sông đi buôn bán để nuôi con ăn học.  Ảnh: Ý THU
Bà Trịnh Thị Cưu rưng rưng nhớ lại những năm tháng gánh hàng hóa lội sông đi buôn bán để nuôi con ăn học. Ảnh: Ý THU
Không kịp sống với nhau ngót nghét mươi năm như vợ chồng bà Cưu, vợ chồng bà Lê Thị Chợ (82 tuổi) chỉ mới lấy nhau được nửa năm, thì ông thoát ly để tham gia cách mạng. Ngày ông lên đường, bà Chợ bụng mang dạ chửa gần 5 tháng, lặng lẽ chờ chồng và một mình vượt cạn sinh con. Ngày ông về, đứa con trai 3 tuổi của ông bà mới kịp gặp mặt cha được một lần sau mấy năm xa cách, không lâu sau trở thành đứa trẻ mồ côi cha. “Lần đầu tiên hai cha con biết mặt nhau cũng là lần cuối. Ngay sau cái hôm ông về thăm con, thì mẹ con tôi hay tin ông hy sinh. Thương chồng vắn số bao nhiêu, tôi lại thương cho đứa con nhỏ dại bấy nhiêu. Tôi còn sống bên chồng được nửa năm, còn con tôi, mới chỉ gặp cha chưa được một ngày...”, bà Chợ nghẹn ngào. 
 
Lặn lội thân cò... 
 
Thời gian đầu, những cuộc gặp mặt của những người phụ nữ góa phụ ở làng An Mô do các bà tự phát động và tổ chức. Dần dà về sau, tất cả các cuộc gặp gỡ thường niên này đều do con, cháu của các bà đứng ra tổ chức chu đáo. “Mẹ đã vất vả gần trọn cuộc đời, nên việc chăm lo, chuẩn bị chu đáo cho những bữa tiệc gặp gỡ giữa mẹ với các cô, các bác trong làng là niềm vui, niềm hạnh phúc của người làm con như tôi. Tôi luôn mong được cùng mẹ đứng ra tổ chức thật nhiều cuộc gặp gỡ như vậy, để được nhìn thấy nụ cười của các mẹ, được nghe các mẹ hát những bài vè xưa…”, ông Nguyễn Đăng Vũ, con trai của cụ Lê Thị Gặp sẻ chia.                                                       

Chồng mất, nhà cửa ở làng An Mô đều bị địch đốt sạch, phá sạch sau những trận càn, hành trình một mình nuôi con trong những năm tháng bom rơi, đạn lạc của những góa phụ làng An Mô trắc trở, gập ghềnh gấp bội. “Năm 1965, khi mới sinh con được vài tháng, tôi một thân một mình ôm đứa con vẫn còn đỏ hỏn, rời làng đi tản cư trên Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Ban ngày thì ở nơi tản cư, còn chiều đến, tôi đi bộ về lại làng An Mô để trồng rau. Có bữa, đang lội ngoài mé sông để hái rau muống thì máy bay trực thăng của địch bay ngay trên đầu. Nhiều lần thót tim, nhưng vẫn cắn răng làm để có chút rau, chút gạo nuôi con...”, bà Chợ hồi tưởng.

 
Ngày trước, làng An Mô từng được mệnh danh là “ốc đảo” khi bốn bề là sông nước bủa vây, chưa có đập tràn bắc qua sông Trước chưa có đường băng qua sông Ngang để dẫn vào làng như bây giờ. Thế nên người dân An Mô muốn rời làng, hoặc phải đi đò ngang, hoặc phải mò mẫm lội sông. Đó là chưa kể vào những mùa lụt bão, người dân nơi đây luôn phải hứng chịu cảnh nhà cửa, ruộng vườn ngập trong biển nước. Trong đợt lũ lịch sử năm Thìn 1964, bốn mẹ con bà Trị ở làng An Mô đã bị nước cuốn trôi ra biển mất tích. Câu chuyện ấy đã trở thành nỗi ám ảnh được người làng nhắc đi nhắc lại mỗi năm...
 
Ấy thế mà tròn 10 năm kể từ ngày di tản, đến năm 1975, khi hòa bình lặp lại, những góa phụ làng An Mô nhất quyết không ở lại nơi mình tản cư, mà khăn gói dẫn con trở về làng cũ. Bởi với họ, dẫu cơ cực, nhọc nhằn, nhưng nhà cũ, vườn xưa vẫn là mảnh đất đong đầy kỷ niệm của những năm tháng mà gia đình hãy còn đầy đủ thành viên...
 
Dắt nhau về lại làng xưa, những người đàn bà góa chồng làng An Mô lại xốc vác, xắn tay gánh đất, xin tre về dựng tạm mái nhà tranh tre, vách đất. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, nhưng những người đàn bà góa ai nấy đều dặn lòng không được để con mình thất học.
 
Góa phụ Lê Thị Chợ mãn nguyện với cuộc sống hiện tại bên người con là chủ cơ sở sản xuất tương ớt giỏi giang và hiếu thảo.  Ảnh: Ý THU
Góa phụ Lê Thị Chợ mãn nguyện với cuộc sống hiện tại bên người con là chủ cơ sở sản xuất tương ớt giỏi giang và hiếu thảo. Ảnh: Ý THU
Trở thành góa phụ ở tuổi 29, bà Lê Thị Chợ vừa tần tảo trồng rau ở An Mô, vừa lặn lội vượt sông Vệ sang xứ đồng Ngã Bảy bên Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cày bừa thêm ruộng để đủ lo cho đứa con trai duy nhất theo đuổi giấc mơ con chữ.
 
“Những năm 1977 - 1979, để có tiền cho tôi học lên cấp 3, từ lúc trời còn chưa sáng, mẹ tôi đã dậy luộc củ lang cho tôi, rồi cầm đèn vượt sông qua bên đồng Ngã Bảy làm ruộng. Hồi đó không có thủy lợi, nên chỉ với 1 sào ruộng, mà mẹ phải nai lưng đẩy cần vọt nước từ 4 giờ sáng tới 15 giờ chiều. Chiều tối vượt sông về nhà, mẹ lại lo cho nửa sào rau trong vườn. Cứ thế quần quật từ sáng đến tối, chỉ để tôi được trọn vẹn con đường học hành”, ông Trần Văn Thú (56 tuổi), con trai  bà Chợ nghẹn ngào.
 
Chồng mất, một thân một mình nuôi những 3 người con, nên để dè sẻn tiền bạc, góa phụ Trịnh Thị Cưu dẫu ngày ngày đều gánh mớ hàng rong nặng đến hơn 20kg từ An Mô ra chợ An Chuẩn, Long Phụng để bán, nhưng bà luôn chọn cách tự lội qua sông, thay vì bỏ tiền đi đò ngang cho đỡ nhọc.
 
Sống ở vùng đất thuần nông, chỉ biết lấy nghề nông để mưu sinh, nên khi thấy 3 con đều nuôi ý chí học hành, người mẹ góa Lê Thị Gặp đã ngày ngày gánh những gánh rau nặng trĩu, đi bộ mười mấy cây số từ An Mô ra đến chợ La Hà, Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), thậm chí có bữa còn ra tận chợ thị xã bán để đổi lấy tiền cho con mua bút, vở...
 
Hạnh phúc tuổi xế chiều
 
Đi qua năm tháng tuổi trẻ đầy nhọc nhằn, chông gai, gương mặt của những người góa phụ làng An Mô đều hằn lên sự khắc khổ, nhọc nhằn. Nhưng trong các cuộc gặp gỡ, chuyện trò của những người đàn bà góa ấy, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ, bừng sáng khi kể về con mình.
 
Cụ Trịnh Thị Cưu, ở làng An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) sống hạnh phúc bên con cháu.    ẢNH: Ý THU
Cụ Trịnh Thị Cưu, ở làng An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) sống hạnh phúc bên con cháu. ẢNH: Ý THU
Ấy là nụ cười của người mẹ góa một thời ngược xuôi bên những gánh rau nặng trĩu vai Lê Thị Gặp khi chứng kiến con trai là Nguyễn Đăng Vũ học đến tiến sĩ. Ấy là đôi mắt ánh lên niềm tự hào của người mẹ góa Lê Thị Chợ khi kể về người con trai sinh ra từ gốc rạ, nhưng những năm 1980 đã mạnh dạn đi học nghề cơ khí tại Nga. Ấy là gương mặt rạng rỡ của cụ Lê Thị Bảy khi có con trai làm Trưởng thôn An Mô, ngày ngày nhiệt huyết đóng góp công sức vì việc làng, việc nước. Ấy là niềm xúc động của cụ Trịnh Thị Cưu, khi kể về 3 người con gái dẫu đã yên bề gia thất nhưng vẫn hết mực chăm nom, dành thời gian chăm sóc mẹ mỗi ngày...
 
Tần tảo, hy sinh gần cả cuộc đời vì con, nên mãi đến khi chứng kiến các con trưởng thành, khôn lớn, những người mẹ cao cả ấy, mới tìm cho mình chút niềm vui giản đơn. Ấy là cùng rủ nhau lập nhóm và tổ chức gặp mặt thường niên vào ngày tết Nguyên đán, 8/3 và 20/10 giữa những người phụ nữ góa chồng làng An Mô để cùng sẻ chia cô quạnh và thêm hương vị cho cuộc đời vốn chịu nhiều cơ cực, thiệt thòi. Những cuộc gặp mặt ấy, đã được các bà mẹ góa duy trì từ năm 1990 cho đến tận ngày nay.
 
Trong những cuộc gặp gỡ, chuyện trò của những người đàn bà góa phụ ở làng An Mô, bên cạnh chuyện xưa khiến lòng người thổn thức, còn có những chuyện về con thảo, cháu hiền, đủ để họ khỏa lấp hết thảy những năm tháng nhọc nhằn đã qua...
 
Bài,ảnh: Ý THU
 
 
                                                                                                                                                                                                         
 

.