20 năm 'chiến đấu' với ung thư và cuốn nhật ký đẫm lòng

10:04, 20/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chị ngồi lặng lẽ nhìn ra con đường vắng hoe bóng người. Đang mùa dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, nên cái quán tạp hóa nhỏ của chị gần trường cũng ít người lui tới.
 
Cái quán tạp hóa nhỏ ấy là nguồn sống giúp cho chị Hà Thị Đào, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), vững tâm chống chọi, sống cùng căn bệnh ung thư quái ác đã đeo bám cuộc đời mình suốt 20 năm ròng...
 
“Về cuộc đời tôi”
 
Trời đã quá trưa. Chị lật cuốn nhật ký với những con chữ loằng ngoằng rồi đưa sang tôi: “Em đọc đi”. Tại sao lại đưa tôi đọc cuốn nhật ký của chị? Tôi cố chăm chú lắng nghe thật kỹ từng từ, từng câu bằng cái giọng nói ngọng nghịu của chị sau câu hỏi. 
 
Chị Đào bên cuốn nhật ký về cuộc đời mình.
Chị Đào bên cuốn nhật ký về cuộc đời mình.
“Chị nói không rõ được tiếng nữa rồi em. Mấy năm trước xạ trị xong thì giọng chị không được như hồi xưa. Em hãy đọc cuốn nhật ký này của chị đi thì em sẽ hiểu hơn câu chuyện về cuộc đời, về bệnh tật của chị”, chị Đào nói rồi bất chợt ngoảnh mặt sang chỗ khác, đưa mắt nhìn chăm chăm vào những tán cây đang đổ bóng đầu trưa.
 
Tôi ậm ừ, rồi đưa tay lật cuốn nhật ký. Cuốn nhật ký là một cuốn vở 4 ô ly. Ở nhãn vở chị làm tôi chú ý. Chị ghi tên trường là “trường đời”, “năm học 2000 - 2050”.  
 
Những trang nhật ký của chị Đào.
Những trang nhật ký của chị Đào.
“Chị ghi như vậy là mong mình sẽ sống được đến năm 2050. Năm 2000 là năm chị biết mình bị bệnh”, chị Đào cười tươi. Nụ cười của một người phụ nữ sau mấy mươi năm chống chọi với bạo bệnh, nhưng vẫn tràn đầy sức sống vươn lên như cây xương rồng trên cát.
 
Chị lấy tên cho cuốn nhật ký của mình có tựa: “Về cuộc đời tôi”. Lật vào từng trang nhật ký, tôi như thấy nghị lực, sức sống mãnh liệt của chị Đào qua từng con chữ.
 
Chị viết: “Tuổi thơ tôi từ bé lớn lên cũng như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng cho đến năm tôi tròn 22 tuổi thì tôi thấy trong người rất lạ. Lúc đầu thì trặc cổ, đau đầu rồi lại lên hạch. Tôi liền đi Sài Gòn khám thì được bác sĩ chẩn đoán là ung thư vòm hầu. Lúc đó ai cũng đến thăm tôi và khuyên tôi ráng ăn uống được ngày nào được... Từ một cô bé tròn trĩnh 44kg rồi sút dần xuống còn 36kg... 
 
Lúc ở bệnh viện mấy người cùng phòng đều khóc và tôi cũng rất là buồn và lo lắng lắm. Tôi nghĩ chắc là không qua khỏi, bởi tôi không còn sức để mà chống cự với căn bệnh quái ác này. Nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không nghĩ đến cái chết cận kề mình mà nghĩ đến người thân, bạn bè nên tôi đã ngồi dậy viết thư gửi về và nhớ từng tên các bạn trong xóm rồi ghép lại làm 1 bài thơ gửi về cho các bạn. Tôi không biết là do tôi còn ngây thơ yêu đời quá nên đời cũng thương tôi và ông Nam Tào cũng không nỡ bắt tôi đi quá sớm, vì tôi còn mơ mộng nhiều và còn nhiều việc mà tôi chưa làm xong. Bởi vậy, tôi phải cố gắng sống để vượt qua bệnh tật mà bước tiếp...”.
 
 Vậy là, chị quyết lòng chiến đấu với bệnh tật. Sau khi xong các đợt xạ trị, chị về quê và tự mở ra “một hành trình” mới cho chính mình. “Về nhà, buồn rầu một thời gian thì người anh trai xin cho tôi một chỗ bán tạp hóa gần trường tiểu học. Từ đó tôi thấy vui lên, khi mỗi ngày được vui đùa cùng các em nhỏ. Cứ sáng sớm tôi đi bán đến tối lại về, công việc từ đó cũng bận rộn và vất vả so với sức khỏe của tôi. Nhưng suốt ngày được vui đùa cùng cô cậu học trò, nên tôi quên đi mệt nhọc và đau đớn. Những lúc rảnh rỗi, tôi lại tìm mua sách báo để xem, tìm hiểu thêm về những bài thuốc hay về bệnh của mình mà áp dụng, rồi đi tái khám đúng lịch theo yêu cầu của bác sĩ. Thế nên, tôi vẫn “trụ vững” đến hôm nay”, chị kể đầy lạc quan.
 
 Vòng quay thời gian trong cuộc chiến chống chọi với căn bệnh ung thư cứ dài đằng đẵng, nhưng không quật ngã được chị. Chị bảo rằng, nếu mình không quên bệnh đi, suốt ngày âu lo, không nỗ lực để gượng dậy, không quyết lòng chống lại bệnh tật, thì có lẽ giờ mình cũng đã đi về phía bóng đêm, đâu còn cơ hội ngồi viết lại cuốn nhật ký của đời mình.
 
Thông điệp lạc quan, vui sống
 
Đã 20 năm trôi qua, dẫu mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng nghị lực sống, lạc quan với đời thì chị có thừa. “Sống vui vẻ, đừng nghĩ tới bệnh tật, thì có bệnh cũng như không có bệnh”, chị nói rồi bất chợt cất lên tiếng hát bằng những lời ca không được tròn vành rõ tiếng: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/Hai đứa ở hai đầu xa thẳm, đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây/ Trường Sơn Tây anh đi, thương em, thương em bên ấy mưa nhiều con đường mà gánh gạo, muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo, hết rau rồi em có lấy măng không...”. 
Ngày ngày, chị vẫn lao động, tập thể dục, sống vui để quên đi bệnh tật.
Ngày ngày, chị vẫn lao động, tập thể dục, sống vui để quên đi bệnh tật.
Giọng hát của chị Đào hòa trong tiếng gió nghe buồn mà lại vui, nghe không hay, nhưng phục. Phục vì nghị lực của một người phụ nữ bị bệnh tật hành hạ khi giấc mơ về một mái ấm gia đình vẫn còn xa ngái.
 
“Riêng bản thân tôi, những lúc đau quá không đi bán được thì thay vì nằm một chỗ tôi lại ra vườn trồng hoa, nhổ cỏ hay đọc những cuốn sách hay chứ không để thời gian rảnh rỗi mà suy nghĩ lung tung. Còn ở dưới quán lúc rảnh, tôi lại sưu tầm những bài hát, lời hay ý đẹp hay những câu chuyên vui để đọc. Thế thì còn thời gian đâu mà suy nghĩ những chuyện vớ vẩn được chứ. Nếu không ai tin tôi, cứ thử làm như tôi thì mọi đau buồn sẽ dần tan biến.
 
Vừa rồi, tôi có đi bệnh viện Đà Nẵng tái khám, vị bác sĩ hỏi bệnh tôi được bao lâu rồi, tôi trả lời là năm nay là tròn 20 năm. Vị bác sĩ đó trố mắt nhìn tôi rồi ồ lên nói: Quá tuyệt vời! làm tôi cũng ngạc nhiên theo, nhưng tôi rất là vui... Hiện giờ thì tôi giảm sút 50%, tai thì nghe kém, nói thì không được rõ lắm, những lúc trái gió trở trời thì mình tôi lại đau ê ẩm. Thế nhưng ngày nào tôi cũng cố hát vài câu và nghĩ ra vài câu chuyện vui để mà cười, để tự an ủi mình cố lên mà bước tiếp”, chị Đào viết trong cuốn nhật ký.
 
43 tuổi, mắc bệnh ung thư vẫn sống 20 năm, ngày ngày vẫn lao động kiếm sống, phụ giúp cha mẹ già đã ngoài 80 tuổi cùng em trai bị tật nguyền. Chị Đào như tiếp lửa cho những ai đồng cảnh ngộ như mình.  
 
Tôi tạm biệt chị ra về thì cũng là lúc chị cầm cuốn nhật ký nói với tôi rằng: “Chị muốn nhắn với những ai có hoàn cảnh như chị thì hãy suy nghĩ tích cực, vui vẻ, tinh thần phải lạc quan... Em hãy đăng cuốn nhật ký của chị lên Facebook hay lên báo giúp chị. Bởi biết đâu lại giúp được nhiều người ung thư khác có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật”.
 
Ngoài trời nắng vẫn chưa muốn ngả bóng chiều...
 
Bài, ảnh: VÕ MINH HUY
 
 
 

.